Thay vì sử dụng sonar quân sự, Lori Adornato - chuyên gia phụ trách dự án tại Cơ quan Nghiên cứu các dự án quốc phòng tiên tiến Mỹ (DARPA) nhận định có thể sử dụng âm thanh tự nhiên để phát hiện các mối đe dọa dưới biển. Xuất phát từ mục đích này, nhà nghiên cứu chính Laurent Cherubin của nhóm Grouper Guard tại Đại học Florida Atlantic đã tiến hành nghiên cứu loài cá mú khổng lồ Đại Tây Dương.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, cá mú khổng lồ Đại Tây Dương có thể trở thành những "chiến binh canh gác" biển tốt nhất.
Nguyên do là bởi loài cá mú khổng lồ Đại Tây Dương có thể nặng tới 300 kg và tạo ra những tiếng lớn để ngăn chặn kẻ xâm nhập.
“Tiếng của cá mú khổng lồ Đại Tây Dương rất lớn và có tần số thấp. Chúng có tập tính lãnh thổ và sẽ phát ra những tiếng kêu lớn nhằm đe dọa kẻ xâm nhập”, nhà nghiên cứu Cherubin cho hay.
Nghiên cứu của các chuyên gia chỉ ra một con cá mú phát ra âm thanh có thể được phát hiện từ khoảng cách 800m.
Tuy nhiên, không phải tất cả tiếng kêu của cá mú đều có mục đích đe dọa. Trên thực tế, loài cá mú khổng lồ Đại Tây Dương còn sử dụng tiếng kêu nhằm thu hút bạn tình.
Cá mú khổng lồ Đại Tây Dương (tên khoa học Epinephelus itajara) rất dễ nhận biết với cơ thể màu nâu hoặc vàng lốm đốm chấm đen ở đầu và vây. Loài cá này có bộ hàm rộng, vây đuôi tròn, một số con có sọc ở hai bên thân.
Là loài cá mú lớn nhất ở Đại Tây Dương, cá thể cá mú khổng lồ Đại Tây Dương trưởng thành có thể nặng đến hơn 360 kg và chiều dài cơ thể lên đến 2,5m.
Môi trường sinh sống của cá mú khổng lồ Đại Tây Dương là vùng nước nông nhiệt đới, giữa các rạn san hô. Thức ăn của chúng gồm: động vật giáp xác, bạch tuộc, rùa biển non, cá mập và cá nhồng.
Cá mú khổng lồ Đại Tây Dương suýt tuyệt chủng vào những năm 1990 do môi trường sống bị phá hủy và nạn đánh bắt quá mức. Theo đó, ngư dân không được phép đánh bắt cá mú khổng lồ dọc theo bờ biển phía đông nam nước Mỹ và phải thả chúng về biển nếu bắt được.
Mời độc giả xem video: Dân nuôi cá lồng lao đao vì sông Đà cạn trơ đáy. Nguồn: VTV24.
Tâm Anh (TH)