Vì sao cần có công trình về địa chí Hà Tĩnh?
Hà Tĩnh là vùng đất cổ, có bề dày về truyền thống lịch sử, văn hóa, chính trị... nhưng đến nay vẫn chưa có công trình địa chí tổng quan về văn hóa, con người núi Hồng, sông La.
Thời gian qua, rất nhiều nhà nghiên cứu, nhà giáo, sinh viên, học sinh có nhu cầu tìm hiểu các thông tin về địa chí Hà Tĩnh. Tuy nhiên, việc tìm hiểu đó khá khó khăn do hiện nay, chưa có cuốn sách nào tổng quan về địa chí Hà Tĩnh.
Địa chí, theo định nghĩa phổ quát nhất là công trình (cuốn sách) ghi chép, biên soạn, giới thiệu về địa lý, lịch sử, truyền thống văn hóa, phong tục, nhân vật, sản vật, kinh tế... của một địa phương như: làng, xã, huyện, tỉnh, thành phố...
Như vậy, sách về địa chí Hà Tĩnh nếu được xuất bản sẽ là cuốn sách ghi chép lại các thông tin về địa lý như điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu; lịch sử hình thành, phát triển qua các thời đại; bản sắc văn hóa, con người; các ngành nghề truyền thống; các di sản văn hóa, sản vật; các danh nhân, dòng họ, phong tục truyền thống... của vùng đất, con người Hà Tĩnh.
Những dữ liệu đó đã được hình thành, phát triển từ xa xưa cho đến ngày nay; là sự tổng hợp đúc kết những bài học kinh nghiệm lịch sử, những thành tựu chủ yếu của mỗi ngành, những đặc thù và truyền thống của Nhân dân Hà Tĩnh.
Địa chí không chỉ góp phần nâng cao dân trí, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho người dân Hà Tĩnh mà còn giúp lan tỏa văn hóa, con người quê hương núi Hồng, sông La đến bạn bè muôn phương. Đồng thời, phục vụ các mục đích nghiên cứu các công trình khoa học, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu văn hóa; tạo cơ hội để Hà Tĩnh hội nhập với bạn bè trong nước và quốc tế.
Đây là một công trình văn hóa, khoa học mang tính chất bách khoa thư về tỉnh Hà Tĩnh, đòi hỏi phải tập hợp trí tuệ không chỉ của các nhà khoa học thuộc các ngành trong tỉnh, trong cả nước, mà còn tập hợp trí tuệ của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Bởi vậy, so với những công trình khác, sách về địa chí Hà Tĩnh có ý nghĩa chính trị và lịch sử đặc biệt quan trọng.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Biện Minh Điền (Trường Đại học Vinh, Nghệ An) cho biết: "Là người đã từng được mời đóng góp vào xây dựng một số công trình địa chí của các tỉnh, thành, tôi nhận thấy việc biên soạn công trình địa chí hết sức cần thiết. Nhất là đối với Hà Tĩnh, một vùng đất có bề dày về lịch sử kiến tạo địa lý, giàu bản sắc về truyền thống văn hóa, con người, có nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể... Trong giai đoạn từ sau 1945 đến nay, Hà Tĩnh ghi nhiều dấu ấn vào tiến trình lịch sử dân tộc; gần đây có nhiều sự phát triển vượt bậc về các lĩnh vực kinh tế - xã hội... Những điều đó, đòi hỏi cần phải biên soạn cuốn sách về địa chí Hà Tĩnh.
Được biết, hiện nay hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước đều đã xuất bản địa chí, trong đó, tại nhiều địa phương như: Nghệ An, Quảng Trị, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế... công trình này được biên soạn công phu và đã xuất bản nhiều tập.
Tiêu biểu như cuốn Nghệ An toàn chí hiện đã xuất bản hàng chục tập địa chí về nhiều lĩnh vực. Ở Hà Tĩnh, hiện cũng đã có 11/13 huyện, thị xã, thành phố biên soạn công trình địa chí hoặc tương tự. Tiêu biểu như: Hương Sơn, Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Can Lộc, Nghi Xuân, Thạch Hà... các cuốn địa chí hàng nghìn trang, ghi lại những thông tin toàn diện về địa lý, lịch sử, truyền thống văn hóa, kinh tế - xã hội... của mỗi vùng đất, quê hương.
Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lĩnh - Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh) cho biết: "Thuận lợi hiện nay đối với việc thực hiện công trình về địa chí Hà Tĩnh là sự quyết tâm cao của tỉnh, thể hiện qua Kế hoạch số 320/KH-UBND, ngày 10/7/2024 thực hiện Nghị quyết số 18 -NQ/TU, ngày 22/12/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng, phát triển văn hóa và con người Hà Tĩnh trong giai đoạn mới. Trong đó, ở mục 5, phần phụ lục 7: Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch nêu rõ hạng mục: Biên soạn và xuất bản các bộ sách: Địa chí Hà Tĩnh, Biên niên sự kiện lịch sử Hà Tĩnh, Từ điển Hà Tĩnh (tái bản có bổ sung); thời gian thực hiện là từ năm 2026 đến năm 2030.
Bên cạnh đó, hiện có 11/13 huyện, thành phố, thị xã trên toàn tỉnh đã có công trình địa chí, nhiều nhà nghiên cứu như: Thái Kim Đỉnh, Võ Hồng Huy... cũng đã để lại nhiều công trình giá trị về lịch sử, văn hóa con người Hà Tĩnh, đó là nguồn tư liệu quý phục vụ cho công trình Địa chí Hà Tĩnh. Tuy nhiên, việc biên soạn Địa chí Hà Tĩnh đòi hỏi phải huy động một đội ngũ các nhà nghiên cứu, chuyên gia có trình độ và am hiểu về Hà Tĩnh trên tất cả mọi lĩnh vực; công trình có quy mô sâu và rộng đòi hỏi phải thực hiện trong một thời gian dài, vì vậy cần được triển khai sớm".
Hà Tĩnh là vùng "địa linh, nhân kiệt", có truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng đặc sắc, trong giai đoạn hiện nay, đang nỗ lực bứt phá để phát triển trên mọi lĩnh vực. Do vậy, việc xuất bản công trình Địa chí Hà Tĩnh sẽ giúp mỗi người dân hiểu rõ hơn về quê hương núi Hồng, sông La, từ đó có thêm động lực kiến thiết mới. Đồng thời, cuốn sách về địa chí Hà Tĩnh cũng sẽ giúp quảng bá, lan tỏa những giá trị văn hóa, con người Hà Tĩnh đến bạn bè muôn phương, thúc đẩy sự hội nhập giữa Hà Tĩnh với các tỉnh, thành trong nước cũng như quốc tế.
Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/vi-sao-can-co-cong-trinh-ve-dia-chi-ha-tinh-post274111.html