Vì sao Bình Thuận liên tục xảy ra các vụ chìm tàu?
Chỉ trong 4 ngày, từ 8 - 11/3 trên vùng biển Bình Thuận đã liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn chìm sà lan, tàu hàng gặp sự cố làm nhiều thuyền viên mất tích trên biển.
Ngày 13/3, trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Hùng Tân - Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận cho biết, các lực lượng chức năng cùng tàu cá của ngư dân vẫn đang tích cực tìm kiếm 4 thuyền viên mất tích ngoài khơi vùng biển Phú Quý.
Ngoài ra, sáng nay lại có thêm một ngư dân đang đánh bắt cá thì bị rơi xuống biển, cũng ở vùng biển Phú Quý.
Trước đó, từ ngày 8 - 11/3, trên vùng biển Bình Thuận liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn chìm sà lan, tàu hàng gặp sự cố làm nhiều thuyền viên mất tích trên biển, tàu thuyền hư hỏng.
Giải thích về nguyên nhân vùng biển Bình Thuận liên tục xảy ra sự cố chìm tàu, ông Nguyễn Hùng Tân cho biết, vùng biển khu vực mũi Kê Gà luôn có dòng xoáy ngầm phía dưới đáy. Tàu thuyền đi qua rất dễ bị sóng lớn đánh bên trên và dòng chảy ngầm đánh bên dưới khiến phương tiện bị nhấn chìm.
Trong khi đó, vùng biển xung quanh đảo Phú Quý có rất nhiều rạn đá ngầm nằm dưới nước. Những rạn đá này cản dòng chảy, tạo sóng ngầm, xoáy nước mạnh, sóng lớn, rất nguy hiểm với các tàu thuyền đi qua. Vùng biển xung quanh đảo Phú Quý lại là luồng lạch hàng hải quan trọng nên các tàu thuyền chở hàng bắt buộc phải lưu thông qua lại.
Liên quan đến việc tàu Xuyên Á 126 bị nạn ở vùng biển mũi Kê Gà, Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận có văn bản gửi các cơ quan chức năng về việc tàu này đã tự ý rời khỏi hiện trường dù chưa được sự cho phép của cơ quan chức năng.
Cụ thể, tàu Xuyên Á 126 quốc tịch Việt Nam, thuộc Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Xuyên Á (TP Thủ Đức, TPHCM) hành trình từ Cần Thơ đi Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) chở 2.600 tấn phân đạm. Trên tàu có khoảng 7 tấn dầu DO, 11 người, gồm 9 thuyền viên và 2 quản lý.
Khi đi ngang qua vùng biển Bình Thuận, do bị sự cố, chiếc tàu có nguy cơ chìm tại vị trí cách Mũi Kê Gà khoảng 6 hải lý về hướng Đông Nam. Thuyền trưởng đã yêu cầu được cứu nạn khẩn cấp vào lúc 2h30 phút ngày 10/3.
Sau khi nhận được thông tin, Cảng vụ hàng hải Bình Thuận đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai công tác cứu nạn. Toàn bộ số người trên tàu đã được hỗ trợ, cứu nạn đưa về cảng Phan Thiết bàn giao cho các cơ quan chức năng lúc 5h40 ngày 10/3. Riêng tàu Xuyên Á 126 vẫn neo đậu trên vùng biển Kê Gà (tỉnh Bình Thuận), cách bờ khoảng 0,5 hải lý trong tình trạng nước tràn vào buồng máy, có nguy cơ gây chìm tàu.
Ngày 10/3, Cảng vụ hàng hải Bình Thuận đã yêu cầu chủ tàu Xuyên Á 126 khẩn trương đưa ra phương án khắc phục sự cố, nhằm tránh tổn thất chi phí phát sinh có liên quan và sự cố ô nhiễm môi trường tại khu vực, đồng thời phối hợp với các đơn vị có chức năng, năng lực xây dựng phương án xử lý, ứng phó, khắc phục đối với hàng hóa và phương tiện, sớm trình Cảng vụ hàng hải Bình Thuận xem xét, phê duyệt để tiến hành triển khai theo quy định.
Tuy nhiên, đến ngày 11/3, Cảng vụ hàng hải Bình Thuận nhận được văn bản của Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận thông báo tàu Xuyên Á 126 đã tự ý rời khỏi vùng biển Kê Gà. Theo đó, chủ tàu Xuyên Á 126 đã tự ý thuê 2 tàu cá của ngư dân trên địa bàn thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận tiến hành lai dắt tàu bị nạn về Vũng Tàu để khắc phục sự cố khi chưa được sự cho phép của các cơ quan chức năng.
Cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận nhận định, tại khu vực hiện nay đang có diễn biến thời tiết phức tạp. Việc chủ tàu, thuyền trưởng tàu Xuyên Á 126 sử dụng tàu cá để lai kéo, cũng như chỗ thủng trên tàu chưa được khảo sát kỹ, có thể ảnh hưởng đến an toàn của phương tiện, hàng hóa và môi trường.