Vì sao cần dùng thuốc ức chế bơm proton trị loét dạ dày do vi khuẩn H.pylori?

Viêm loét dạ dày do vi khuẩn H.pylori có thể tiến triển thành ung thư dạ dày nếu không được điều trị sớm, đúng cách. Thuốc ức chế bơm proton là một trong những thuốc được lựa chọn trong điều trị loét dạ dày do vi khuẩn H.pylori.

1. Vai trò của thuốc ức chế bơm proton trong trị viêm loét dạ dày tá tràng do vi khuẩn H.Pylori

Khi bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H.Pylori), axit dạ dày có thể xâm nhập qua lớp niêm mạc dạ dày, gây viêm, loét và đau…

Loại bỏ H. pylori có thể thúc đẩy quá trình lành vết loét, giảm đáng kể tỷ lệ tái phát vết loét và mang lại lợi ích cho một số bệnh nhân bị chứng khó tiêu chức năng.

Thuốc ức chế bơm proton (PPI) là một phần quan trọng trong phác đồ loại bỏ H. Pylori, giúp kháng sinh ổn định hơn trong axit dạ dày và cải thiện tốc độ loại bỏ bằng cách tăng giá trị pH của dịch vị.

PPI hoạt động bằng cách ngăn chặn không đảo ngược enzyme H+/K+ ATPase hoặc bơm proton dạ dày, được tìm thấy trong các tế bào thành của dạ dày và là bước cuối cùng của quá trình sản xuất axit. Điều này làm giảm chứng ợ nóng và trào ngược axit, đồng thời giúp vết loét dạ dày dễ lành hơn.

PPI có tác dụng then chốt trong việc loại trừ vi khuẩn H.pylori, gián tiếp và trực tiếp.

Nội soi dạ dày phát hiện bệnh viêm loét dạ dày.

Nội soi dạ dày phát hiện bệnh viêm loét dạ dày.

Trên thực tế, PPI đơn thuần có tác dụng diệt trừ yếu. Tuy nhiên, tác dụng gián tiếp hiệp đồng làm tăng tỷ lệ tiệt trừ trong phác đồ ba thuốc dựa trên PPI. Tác dụng mạnh nhất là ổn định và tăng tác dụng kháng khuẩn của các loại kháng sinh kết hợp trong môi trường dạ dày không thuận lợi. Chúng tạo ra môi trường pH trung tính, làm ổn định nồng độ, tăng tính thấm kháng sinh, giúp nồng độ ức chế tối thiểu của kháng sinh với vi khuẩn thấp hơn, khiến vi khuẩn H.Pylori nhạy cảm hơn với kháng sinh.

PPI có các con đường chuyển hóa khác nhau, phụ thuộc vào các enzym CYP trong gan. Do đó, tính đa hình của các enzym CYP có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ tiệt trừ trong phác đồ dựa trên PPI. Các đặc điểm dược lý của từng PPI bao gồm thời gian thể hiện tác dụng ức chế axit, con đường chuyển hóa và sinh khả dụng nên được xem xét để đạt được tỷ lệ diệt trừ cao hơn trong điều trị dựa trên PPI.

Có nhiều loại thuốc PPI có sẵn ở dạng không kê đơn như: Omeprazole, esomeprazole, pantoprazole, rabeprazole với tác dụng tương tự nhau và tác dụng phụ khác nhau ở mỗi loại.

2. Tác dụng phụ thường gặp của thuốc

Tác dụng phụ của các thuốc PPI thường nhẹ. Các phản ứng bất lợi phổ biến nhất khi dùng PPI trị viêm loét dạ dày thường là: Nhức đầu, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, nôn và đầy hơi.

Nếu người bệnh gặp phải một số tác dụng phụ khó chịu, có thể đổi sang thuốc PPI khác. Tuy nhiên, cần sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Sử dụng thuốc ức chế bơm proton trị loét dạ dày kéo dài có thể gây các tác dụng phụ nguy hiểm.

Sử dụng thuốc ức chế bơm proton trị loét dạ dày kéo dài có thể gây các tác dụng phụ nguy hiểm.

3. Cảnh báo khi sử dụng thuốc kéo dài

Hiệu quả tuyệt vời và độc tính thấp đã giúp PPI được ưu tiên là lựa chọn thay thế các thuốc trung hòa acid và thuốc ức chế thụ thể H2 trong tự điều trị các bệnh như ợ nóng và các bệnh khác như nhiễm vi khuẩn H.Pylori.

Tuy nhiên, đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc lạm dụng, sử dụng kéo dài, thậm chí suốt đời. Có rất nhiều bệnh nhân đang dùng các thuốc PPI này vượt quá liệu trình điều trị được khuyến nghị mà không có bất kỳ sự giám sát nào. Điều này có thể khiến người bệnh gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng:

- Đường tiêu hóa: Tiêu chảy liên quan đến Clostridium difficile. Nguyên nhân là do giảm độ axit trong ruột có khả năng tạo điều kiện sự phát triển của các sinh vật khác, dẫn đến nhiễm trùng C.difficile, Salmonella Campylobacter spp, viêm phúc mạc tiên phát do vi khuẩn.

- Đường hô hấp: Gây viêm phổi.

- Cơ xương khớp: Tăng nguy cơ gãy xương hông, cổ tay hoặc cột sống do loãng xương. Thiếu canxi có thể là nguyên nhân làm tăng nguy cơ gãy xương.

- Máu: Giảm sự hấp thu một số chất dinh dưỡng gây thiếu vitamin B12, hạ magie máu, thiếu sắt, magie…

- Tim mạch:Tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim.

- Hệ thần kinh trung ương:Đau đầu, mất trí nhớ, bệnh não gan.

- Thận: Viêm thận kẽ cấp tính, tổn thương thận cấp, bệnh thận mãn tính.

Mức độ pH trong ruột tăng lên là một cơ chế được giả thuyết cho một số tác dụng phụ này. Mặc dù một số tình trạng này là nghiêm trọng, nhưng những trường hợp này rất hiếm và thường liên quan đến việc sử dụng lâu dài hơn một năm.

4. Lời khuyên sử dụng thuốc an toàn

Omeprazole là PPI hoạt động nhanh nhất và đạt hiệu quả cao nhất sau 30 phút. Các PPI khác như esomeprazole, lansoprazole mất 1-2 giờ để có hiệu quả. Thuốc pantoprazole và rabeprazole mất nhiều thời hơn để có tác dụng.

PPI là thuốc uống và có dạng viên nén và viên nang. Tuy nhiên, omeprazole cũng có sẵn ở dạng bột và lansoprazole ở dạng hỗn dịch lỏng dành cho những người khó nuốt thuốc.

- Đa số các PPI nên được uống khi bụng đói, 30- 60 phút trước bữa ăn đầu tiên trong ngày, vì thức ăn có thể làm giảm sinh khả dụng đường uống của thuốc. Thời gian khuyến cáo chung sử dụng các loại thuốc PPI trong phác đồ điều trị H.pylori là 10-14 ngày.

- Do được hoạt hóa trong môi trường acid, các thuốc PPI sẽ bị hoạt hóa kém khi dùng cùng lúc với các thuốc kháng tiết khác (antacid, thuốc ức chế thụ thể H2, thuốc kháng cholinergic, misoprostol, somatostatin). Vì vậy không nên uống PPI cùng lúc với các thuốc kháng tiết khác.

- Một số dữ liệu cho thấy sự giảm hoạt hóa của clopidogrel khi dùng chung với omeprazole, esomeprazole, làm tăng nguy cơ biến cố tim mạch. Nên có thể lựa chọn uống 2 thuốc cách xa nhau (uống esomeprazole trước ăn sáng 30-60 phút và uống clopidogrel trước khi đi ngủ) hoặc lựa chọn một PPI khác như rabeprazol, pantoprazol.

- Không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy omeprazole hoặc các loại thuốc khác thuộc họ PPI có liên quan đến sẩy thai, dị tật bẩm sinh, thai chết lưu, sinh non hoặc trẻ sơ sinh nhẹ cân.

- Dược sĩ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sử dụng hợp lý các loại thuốc này. Do là thuốc không kê đơn nên dược sĩ cần thăm hỏi kĩ triệu chứng, theo dõi các tác dụng phụ tiềm ẩn, đặc biệt là khi sử dụng kéo dài để có lời khuyên thích hợp. Cũng như kiểm tra các thuốc dùng đồng thời để tránh tương tác thuốc tiềm ẩn.

Nhóm người có nguy cơ cao mắc ung thư dạ dày.

DS. Hoàng Vân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vi-sao-can-dung-thuoc-uc-che-bom-proton-tri-loet-da-day-do-vi-khuan-hpylori-16923042009113596.htm