Vì sao các ca tử vong do bệnh dại ở Tây Nguyên vẫn cao?
Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều cái chết thương tâm vì bệnh dại liên tục xảy ra trên địa bàn Tây Nguyên, nhất là khu vực vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số. Bên cạnh sự chủ quan không đến cơ sở y tế khi bị vật nuôi cắn, ý thức thực hiện Luật Thú y chưa nghiêm nên các nguy cơ đau thương vẫn luôn thường trực.
Tự điều trị
Nhiều ngày nay, người dân xã Quảng Sơn và xã Đăk Ha (huyện Đăk Glong, Đăk Nông) vẫn còn ám ảnh trước cái chết của ông K’Siêng và Y Sam. Vốn quen với ruộng rẫy và ít quan tâm đến các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là bệnh dại nên khi bị chó nuôi của gia đình cắn, chảy máu, xây xước ở ngón tay nhưng K’Siêng cứ để liều vậy.
Ngay cả việc sát trùng vết thương cũng không được thực hiện. Sau một thời gian ủ bệnh, ông K’Siêng thấy tê cánh tay, đau đầu, khó nuốt, sợ nước, không thiết làm việc gì. Được đưa đến BVĐK Đăk Nông lấy mẫu gửi về Bệnh viện Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh thì dương tính với bệnh dại. Bệnh đã biến chứng nặng, không thể chữa nên tử vong. Với trường hợp của Y Sam và một số trường hợp khác ở Tây Nguyên thì lại tự điều trị. Sau khi bị chó nuôi cắn vào má gây chảy máu, Y Sam không đến bệnh viện, không đi tiêm phòng hay thăm khám mà kiếm lá cây, thuốc Nam đắp vào, tự chữa cho mình. Đến khi bệnh biến chứng nặng, khó thở, khó nuốt, không đủ sức đi lại mới đến bệnh viện thì tử vong.
Ở Kon Tum, cũng bởi chủ quan, nhiều cái chết vì bệnh dại đã ập đến. Nhớ lại trường hợp của em A Khơ (xã Ya Chim, TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum), nhiều người dân nơi đây lại thương tiếc. Ông A Mảnh - chú của A Khơ cho biết: Thường ngày cháu A Khơ rất ngoan, học hành thông minh và chăm chỉ, lần hội làng nào cũng được tuyên dương. Ai cũng bất ngờ vì chỉ bị chó cắn nhẹ một thời gian mà cháu đã tử vong. Các bác sĩ đã cố gắng hết sức nhưng cháu A Khơ vẫn không qua khỏi.
Vì sao nên nỗi?
Trước những diễn biến phức tạp của bệnh dại, ngày 7/9/2020, UBND tỉnh Đăk Lăk cũng đã tức tốc ban hành Văn bản số 13/CT-UBND chỉ đạo tập trung quyết liệt phòng, chống bệnh dại.
Chỉ trong 8 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh này đã có 6 trường hợp tử vong do bệnh dại tại 5 huyện: Krông Búk (02), Ea H’Leo (01), Krông Bông (01), Krông Pắc (01), M’Đrăk (01). Tỉnh Đăk Lăk chỉ ra nguyên nhân gia tăng số người tử vong vì bệnh dại và số chó, mèo dương tính với virus dại còn nhiều là do các địa phương chưa tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y. Chưa tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ 12 giải pháp tại Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021 được ban hành kèm theo Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 13/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
UBND tỉnh Đăk Lăk chỉ đạo các cơ quan, ban ngành trong tỉnh này tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về quản lý đàn chó, phòng, chống bệnh dại theo đúng quy định của Luật Thú y. Lập ngay các đoàn công tác đôn đốc việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dại tại địa phương và điều tra các trường hợp chó dại cắn gây thương vong trên người.
Để bệnh dại không thành nỗi ám ảnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh Tây Nguyên cũng cần phối hợp chặt chẽ với các trung tâm y tế tuyến huyện, chính quyền địa phương và cơ quan thú y các cấp tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bị chó dại, nghi dại cắn. Bên cạnh đó, lập sổ quản lý các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại để theo dõi, vận động người bị chó dại, nghi bị bệnh dại đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và tiêm phòng vắc-xin dại kịp thời, ngăn ngừa và giảm thiểu nguy cơ người tử vong vì bệnh dại.
Ngành giáo dục cũng phải phối hợp với cơ quan thú y, y tế tổ chức tuyên truyền tới toàn thể cán bộ, giảng viên, giáo viên, nhân viên, người lao động và học sinh, sinh viên về tính chất nguy hiểm, hậu quả của bệnh dại và các biện pháp phòng, chống bệnh dại. Các địa phương phải khẩn trương hỗ trợ vắc-xin dại tiêm phòng cho động vật trên địa bàn; tổ chức chủ động giám sát lưu hành mầm bệnh dại để cảnh báo cộng đồng.