Vì sao các cựu binh Colombia được thuê ám sát tổng thống Haiti?

Những binh sĩ được đào tạo bài bản của quân đội Colombia thường bị cám dỗ bởi cơ hội trở thành lính đánh thuê ở nước ngoài, trong các phi vụ từ Trung Đông đến Haiti.

Khi Manuel Antonio Grosso Guarin bay đến thị trấn nghỉ dưỡng Punta Cana của Cộng hòa Dominica, công dân Colombia 41 tuổi này dường như chỉ là một trong nhiều khách du lịch muốn tận hưởng nắng gió biển Caribe.

Tuy vậy, Grosso có mục đích khác. Ông có kế hoạch vượt qua biên giới Haiti và tham gia âm mưu ám sát Tổng thống Haiti Jovenel Moise.

Theo Reuters, ít nhất 17 cựu binh Colombia nằm trong danh sách tình nghi gây ra vụ ám sát hôm 7/7. Cảnh sát Haiti công bố con số này là 26 người, trong khi quân đội Colombia xác nhận 13 cựu binh của nước này nằm trong nhóm nghi phạm ám sát ông Moise.

Sự hiện diện của lượng lớn lính đánh thuê nước ngoài trong âm mưu ám sát tổng thống khiến người Haiti bất ngờ.

Tuy vậy, lính đánh thuê Colombia đã và đang hiện diện ở nhiều vùng chiến sự trên thế giới, đặc biệt ở Trung Đông như Yemen, Iraq, Israel hay Afghanistan.

Lành nghề mà chi phí thấp

“Lính đánh thuê Colombia: lành nghề, chi phí thấp và sẵn có” là tiêu đề của một bài báo trên El Tiempo, tờ báo lớn nhất Colombia, hôm 9/7. Nhận định này phản ánh thực tế không thiếu nguồn cung của thị trường lính đánh thuê Colombia.

Quốc gia Nam Mỹ này là lựa chọn phổ biến của những nhà thầu tuyển dụng lính đánh thuê. Với gần 60 năm chìm trong xung đột nội bộ, binh lính Colombia được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm chiến đấu nhiều hơn các quốc gia khác.

 Quân đội Colombia được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm thực chiến so với các quốc gia khác trong khu vực. Ảnh: Reuters.

Quân đội Colombia được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm thực chiến so với các quốc gia khác trong khu vực. Ảnh: Reuters.

Đối với lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố - đội ngũ tinh hoa của quân đội Colombia, binh lính có thể phải nghỉ hưu ngay sau khi vượt qua tuổi 40. Họ chỉ nhận được khoản lương hưu ít ỏi và cần tìm thêm công việc khác để kiểm sống.

Những người từng phục vụ trong các lực lượng chống nổi dậy, chống khủng bố hay từng được đào tạo ở Mỹ hay Israel là các đối tượng thường được nhắm tới để trở thành lính đánh thuê.

“Sau nhiều năm chiến tranh, Colombia dư thừa người được huấn luyện về quân sự”, ông Adam Isacson, giám đốc viện nghiên cứu Wola, nói với Guardian.

“Nhiều người được các công ty tư nhân ở Trung Đông thuê. Ở đây, họ kiếm được nhiều tiền hơn khi còn phục vụ trong quân đội”, ông Isacson nói.

“Số khác phục vụ như lực lượng bán quân sự cho các băng đảng ma túy và chủ đất”, ông Isacson nói. “Bây giờ, họ phục vụ cho người đứng sau âm mưu ở Haiti”.

“Việc binh lính Colombia trở thành lính đánh thuê từ lâu đã là vấn đề nhức nhối, do không có luật nào ngăn cấm điều này”, tướng Luis Fernando Navarro, tư lệnh quân đội Colombia, trả lời báo giới hôm 9/7. “Ví dụ, một lượng lớn binh sĩ Colombia đang ở Dubai”.

Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) là thị trường quan trọng của lính đánh thuê Colombia. Họ được cử đến Yemen để chiến đấu với phiến quân Houthi, cùng với lính đánh thuê từ Panama, El Salvador hay Chile.

 Cựu binh trong lực lượng đặc nhiệm Colombia thường là đối tượng được các "nhà tuyển dụng" nhắm đến. Ảnh: Conversation.

Cựu binh trong lực lượng đặc nhiệm Colombia thường là đối tượng được các "nhà tuyển dụng" nhắm đến. Ảnh: Conversation.

Lương của lính đánh thuê từ Mỹ Latin chỉ bằng một phần nhỏ so với những đồng nghiệp từ Anh hay Mỹ. Tuy vậy, số tiền này có thể gấp 4 lần mức lương của họ khi còn tại ngũ.

Binh sĩ Colombia giải ngũ được tham gia các lớp học nghề. Tuy vậy, quân đội Colombia không có trách nhiệm quản lý họ.

Âm mưu sát thủ

Theo báo chí Colombia, Manuel Antonio Grosso Guarin cùng 10 nghi phạm khác bay từ thủ đô Bogota, Colombia tới khu nghỉ dưỡng Punta Cana chiều 4/6. Trong khi đó, hai cựu binh Colombia khác quá cảnh Panama và Cộng hòa Dominica và đến Haiti từ ngày 10/5.

Grosso từng là thành viên đội đặc nhiệm chống khủng bố đô thị của quân đội Colombia. Đơn vị của ông được thành lập năm 1986 nhằm đối phó với các lực lượng nổi dậy cánh tả tại quốc gia này.

Với tư cách lính đặc nhiệm, Grosso có thể từng nhận nhiệm vụ bảo vệ nhiều nhân vật quan trọng.

Theo các hình ảnh được đăng tải trên Facebook cá nhân của Grosso, ông vẫn có cuộc sống dường như bình thường ngay trước khi vượt qua biên giới tới Haiti ngày 6/6.

Grosso vẫn có đủ thời gian chụp ảnh kỷ niệm bên tượng đài hải đăng Colombus tại thủ đô Santo Domingo, Cộng hòa Dominica hay chiếc xe chống đạn mà Giáo hoàng John Paul II sử dụng khi đến thăm Dominica năm 1992.

 Nhiều cựu binh Colombia tham gia ám sát Tổng thống Haiti Jovenel Moise hôm 7/7. Ảnh: Wall Street Journal.

Nhiều cựu binh Colombia tham gia ám sát Tổng thống Haiti Jovenel Moise hôm 7/7. Ảnh: Wall Street Journal.

Chỉ một tháng sau, ngày 7/7, Grosso tham gia vào vụ ám sát làm đảo lộn đất nước Haiti, khoét sâu bất ổn chính trị tại quốc gia Trung Mỹ này và đặt người dân Haiti trước một tương lai không có gì chắc chắn.

Hành động của Grosso và đồng bọn còn tạo ra cuộc khủng hoảng về uy tín của Colombia trên trường quốc tế, khiến nước này chưa thể thoát khỏi biệt danh “mảnh đất của sát thủ đánh thuê”.

“Thật đáng buồn khi đây là quốc gia sinh ra lính đánh thuê, những người đi khắp thế giới để gây chiến tranh”, một tài khoản Twitter chia sẻ.

“Đây là điều xấu hổ vì chúng tôi huấn luyện họ để làm việc khác”, Tư lệnh Lục quân Colombia Eduardo Zapateiro nói.

Việt Hà

Theo Guardian, Reuters

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-cac-cuu-binh-colombia-duoc-thue-am-sat-tong-thong-haiti-post1236965.html