Vì sao BOT xa lộ Hà Nội được thu phí dù dự án chưa hoàn thành?
Theo tính toán của chủ đầu tư, nếu chậm thu phí, mỗi năm, TP.HCM phải trả lãi vay phát sinh 480 tỷ đồng khiến tổng thời gian thu phí kéo dài thêm.
Sau 10 năm thực hiện, dự án mở rộng xa lộ Hà Nội trải dài 15,7 km từ chân cầu Sài Gòn (TP Thủ Đức) đến nút giao Tân Vạn (tiếp giáp dự án xây dựng cầu Đồng Nai mới) bắt đầu thu phí từ 1/4.
Việc thu phí thử nghiệm đối với các loại ôtô qua trạm được áp dụng từ 27/3, với hình thức vé 0 đồng.
"Dự án chưa hoàn thành do vướng mặt bằng"
Về các thắc mắc xoay quanh việc dự án chưa hoàn thành đồng bộ và còn dang dở hơn 4 km (từ Trạm 2 đến cầu Đồng Nai) và đường song hành bên trái tuyến đường nhưng vẫn được thu phí, bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, Phó tổng giám đốc Công ty CII (nhà đầu tư), cho biết theo hợp đồng mà công ty ký với UBND TP HCM từ tháng 11/2009, nhà đầu tư phải bỏ tiền ra làm đường và 10 năm sau mới được thu phí hoàn vốn.
Tuy nhiên, do lưu lượng phương tiện tăng, năm 2017 đã hoàn thành thu phí hoàn vốn cho cầu Rạch Chiếc. UBND TP và CII đã đàm phán để ký phụ lục hợp đồng, bổ sung thêm một số hạng mục đầu tư, thời gian thu phí là 1/10/2018. Nhưng khi đến thời điểm đó, nhà đầu tư vẫn không được chấp thuận cho thu phí.
"Nhà đầu tư rất muốn hoàn thành toàn bộ dự án, nhưng đến nay mặt bằng đoạn QL1 từ Trạm 2 đến cầu Đồng Nai vẫn chưa được bàn giao. Trong khi đó, nhà đầu tư đã thi công và hoàn thành tất cả các mặt bằng được bàn giao, điển hình là toàn bộ trục chính từ cầu Sài Gòn đến nút giao Đại học Quốc gia đã được nghiệm thu và đưa và sử dụng, tức nhà đầu tư đã đáp ứng điều kiện thu phí theo luật định và hợp đồng đã ký”, bà Trâm lý giải.
Đại diện chủ đầu tư cũng cho biết kế hoạch thu phí bị chậm trễ khiến mỗi tháng, Công ty CII phải thanh toán 40 tỷ đồng chi phí vốn cho các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, CII cũng gặp nhiều khó khăn về tài chính do gánh chi phí bảo trì, duy tu toàn tuyến hơn 10 năm qua.
Theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, tổng chi phí đầu tư dự án hết năm 2018 là 3.016 tỷ đồng. Hai năm 2019 và 2020, phần lãi phát sinh và bổ sung một số hạng mục cần thanh toán tiếp đã lên 4.085 tỷ đồng.
Bà Trâm cho hay theo phương án tài chính, nếu dự án mở rộng xa lộ Hà Nội được thu phí hoàn vốn từ ngày 1/10/2018, tổng thời gian thu phí hoàn vốn là 17 năm 9 tháng. Tuy nhiên, nếu chậm thu phí, mỗi năm, TP sẽ phải trả lãi vay phát sinh 480 tỷ đồng, và tổng thời gian thu cũng kéo dài thêm 6 năm do lãi vay phát sinh.
Trước đó, giai đoạn 2009, tuyến xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1A vẫn còn nhỏ hẹp, mỗi chiều chỉ có 2 làn xe dù tuyến đường này đóng vai trò xương sống, huyết mạch kết nối cửa ngõ phía đông TP.HCM với tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và các tỉnh miền Trung, miền Bắc.
Nhìn nhận tình trạng bất lợi này đã gây không ít thiệt hại cho doanh nghiệp, người dân và sự phát triển chung của thành phố, UBND TP.HCM thời điểm đó đã nhiều lần kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức BOT.
Tuy nhiên, việc làm này không nhận được nhiều hưởng ứng do BOT xa lộ Hà Nội đang thu phí hoàn vốn cho 2 dự án khác, nếu đầu tư lúc này thì phải chờ đến 10 năm sau mới được thu phí hoàn vốn..
Sau nhiều lần xem xét, UBND TP giao Công ty CII làm nhà đầu tư theo hình thức BOT với vốn đầu tư là 2.287 tỷ đồng. Đến năm 2016, dự án được điều chỉnh nâng lên hơn 4.900 tỷ đồng.
Lý do trạm thu phí đặt gần cầu Rạch Chiếc
Bà Nguyễn Mai Bảo Trâm cho biết do vị trí dự án trải dài 15,7 km từ cầu Sài Gòn cho đến cầu Đồng Nai nên việc dự án sử dụng trạm BOT đặt gần cầu Rạch Chiếc làm trạm thu phí là hoàn toàn hợp lý.
Mặt khác, bà Trâm cũng cho hay trong hợp đồng dự án vốn dĩ không bao gồm chi phí xây dựng trạm thu phí; cho nên việc sử dụng trạm này còn để tiết kiệm kinh phí phát sinh.
Theo đó, trạm BOT xa lộ Hà Nội đặt gần chân cầu Rạch Chiếc được tận dụng làm trạm thu phí cho dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1 sau khi đã hoàn tất thu hồi 1.000 tỷ đồng vốn cho dự án cầu Rạch Chiếc.
Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội có quy mô 12-16 làn xe, bao gồm 3 đoạn. Đoạn 1 từ cầu Sài Gòn đến nút giao Bình Thái (dài 6,2 km, rộng 153 m), đoạn 2 từ Bình Thái đến nút giao trạm 2 (dài 5,3 km, rộng 113 m) và đoạn 3 từ nút giao trạm 2 đến Tân Vạn (dài 4,2 km, rộng 113 m).
Toàn bộ dự án đến nay hoàn thành gần 76%. Trong đó, trục đường chính 11,5 km (đoạn từ cầu Sài Gòn đến nút giao Đại học Quốc gia TP.HCM) đã hoàn thiện nâng cấp, trải nhựa.
Dự án cũng hoàn thành 93% trục đường song hành bên phải và 74% đường song hành bên trái. Riêng phần đi qua Bình Dương còn dang dở do nhà đầu tư chưa được bàn giao mặt bằng xây dựng.