Vì sao các điểm đến châu Á tìm cách thu phí du lịch?
Nhiều điểm đến tại Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc… có kế hoạch thu phí du khách nhằm tạo thêm các nguồn lực bảo trì cơ sở hạ tầng và phát triển du lịch bền vững.
Bali (Indonesia) là cái tên mới nhất trong số những điểm đến trên thế giới thu phí du khách nhằm mục đích bảo tồn. Kể từ tháng 2 năm nay, tất cả du khách quốc tế đến Bali phải trả khoản phí một lần là 150.000 rupiah (10 USD) mỗi người. Ước tính thu về khoảng 250 tỷ rupiah trong năm đầu tiên, chính quyền Bali cho biết số tiền này sẽ được sử dụng để tài trợ cho việc bảo tồn di sản văn hóa độc đáo của Bali và củng cố các nỗ lực du lịch bền vững; sử dụng cho các chương trình bảo tồn văn hóa và quản lý chất thải.
Vào tháng 10 năm ngoái, đảo Miyajima nằm ở tỉnh Hiroshima (Nhật Bản), nơi nổi tiếng với Di sản Thế giới là đền Itsukushima, đã bắt đầu thu thuế du khách, với mức 100 yên (0,66 USD) cho mỗi lần ghé thăm hoặc 500 yên trong một năm. Chính quyền địa phương cho biết phí tham quan sẽ được sử dụng để phát triển du lịch bền vững, bao gồm các biện pháp giảm bớt tắc nghẽn du khách cũng như bảo trì ngôi đền cổ.
Các điểm đến nổi tiếng khác ở châu Á, chẳng hạn như Jeju ở Hàn Quốc hoặc Taketomi và Amami ở Nhật Bản, đều đang cân nhắc thu phí du lịch. Trong đó đảo Jeju dự định sử dụng tiền phí để quản lý lượng rác thải gia tăng do sự bùng nổ du lịch. Các cuộc thảo luận từ giữa năm 2023 cho biết khách du lịch đến Jeju có thể phải trả một khoản phí cho mỗi đêm lưu trú trên đảo, bên cạnh phí vào đảo một lần và phụ phí thuê phương tiện.
Năm ngoái, điểm đến Taketomi ở Okinawa, bao gồm đảo Iriomote - một Di sản Thiên nhiên Thế giới, đã đệ trình dự thảo kế hoạch áp thuế du khách từ năm tài chính 2024. Số tiền này dự kiến được sử dụng để giảm tải cho cơ sở hạ tầng địa phương và giảm thiệt hại về môi trường do hoạt động du lịch gây ra. Chuỗi đảo Amami gần đó, cũng là một Di sản Thiên nhiên Thế giới xem xét áp thuế hoặc yêu cầu du khách quyên góp để giúp bảo vệ các loài đặc hữu và môi trường tự nhiên tại đây.
Tại Đông Nam Á, Malaysia đã thu thuế từ du khách quốc tế từ tháng 1/2023 còn Thái Lan cũng có kế hoạch thu phí du lịch, dù hiện tại kế hoạch này đang tạm hoãn. Ý tưởng ban đầu của ngành du lịch Thái Lan là xây dựng quỹ bảo hiểm sức khỏe và tai nạn cho khách du lịch nước ngoài, hiện được tài trợ bởi ngân sách của nước này.
Vai trò của các bên trong bảo tồn điểm đến
Tại đảo Miyajima, chính quyền địa phương cho biết không có sự thay đổi về số lượng khách, khi so sánh trước và sau thời điểm áp thuế du khách tại đây. Địa phương được đảm bảo một “nguồn tài chính ổn định và liên tục hàng năm là 350 triệu yên” – khoản tiền khổng lồ đang được sử dụng hiệu quả, từ cải thiện khả năng tiếp cận giao thông và nâng cao các tiện ích như dọn dẹp và bảo trì nhà vệ sinh, khu vực nghỉ ngơi cho đến các dự án liên quan đến việc bảo tồn và kế thừa truyền thống văn hóa của Miyajima. Một dự án đáng chú ý được hưởng lợi từ nguồn thu từ du khác là “Another 1000 Years for Miyajima” (tạm dịch: Thêm 1.000 năm nữa cho Miyajima), nhằm phát triển dài hạn Miyajima thành một điểm đến bền vững với các hoạt động dành cho tất cả mọi người.
Bên cạnh các biện pháp tài chính, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA) - ông Noor Ahmad Hamid cho biết các điểm đến có thể khuyến khích hành vi du lịch tốt hơn thông qua giáo dục, chẳng hạn như cách giải thích lợi ích của việc mang theo chai nước riêng khi khám phá các điểm đến và yêu cầu lượng đồ ăn vừa đủ. Các tổ chức, công ty du lịch cũng nên thông báo cho du khách về những thách thức của tình trạng quá tải du lịch, từ đó du khách có thể đưa ra "quyết định sáng suốt" về địa điểm tham quan, dựa trên sức tải của điểm đến.
Tại đảo quốc Palau, một chiến dịch điển hình về cải thiện hành vi của khách du lịch đã được triển khai. Thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh, du khách sẽ tích lũy điểm bằng cách hoàn thành các nhiệm vụ thân thiện với môi trường như bù đắp lượng khí thải carbon của họ, sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp có trách nhiệm và tham gia các dự án du lịch tái tạo.
Ewan Cluckie - người sáng lập công ty quản lý điểm đến Tripseed (Thái Lan) cho rằng những kế hoạch thu phí du lịch còn đòi hỏi việc thực thi phù hợp và minh bạch trong cách phân bổ kinh phí. Các du khách cũng cần được khuyến khích khám phá các điểm đến thứ cấp hoặc thực hiện chuyến đi vào mùa thấp điểm để có thể đóng góp cho sự phát triển du lịch ổn định, quanh năm tại một điểm đến.
Ngoài ra, các tổ chức quản lý điểm đến (DMO), đại lý du lịch nước ngoài và công ty lữ hành giữ vai trò lớn trong việc truyền đạt tới người tiêu dùng về lợi ích của du lịch bền vững. Các công ty du lịch tại điểm đến phải đảm bảo các chiến lược hoạt động và phát triển của họ phù hợp với mục tiêu bền vững, thay vì đặt lợi nhuận cao hơn phúc lợi cộng đồng.