Vì sao các nhà khoa học của Iran trở thành mục tiêu tấn công?
Trở thành một nhà khoa học tại Iran hiện được coi là một công việc nguy hiểm, đặc biệt khi có tới 5 nhà khoa học của nước này trở thành mục tiêu của các vụ ám sát. Ngày 27-11 vừa qua, ông Mohsen Fakhrizadeh - 'cha đẻ' của chương trình hạt nhân Iran - đã trở thành nạn nhân của các âm mưu tấn công.
Vụ ám sát 3 phút
Fakhrizadeh là một thành viên thuộc lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Ông cũng được biết đến là nhà khoa học nổi tiếng nhất Tehran với công trình nghiên cứu hạt nhân mang tên “Dự án 111”. Khi đồng nghiệp của ông, nhà khoa học Majid Shahriari bị ám sát vào năm 2010, ông Fakhrizadeh đã được biết đến là người tiên phong trong việc nghiên cứu và phát triển hạt nhân, giúp Tehran sớm sở hữu loại vũ khí này.
Vụ ám sát nhằm vào ông Mohsen Fakhrizadeh hôm 27-11 hiện vẫn đang được giới chức Iran tiến hành điều tra. Theo Tướng Hossein Salami - người đứng đầu lực lượng Vệ binh cách mạng - đây là nỗ lực của những kẻ muốn ngăn chặn Tehran tiếp cận với “khoa học hiện đại”. Trong lịch sử, từ Thế chiến 2 cho tới Chiến tranh lạnh, nhiều vụ tấn công nhằm vào các nhà nghiên cứu đã được tiến hành bởi các cường quốc. Nguyên nhân là do những nhà khoa học được coi là nhân lực chủ chốt giúp xoay chuyển cục diện chiến tranh và thay đổi khả năng quân sự của một quốc gia.
Dù chưa có bên nào đứng lên thừa nhận trách nhiệm về vụ ám sát ông Mohsen Fakhrizadeh, nhưng Iran đã nhiều lần cáo buộc Israel đứng sau âm mưu sát hại các nhà khoa học của nước này trong quá khứ. Phía Israel hiện chưa lên tiếng bác bỏ hay thừa nhận mối liên hệ tới cái chết của nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh. Tuy nhiên, mới đây CNN đưa tin, một quan chức Mỹ đã tiết lộ rằng, Israel là chủ mưu của vụ ám sát nhà khoa học hàng đầu Iran. Vị quan chức cũng cho biết, Israel đã chia sẻ với Mỹ các kế hoạch bí mật mà họ dự định tiến hành. Dù vậy, quan chức Mỹ đã từ chối cung cấp thông tin chi tiết về việc này.
Được biết, ông Mohsen Fakhrizadeh đã bị phục kích khi di chuyển từ Tehran tới thành phố Absard. Theo tiết lộ của nhà báo Iran Mohamad Ahwaze, một nhóm 62 người đã lên kế hoạch tinh vi cho vụ ám sát. Trong đó, 12 sát thủ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ và 50 người còn lại cung cấp hỗ trợ hậu cần. Điều đáng nói, đoàn xe của ông Fakhrizadeh đã bị tấn công bằng súng máy điều khiển từ xa.
Trong vụ tấn công kéo dài vỏn vẹn 3 phút, nhà khoa học hạt nhân Iran đã bị trúng đạn 3 lần và tử vong khi được đưa đi cấp cứu, một vệ sĩ của ông cũng bị thương trong vụ việc. Về phía những kẻ ám sát, vì họ sử dụng vũ khí điều khiển từ xa nên đã hoàn tất nhiệm vụ mà không có thương vong. Đài truyền hình Iran (Iran Press TV) cho biết, vũ khí được sử dụng trong vụ tấn công có logo và thông số kỹ thuật của ngành quân sự Israel. Điều này khiến những lời cáo buộc của Iran nhằm vào Israel càng gay gắt hơn.
Không phải người duy nhất
Ông Mohsen Fakhrizadeh có thể là nhà nghiên cứu cấp cao nhất của Iran bị sát hại, nhưng ông không phải nhà khoa học duy nhất thiệt mạng. Tháng 1-2010, Masoud Ali Mohammadi - một chuyên gia về vật lý hạt nhân - đã trở thành nạn nhân của vụ ám sát thảm khốc. Ông mất mạng do một quả bom điều khiển từ xa được gắn trên một chiếc xe máy gần chỗ ông khi chuẩn bị rời nhà riêng ở Thủ đô Tehran. Thời điểm ấy, ông Mohammadi được miêu tả là một nhân vật “phi chính trị” và không liên quan tới các chương trình nghiên cứu hạt nhân của chính phủ. Ông Ali Moghari - Giám đốc khoa học của Đại học Tehran đã chia sẻ: “Ông Mohammadi là một giáo sư nổi tiếng, nhưng ông ấy không liên quan tới các vấn đề chính trị”. Dù vậy, điều này vẫn khiến Tehran vô cùng phẫn nộ. Họ đã tiến hành bắt giữ một vài nghi phạm liên quan tới vụ việc và cáo buộc những người này làm việc cho Israel.
Sau đó 11 tháng, Majid Shahriari - một nhà khoa học quản lý “dự án lớn” cho Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc gia (AEO) - đã trở thành người thứ 2 bị sát hại. Một kẻ lạ mặt được cho là đã áp sát và gắn bom vào xe ô tô riêng của ông. Vụ nổ đã giết chết Shahriari, vợ và tài xế của ông cũng bị ảnh hưởng nhưng may mắn còn sống. Tổng thống Iran lúc đó là ông Mahmoud Ahmadinejad đã gay gắt chỉ trích vụ tấn công và khẳng định “có bàn tay các nước phương Tây” can dự. Tuy nhiên, Israel và Mỹ đã đồng loạt phủ nhận sự liên quan. Một đồng nghiệp của ông Shahriari, nhà khoa học Fereydoon Abbasi - người đứng đầu AEO - cũng trở thành đối tượng của một âm mưu tấn công nhưng đã may mắn sống sót.
Nhà khoa học xấu số thứ 3 của Iran là ông Darioush Rezaeinejad - một học giả nghiên cứu về hạt nhân. Vào tháng 7-2011, ông đã bị các tay súng bí ẩn di chuyển bằng xe mô tô bắn chết. Vợ ông cũng bị thương nghiêm trọng trong vụ tấn công nói trên. Thời điểm đó, Giám đốc Cơ quan tình báo Iran Heidar Moslehi cho biết: “Người bị ám sát không liên quan đến các dự án hạt nhân và không có liên quan đến vấn đề hạt nhân”. Chưa đầy 1 năm sau, tháng 1-2012, Mostafa Ahmadi Roshan - Phó Giám đốc cơ sở làm giàu Uranium của Iran tại Natanz, đã thiệt mạng trong một vụ tấn công bằng bom từ trường. Vụ việc xảy ra khi ông Roshan đang trên đường lái xe tới chỗ làm. Một chiếc mô tô đã tiếp cận và gài bom vào xe ô tô của nhà khoa học này.