Vì sao Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bị khai trừ Đảng?

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bị xác định gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Chiều 6-6, Bộ Chính trị triệu tập Hội nghị trung ương bất thường, nhằm quyết định hình thức kỷ luật đối với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Chủ tịch UBND TP Hà Nội (nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN) theo đề nghị của Bộ Chính trị.

Sau khi xem xét đề nghị của Bộ Chính trị, căn cứ nội dung, tính chất, mức độ hậu quả, nguyên nhân vi phạm; theo quy định của Đảng về kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thi hành Khai trừ ra khỏi Đảng ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long.

Đồng thời, yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính theo đúng quy định đối với cá nhân đã bị kỷ luật đảng

Ông Nguyễn Thanh Long, bộ trưởng Bộ Y tế. Ảnh: ĐỨC MINH

Ông Nguyễn Thanh Long, bộ trưởng Bộ Y tế. Ảnh: ĐỨC MINH

Hôm 4-6, Bộ Chính trị đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Thanh Long.

Bộ trưởng Bộ Y tế bị đánh giá suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19; gây bức xúc trong xã hội; ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, Bộ Y tế.

Cụ thể hơn về sai phạm của ông Long, theo UBKT Trung ương, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Y tế đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, để một số lãnh đạo bộ và đơn vị vi phạm quy định của Đảng, pháp luật nhà nước trong việc đánh giá chuyên môn, kiểm tra, giám sát; cấp phép, cấp số đăng ký lưu hành; hiệp thương giá và mua sắm bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 của Công ty CP Công nghệ Việt Á.

Theo tìm hiểu, đề tài nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 do Học viện Quân y chủ trì, có sự tham gia của bốn thành viên của Công ty Việt Á, trong đó có Phan Quốc Việt (tổng giám đốc, đã bị khởi tố và bắt giam).Đề tài này là nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, thực hiện từ tháng 2-2020, với tổng kinh phí chi từ ngân sách gần 19 tỉ đồng.

Tháng 3-2020, Hội đồng đánh giá, nghiệm thu kết quả giai đoạn 1 đề tài (thuộc Bộ KH&CN) họp và đề nghị Bộ Y tế cấp phép sử dụng cho hai bộ sinh phẩm LightPoweriVA SARS-CoV-2 1st RT-PCR Kit và LightPoweriVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR Kit. Xuất phát từ đề nghị trên, cùng với một số căn cứ khác, Bộ Y tế lần lượt cấp phép tạm thời rồi cấp phép lưu hành cho sản phẩm.

Tháng 12-2021, Bộ Y tế thông tin về bộ sản phẩm kit test Việt Á. Cơ quan này khẳng định các sản phẩm cấp phép “đều đã được đánh giá đạt yêu cầu, đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng của Việt Nam và đảm bảo đúng theo các quy định hiện hành”.

Đáng chú ý, Bộ này từng có công văn giới thiệu sản phẩm kit xét nghiệm của Công ty Việt Á (cùng một số sản phẩm khác) để các Sở Y tế và các bệnh viện chủ động liên hệ mua sắm phục vụ phòng, chống dịch.Trong danh sách kèm theo công văn, bộ kit test Việt Á có giá bán công bố là 470.000 đồng/test – mức giá được Bộ Công an xác định là bị “nâng khống”. Thực tế cho thấy, nhiều địa phương đã mua số lượng lớn kit test của Công ty Việt Á với mức giá nêu trên.

Đề cập về vấn đề giá, Bộ Y tế cho hay trang thiết bị y tế và sinh phẩm xét nghiệm không thuộc trong danh mục mặt hàng phải quản lý giá; giá sẽ được xác định thông qua đấu thầu và khác nhau theo từng thời điểm và số lượng mua sắm, khả năng cung ứng.

Mức giá 470.000 đồng/test được Công ty Việt Á niêm yết công khai trên Cổng công khai giá để các địa phương, cơ sở y tế nắm bắt, tham khảo, chứ không phải là giá bắt buộc áp dụng. Do đó, các địa phương, đơn vị thực hiện mua sắm, đấu thầu theo đúng quy định và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện.

Tuy nhiên theo Cơ quan CSĐT Bộ Công an, quá trình điều tra cho thấy có dấu hiệu sai phạm trong việc cấp phép đăng ký lưu hành tạm thời và cấp phép đăng ký lưu hành chính thức, cũng như việc hiệp thương giá sản phẩm kit xét nghiệm với Công ty Việt Á, xảy ra tại Bộ Y tế.

Đến nay, công an đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế), ông Nguyễn Nam Liên (Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính) và ông Nguyễn Huỳnh (Phó Trưởng phòng Quản lý giá, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế) cùng về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Tiểu sử ông Nguyễn Thanh Long

Ông Nguyễn Thanh Long, sinh năm 1966, quê quán tỉnh Nam Định.

Ông Long với chuyên môn nghiệp vụ là bác sỹ đa khoa, học hàm, học vị GS.TS, trình độ cao cấp lý luận chính trị.

Từ 2008 đến 2011, ông Long lần lượt được bổ nhiệm và giữ chức phó cục trưởng rồi cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế.

Tháng 12/2011, ông Long được bổ nhiệm chức vụ thứ trưởng Bộ Y tế. Đến tháng 10-2018, ông Long được điều đồng giữ chức vụ Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Tháng 3-2020, cũng là thời điểm dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát tại Việt Nam, ông Long được điều động trở về Bộ Y tế, giữ chức vụ thứ trưởng thường trực.

Tiếp đó, ông Long lần lượt giữ các cương vị quyền bộ trưởng Bộ Y tế, chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia.

Đến tháng 11-2020, ông Long được bổ nhiệm giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Y tế.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ông Long được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đại biểu Quốc hội khóa XV.

Quá trình công tác, ông Long từng được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc (năm 2011), Huân chương Lao động hạng 3 (năm 2010), hai Bằng khen Thủ tướng Chính phủ.

TUYẾN PHAN

Nguồn PLO: https://plo.vn/vi-sao-bo-truong-bo-y-te-nguyen-thanh-long-bi-khai-tru-dang-post683319.html