Vì sao bóng đá tàn lụi ở Singapore?
Bầu không khí ảm đạm tại Singapore trong ngày hội bóng đá lớn nhất khu vực khiến tất cả hoài nghi về tình yêu bóng đá của người dân đảo quốc. Thực tế là họ đã từng rất yêu bóng đá. Nhưng không phải bây giờ.
Có một thời gian bóng đá là môn thể thao số một ở Singapore. Những trận đấu ở giải Ngoại hạng Singapore (SPL) luôn đầy ắp khán giả trong khi tình trạng cháy vé luôn xảy ra mỗi khi ĐTQG thi đấu. Mọi thứ thật tuyệt vời. Và 3 danh hiệu vô địch AFF Cup (2004, 2007, 2012) đã thổi bùng tham vọng của Đảo quốc Sư tử. Liên đoàn bóng đá Singapore (FAS) đề ra mục tiêu dự World Cup vào năm 2022, đồng thời tin sẽ làm được.
Giờ thì giấc mơ World Cup đã nguội lạnh từ lâu, giống như sự quan tâm của người dân Singapore với bóng đá. Các sân vận động trở nên vắng lặng. Ngay cả khi FAS đưa ngày hội bóng đá lớn nhất khu vực, tức AFF Cup 2020, về đảo quốc, thứ nhận lại chỉ là sự lạnh nhạt.
Tất cả bắt nguồn từ tham vọng lớn của FAS. Nó dẫn đến việc họ cố gắng áp đặt nhiều phong cách bóng đá khác nhau lên đội tuyển. Singapore từng gặt hái thành công với HLV Raddy Avramovic, người sớm nhận thấy các cầu thủ đảo quốc hạn chế về mặt kỹ thuật. Vậy nên xây dựng đội bóng dựa trên tính tổ chức và kỷ luật.
Nhưng FAS nghĩ rằng Singapore có thể tốt hơn. Năm 2013 họ bổ nhiệm Bernd Stange với định hướng về thứ bóng đá tiqui-taca. Dĩ nhiên nó không phù hợp. Vì thế công việc được chuyển cho Sundramoorthy, một HLV có phong cách thực dụng và giáo điều. Bây giờ HLV là Tatsuma Yoshida. Có một số dấu hiệu tích cực về thứ bóng đá sáng tạo mà chiến lược gia người Nhật đang triển khai, tuy nhiên Singapore hiện phải đối mặt với những khó khăn khác.
Những năm tháng hỗn loạn vì các định hướng sai lầm khiến thành tích của Singapore đi xuống. Họ không thể vượt qua vòng bảng ở 3 kỳ AFF Cup gần nhất. Ở vòng loại World Cup 2022, Singapore đứng thứ 4/5 đội ở bảng A vòng loại thứ hai. Mục tiêu dự World Cup thất bại, nhưng FAS không nản chí. Họ điều chỉnh kế hoạch thành dự World Cup 2034. Dĩ nhiên, có rất ít cơ sở để tin mục tiêu này sẽ hoàn thành.
Khi đội tuyển chỉ mang lại sự chán nản, bóng đá không còn được yêu thích như trước. Người hâm mộ quay lưng và thế hệ trẻ ít đam mê bóng đá. Các bậc cha mẹ khuyến khích con cái chuyên tâm vào con đường học hành hơn là theo đuổi nghiệp bóng đá vốn thu nhập thấp và tuổi thọ nghề nghiệp ngắn. Những cầu thủ chuyên nghiệp chơi ở giải bóng đá hàng đầu Singapore chỉ kiếm được vài nghìn đô la Singapore mỗi tháng, và thu nhập ít hơn 500 đô la nếu đá ở hạng thấp hơn.
Việc phát triển thế hệ tài năng mới còn gian truân hơn nữa khi bóng đá đánh mất vị thế hàng đầu. Năm 2017, Học viện bóng đá Home United (HYFA) tại đường Mattar bị người dân phàn nàn về tiếng ồn quá lớn. Cục Nhà ở và Phát triển Singapore đã cấm Học viện sử dụng 2 sân 11 người cùng lúc vào dịp cuối tuần, và các trận 7 người phải kết thúc trước 7 giờ tối các ngày trong tuần. Bóng đá vốn đã ít không gian để phát triển ở một đất nước có diện tích nhỏ như Singapore, nay lại bị hạn chế bởi các quy định ngặt nghèo. Không ngạc nhiên khi giới trẻ chuyển sang chơi Teqball và Panna, hai biến thể của bóng đá chỉ cần không gian khoảng 10m2.
Singapore hy vọng AFF Cup sẽ mang đến cú hích, khơi dậy tình yêu bóng đá ở Đảo quốc Sư tử. Mặc dù vậy, yếu tố tiên quyết vẫn là thành tích của đội tuyển. Như cái tên “Unleash the Roar” của dự án theo đuổi tấm vé đến World Cup 2034, chú sư tử Singapore phải giải phóng sức mạnh và cất tiếng gầm. Bằng không, bóng đá sẽ tiếp tục quá trình suy thoái trong sự tàn lụi của những giấc mơ.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/vi-sao-bong-da-tan-lui-o-singapore-post1398628.tpo