Vì sao bí mật chấn động của Credit Suisse bị phanh phui?
Bất chấp những nguy cơ có thể gặp phải, các nhà báo điều tra quyết định đặt lợi ích của công chúng lên trên khi công khai dữ liệu rò rỉ của ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse.
“Công chúng có quyền được biết về hành vi sai trái. Và nhiệm vụ của chúng tôi là phải tiết lộ nó”, Guardian khẳng định về lý do quyết định công khai dữ liệu của Credit Suisse - ngân hàng tư nhân lớn bậc nhất thế giới - phơi bày khối tài sản bí mật của những khách hàng liên quan tới nhiều tội ác nguy hiểm.
Dữ liệu được công khai hôm 20/2 có liên quan tới 30.000 khách hàng của Credit Suisse trên khắp thế giới, bao gồm người dính líu tới các tội ác tra tấn, buôn lậu ma túy, rửa tiền, tham nhũng và nhiều hành vi nghiêm trọng khác.
Để điều tra và công khai dữ liệu này, các nhà báo tham gia phải đứng giữa hai cán cân: Lợi ích cộng đồng hoặc nguy cơ bị tố tụng hình sự vì vi phạm luật bảo mật ngân hàng của Thụy Sĩ.
Mặt trái của luật bảo mật ngân hàng Thụy Sĩ
Khi Thụy Sĩ bắt đầu yêu cầu các ngân hàng chia sẻ dữ liệu khách hàng với một số cơ quan nước ngoài theo hệ thống trao đổi toàn cầu để chống trốn thuế vào năm 2018, đó cũng là lúc những bí mật động trời được vén màn hết lần này qua lần khác.
Các ngân hàng Thụy Sĩ chia sẻ dữ liệu khách hàng với nhiều quốc gia, nhưng một số nước đang phát triển bị loại khỏi hệ thống trao đổi toàn cầu được thiết lập để chống trốn thuế và gian lận.
Trong khi đó, luật bảo mật thông tin ngân hàng nổi tiếng của Thụy Sĩ - điều 47 của Luật Ngân hàng Liên bang năm 1934 - vẫn có hiệu lực. Bất kỳ ai vi phạm luật này có nguy cơ bị phạt tù 5 năm.
Cách đây không lâu, nước này tiếp tục củng cố luật bảo mật ngân hàng của mình. Luật ban đầu chỉ áp dụng cho các chủ ngân hàng và những người khác trong ngành, nhưng kể từ năm 2015, luật có thể được áp dụng cho bất kỳ bên thứ ba nào “tiết lộ” hoặc “khai thác” bí mật từ bên trong một ngân hàng Thụy Sĩ.
“Từ ngữ đủ mơ hồ để một công tố viên quá khích có thể nghĩ đến việc sử dụng luật này để kiện các nhà báo vạch trần hành vi sai trái của một ngân hàng Thụy Sĩ hoặc khách hàng của ngân hàng đó”, Guardian rào trước nguy cơ.
Tuy nhiên, tờ báo này lập luận: “Bất kỳ động thái nào như vậy sẽ được coi là một cuộc tấn công trắng trợn vào quyền tự do ngôn luận, đặc biệt là ở Thụy Sĩ, đất nước nằm trong số top 10 về Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới”.
Irene Khan, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do quan điểm và ngôn luận, nói với một phóng viên trong nhóm điều tra Credit Suisse rằng cô đang đánh giá điều 47.
“Tôi có thể nói rất rõ ràng rằng luật pháp quốc tế cho phép nhà báo công bố thông tin có lợi cho công chúng. Thông tin tài chính hoặc ngân hàng có thể thuộc loại này, chẳng hạn nếu thông tin đó liên quan đến nhân thân của công chúng”, bà nói.
“Quyền riêng tư không thể được sử dụng làm cơ sở để hạn chế quyền của phương tiện truyền thông. Họ được phép công bố thông tin có thể được công chúng quan tâm”, bà Khan nhấn mạnh.
Tuy nhiên, để tránh kịch bản công tố viên Thụy Sĩ sử dụng quy chế bảo mật ngân hàng để xử lý hình sự nhà báo trong nước, nhóm điều tra dữ liệu đã không để các cơ quan truyền thông Thụy Sĩ tham gia, nhằm bảo vệ họ.
Hơn 160 phóng viên từ 48 hãng truyền thông đã góp sức vào dự án điều tra bí mật của Credit Suisse, nhưng không ai trong số họ ở Thụy Sĩ.
Arthur Rutishauser, Tổng biên tập báo Tamedia của Thụy Sĩ, cho biết: “Luật này là một hạn chế lớn đối với tự do báo chí ở Thụy Sĩ. Luật pháp có thể bảo vệ tội phạm và tài sản của họ. Các nhà báo cố gắng vạch trần họ có nguy cơ bị tố tụng hình sự nếu làm như vậy”.
Đối với các phương tiện truyền thông bên ngoài Thụy Sĩ, bao gồm Guardian, luật bí mật ngân hàng của quốc gia này cũng có thể ảnh hưởng đến họ, dù ít trực tiếp hơn.
“Đó là một trong nhiều yếu tố được xem xét khi chúng tôi cân nhắc lợi ích công cộng để điều tra dữ liệu bị rò rỉ và quyết định công bố một vài dữ liệu trong số đó”, Guardian cho biết trong một bài báo đăng ngày 20/2, sau khi họ công khai về các bí mật của ngân hàng cùng ngày.
Nơi thu hút tiền bất chính
Theo Guardian, một số khách hàng của Credit Suisse có lý do chính đáng để mở tài khoản ở nước ngoài, và việc này không phải là bất hợp pháp nếu được khai báo với cơ quan thuế.
Tờ báo lưu ý trong số 30.000 khách hàng của Credit Suisse trong dữ liệu bị rò rỉ, có những người không vi phạm bất kỳ tội nào và có kỳ vọng hoàn toàn hợp lý về quyền riêng tư trong vấn đề tài chính của họ.
Các nhà báo điều tra không mổ xẻ dữ liệu của những người này, mà tập trung vào việc vạch trần các hành vi sai trái, nhằm góp phần vào cuộc tranh luận công khai về hệ thống ngân hàng.
Từ lâu, các ngân hàng Thụy sĩ nổi lên là nơi cất giữ tiền an toàn bậc nhất thế giới, dù là ngoài đời thực hay trong phim ảnh. Từ phim kinh dị đến tiểu thuyết gián điệp, nhân viên ngân hàng Thụy Sĩ được miêu tả là những người đàn ông mặc vest kín đáo, biết câu nào nên hỏi và câu nào không.
Không phải tự nhiên mà người ta xem Thụy Sĩ là một trong những thiên đường thuế hàng đầu. Đất nước đã nuôi dưỡng, hệ thống hóa và thậm chí quảng cáo quyền tự do quyết định của các chủ ngân hàng trong nhiều thế kỷ, nhờ đó hưởng lợi nhuận hấp dẫn khi giới tinh hoa đổ xô đến dãy Alps để tích trữ tài sản.
Tuy nhiên, những vụ bê bối kéo dài hàng thập kỷ đã cho thấy rõ ràng rằng các ngân hàng Thụy Sĩ nói chung - và Credit Suisse nói riêng - đã thu hút tiền bất chính từ những kẻ trốn thuế, quan chức tham nhũng và tội phạm rửa tiền.
Tội phạm tài chính là một vấn đề nghiêm trọng được công chúng toàn cầu quan tâm. Đặc biệt ở các nước đang phát triển, tham nhũng có thể tác động rất sâu sắc đến những người nghèo nhất trên thế giới.
Một nguồn ẩn danh đã tiết lộ dữ liệu Credit Suisse cho Süddeutsche Zeitung, tờ báo lớn nhất của Đức, vì tin rằng luật bảo mật ngân hàng của Thụy Sĩ là “vô đạo đức”.
Người tiếp nhận vụ rò rỉ - Frederik Obermaier và Bastian Obermayer - là những phóng viên điều tra từng đạt giải thưởng sau hồ sơ Panama và Paradise - các vụ rò rỉ thông tin tài chính của hàng loạt công ty vỏ bọc, hé lộ khối tài sản đáng ngờ của nhiều quan chức và nhân vật lớn trên thế giới.
Trong suốt nhiều tháng xem xét kỹ lưỡng dữ liệu, các nhà báo thậm chí phát hiện ra bằng chứng cho thấy một số khách hàng của Credit Suisse được phép mở tài khoản ngân hàng nhiều năm sau khi họ bị kết án tội nghiêm trọng liên quan đến tài chính.
Trong các trường hợp khác, dữ liệu đặt ra câu hỏi về khối tài sản không giải thích được của các khách hàng Credit Suisse. Nghi vấn cũng được đặt ra xung quanh việc liệu Credit Suisse có yêu cầu khách hàng của họ cung cấp thông tin cơ bản về nguồn gốc tiền hay không; và liệu vụ việc của Credit Suisse có phải là dấu hiệu của tình trạng bất ổn sâu sắc tại ngân hàng Thụy Sĩ hay không.