Vì sao các cầu thủ Đan Mạch phải dựng rào che chắn cho Eriksen
Hàng cầu thủ che chắn không chỉ giúp các nhân viên y tế tập trung cấp cứu mà còn bảo vệ quyền riêng tư của Eriksen khỏi những ống kính tò mò trên sân vận động Parken.
Không va chạm, cũng không có bất kỳ tác động bên ngoài nào, Christian Eriksen bất ngờ ngã gục xuống sân bóng ở phút 43 trận mở màn Euro 2020 của bảng B giữa Đan Mạch và Phần Lan.
Trận đấu phải tạm dừng sau sự cố y tế bất ngờ. Các đồng đội của Eriksen, nhiều người đã rơi nước mắt, đã tạo thành hàng rào bảo vệ xung quanh khi tiền vệ 29 tuổi được hô hấp nhân tạo.
Toàn bộ khung cảnh hỗn loạn trên sân vận động Parken (Copenhagen) được các máy quay bắt trọn. Trong khi các kênh truyền hình của Đan Mạch, Thụy Điển lựa chọn dừng phát sóng ngay khi các nhân viên y tế chạy vào sân.
BBC, ESPN và Univision vẫn tiếp sóng cận cảnh Eriksen được bác sĩ ép tim, hô hấp nhân tạo và hình ảnh vợ anh hoảng loạn, bật khóc khi thấy chồng nằm bất động trên sân.
Những hình ảnh đau thương được phát tán rộng rãi khiến khán giả sốc, khó chịu và bức xúc. Các nhà đài bị chỉ trích vì hành động tiếp sóng một cách vô cảm, biến tai nạn, bi kịch của người khác thành yếu tố giật gân thu hút sự chú ý của người xem.
Khai thác bi kịch cá nhân
Sau hàng loạt bài đăng phản đối, chỉ trích từ khán giả, chuyên gia và cả những cầu thủ nổi tiếng, BBC cuối cùng đã đưa ra lời xin lỗi và giải thích các cảnh quay "nằm ngoài tầm kiểm soát" vì được cung cấp bởi Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA).
BBC nhiều khả năng phải đối mặt với hình phạt từ cơ quan quản lý truyền thông của Anh (Ofcom) với cáo buộc vi phạm quy định phát sóng.
Theo mục 8, điều 16 của bộ luật phát sóng Ofcom, "trừ khi được những người có liên quan cho phép, các đài truyền hình không nên lấy hoặc phát các đoạn phim/âm thanh về người được cấp cứu, nạn nhân trong các vụ tai nạn hoặc những người đang gặp phải thảm kịch, ngay cả khi sự việc xảy ra tại nơi công cộng để tránh xâm phạm quyền riêng tư".
Trong khi đó, cả ESPN và Univision chưa đưa ra bất kỳ thông báo nào sau khi bị chỉ trích.
Hai tháng trước, ESPN cũng vướng bê bối tương tự. Kênh truyền hình này bị khán giả phản đối vì khai thác một cách tàn nhẫn những bi kịch cá nhân của dàn cầu thủ bóng bầu dục dự giải NFL Draft 2020.
Trong bảng giới thiệu các cầu thủ trẻ, ESPN cố gắng lồng ghép câu chuyện riêng tư của từng người bên cạnh những chi tiết về thành tích, kinh nghiệm thi đấu để cho thấy "nỗ lực vượt qua nghịch cảnh của họ".
Từ cái chết của những người thân yêu vì bệnh tật, tai nạn quái ác cho đến tuổi thơ đói khát, vô gia cư, người mẹ nghiện ma túy, người cha nghiện rượu... ESPN đã đào sâu những tình tiết đau thương khiến khán giả cảm thấy khó chịu.
Andy Nesbitt, nhà báo phụ trách chuyên mục For The Win của USA Today, viết: "Tất cả câu chuyện đều không cần thiết. Ở cấp độ con người, thật khủng khiếp và đáng buồn khi rất nhiều cầu thủ và người dân trên thế giới đã phải chịu những mất mát như vậy trong cuộc sống của họ. Nhưng bạn biết điều gì tệ hại hơn không? Đó là cách ESPN cố gắng khai thác những câu chuyện này sau khi một cầu thủ được chọn để chơi ở NFL".
Lằn ranh phân định
Không chỉ trong thể thao, khai thác hình ảnh, câu chuyện tai nạn, bi kịch để khơi gợi, câu kéo sự thương cảm, nước mắt của người xem - còn được định nghĩa là "tragedy porn" - có thể xảy ra trong bất kỳ lĩnh vực nào.
Tháng 10/2016, tạp chí TIME chia sẻ một video ghi lại hình ảnh đau đớn của cậu bé 8 tuổi sau khi nhận tin mẹ qua đời do sử dụng heroin quá liều.
Clip được quay bởi cha cậu bé và sau đó được lan truyền rộng rãi trên phương tiện truyền thông "để những người nghiện có con cái có thể thấy được hậu quả nghiêm trọng của việc nghiện ngập".
Tuy nhiên, ngay sau khi phát tán clip, TIME đã bị cáo buộc sử dụng chiêu trò "tragedy porn" khi bóc lột cảm xúc của một đứa trẻ vừa mất mẹ.
Không chỉ ảnh hưởng đến một cá nhân, "tragedy porn" trong nhiều trường hợp còn có thể cô lập cả một nhóm người.
Đoạn video về một đứa trẻ khóc lóc sau cái chết của người mẹ nghiện ngập cho thấy kết quả tồi tệ nhất có thể xảy ra của việc lạm dụng thuốc phiện. Tuy nhiên, nó không góp phần hạn chế thực trạng mà chỉ làm gia tăng khoảng cách giữa những người nghiện và không nghiện.
Theo nhà xã hội học Robert Merton, không phải tất cả hình ảnh, câu chuyện thảm kịch được chia sẻ đều là "tragedy porn". Sự phân định còn phụ thuộc vào mục đích và đạo đức của việc lan truyền.
"Nếu bạn đăng một hình ảnh đau khổ với mục tiêu tìm kiếm lượt thích và lượt retweet thì đó chắc chắn là tragedy porn".
Chuyên gia nhận định khi những khoảnh khắc bi thảm về những người thuộc một nhóm nhân khẩu học cụ thể được hiển thị liên tục, mật độ dày đặc thường sẽ gây ra hậu quả xấu.
"Khi có quá nhiều bạo lực chống lại một nhóm cụ thể như người da đen, gốc Á, phụ nữ... người ta tin rằng không thể làm gì khác hơn ngoài việc chấp nhận. Hình ảnh và video mô tả sự khó khăn chỉ nhằm mục đích vụ lợi cá nhân và gợi lên lòng thương hại vô nghĩa".