Vì sao bị cáo Vũ Huy Hoàng định giá 'bèo' cổ phần Sabeco Pearl?
Phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Vũ Huy Hoàng (SN 1953, trú tại phường Phạm Đình Hồ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) trong vụ án 'Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí' và 'Vi phạm các quy định về quản lý đất đai' xảy ra tại Bộ Công thương, Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và TP Hồ Chí Minh gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 2.700 tỷ đồng đang thời gian nghị án và HĐXX sẽ ra phán quyết đối với các bị cáo vào chiều 29/4.
Ở vụ án này, điều khiến dư luận thắc mắc là vai trò của bị cáo Vũ Huy Hoàng như thế nào trong việc định giá “bèo” cổ phiếu của Sabeco Pearl?
Sabeco thuộc Bộ Công thương quản lý khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh) có diện tích 6.080m2, nguồn vốn Nhà nước do Bộ Công thương làm đại diện nắm giữ 89,59%. Sau đó, Sabeco triển khai dự án tại khu đất “vàng” trên để xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và được UBND TP Hồ Chí Minh chấp thuận. Năm 2007, Sabeco hợp tác với Công ty cổ phần Bất động sản Sabeco (Sabeco Land) nhưng bất thành vì tiềm lực tài chính không đủ.
Năm 2012, Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp Nhà nước phải thoái vốn đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính. Tuy nhiên, bị cáo Vũ Huy Hoàng (khi đó là Bộ trưởng Bộ Công thương) và các bị cáo là cấp dưới của bị cáo Vũ Huy Hoàng bỏ qua yêu cầu này khi tiếp tục chỉ đạo Sabeco thực hiện đầu tư xây dựng tại khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng. Năm 2013, Sabeco báo cáo Bộ Công thương, đồng thời đề xuất cho hợp tác với nhóm nhà đầu tư mới để triển khai dự án. Sau đó, liên doanh Sabeco Pearl gồm nhiều nhà đầu tư mới được thành lập với vốn điều lệ 484 tỷ đồng, để xây dựng tại khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng.
Trong đó Sabeco giữ 26% vốn, số vốn còn lại thuộc các công ty tư nhân gồm: Công ty Attland (23%), Công ty Hà An (25,5%) và Công ty Mê Linh (25,5%). Năm 2015, bị cáo Nguyễn Hữu Tín (khi đó là Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh) phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng hơn 997 tỷ đồng. Sabeco Pearl đã nộp số tiền này đồng thời xin bổ sung chức năng căn hộ ở tại dự án.
Năm 2016, Công ty Attland, Công ty Hà An và Công ty Mê Linh cùng ký văn bản kiến nghị Sabeco thoái toàn bộ vốn tại Sabeco Pearl. Được sự đồng ý của Bộ Công thương nên Sabeco bán toàn bộ cổ phần tại liên doanh Sabeco Pearl với giá 196 tỷ đồng. Tuy nhiên giá thực tế số cổ phần này khoảng 465 tỷ đồng vì dự án đã được cấp phép thêm chức năng căn hộ ở. Cùng năm 2016, Sabeco thoái vốn tại Sabeco Pearl với giá 13.247 đồng một cổ phần. Sabeco thu về 196 tỷ đồng và rút tên khỏi liên doanh Sabeco Pearl.
Hiện nay, Sabeco Pearl đổi tên thành Công ty cổ phần đầu tư Quảng trường Mê Linh và đứng tên khu đất “vàng” 2-4-6 Hai Bà Trưng. Cơ quan tố tụng xác đinh, việc định giá, thoái vốn của Sabeco tại Sabeco Pearl làm thất thoát tài sản Nhà nước số tiền rất lớn. Cụ thể, giá tài sản xác định tại ngày 1/4/2016, một cổ phần của Sabeco Pearl là 31.611 đồng. Nhưng việc định giá khi Sabeco thoái vốn chỉ là 13.247 đồng một cổ phần.
Quá trình xét xử, bị cáo Vũ Huy Hoàng khai nhận, tại cuộc họp ngày 29/3/2016 do bị cáo chủ trì có bàn về nhiều vấn đề của Sabeco, trong đó có bàn về chủ trương thoái vốn và xây dựng trụ sở trong trường hợp Sabeco thoái vốn. Bị cáo Vũ Huy Hoàng khẳng định, đó không phải cuộc họp về thẩm định giá thoái vốn. Nhưng thực tế thì Sabeco đã căn cứ vào nội dung cuộc họp có chỉ đạo của bị cáo Vũ Huy Hoàng để làm căn cứ định giá 13.247 đồng một cổ phần.
Trong cuộc họp ngày 29/3/2016, ông Võ Thanh Hà (khi đó là Chủ tịch Hội đồng quản trị, phụ trách bộ phận quản lý vốn Nhà nước tại Sabeco) đã báo cáo kết quả thẩm định giá của Công ty TNHH Chứng khoán ACB xác định, giá Sabeco Pearl là 14.433 đồng một cổ phần. Nhưng bị cáo Vũ Huy Hoàng cho rằng, đây là giá giả định trong tương lai khi khu đất có chức năng căn hộ ở và quyết định giá khởi điểm thoái vốn là 13.247 đồng một cổ phần.
Thực tế thì ngày 22/9/2015, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản do cựu Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín ký chấp thuận điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, bổ sung chức năng căn hộ ở. Và như vậy, về mặt pháp lý đã làm giá trị của khu đất “vàng” 2-4-6 Hai Bà Trưng tăng lên nhiều lần. Tỷ lệ thuận với điều đó là giá cổ phần của Sabeco Pearl khi đó cũng tăng lên. Cơ quan tố tụng khẳng định, việc Sabeco thoái vốn khỏi Sabeco Pearl chỉ là 13.247 đồng một cổ phần đã làm thất thoát của Nhà nước số tiền rất lớn.