Vì sao cần phải ban hành Nghị định mới về quản lý, sử dụng pháo?
Nghị định số 36/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo đã được ban hành và thực hiện gần 11 năm nay. Tuy nhiên, qua thời gian, những hành vi bị nghiêm cấm quy định đã không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn; nhiều hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, vi phạm pháp luật lại chưa được quy định cụ thể.
Công tác quản lý, bảo quản pháo chưa có quy định trong Nghị định số 36/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo. Bên cạnh đó, việc giám định pháo cũng chưa quy định cụ thể, gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi cần trưng cầu giám định để làm căn cứ xử lý vi phạm. Các trường hợp được phép bắn pháo hoa cần quy định lại cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, trong khi công tác quản lý pháo hiệu trong thời gian qua cũng còn nhiều sơ hở, cần quy định chặt chẽ hơn.
Sự cần thiết phải ban hành nghị định mới
Việc đốt pháo trong những ngày Tết, lễ hội…là một phong tục, tập quán lâu đời của nhân dân ta. Theo đó, tai nạn thường xuyên xảy ra trong quá trình sản xuất, vận chuyển và đốt pháo, hàng năm đã cướp đi sinh mạng nhiều người, làm bị thương hàng nghìn người, nhiều người bị tàn tật suốt đời, gây lãng phí về tiền bạc, ô nhiễm môi trường. Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 406/TTg ngày 08/8/1994 về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo, đặc biệt là sự ra đời của Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo.
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định, Bộ Công an đã khẩn trương ban hành Thông tư số 08/2010/TT-BCA ngày 5/2/2010 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng ban hành Thông tư liên tịch số 06/2010/TTLT/BCA ngày 05/02/2010 thay thế Thông tư số 01 hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo, đây là hành lang pháp lý quan trọng để kịp thời ngăn chặn việc buôn bán, tàng trữ và đốt pháo trái phép.
Bên cạnh đó, hàng năm Bộ Công an đều chủ động tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ có Công điện chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung triển khai tổ chức thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép.
Sau hơn 10 năm tổ chức triển khai thực hiện, công tác quản lý, sử dụng pháo đã đạt được những kết quả quan trọng, cụ thể như: Các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép cơ bản đã được kiểm soát, ngăn chặn, kiềm chế; nhận thức, ý thức chấp hành của nhân dân về công tác này đã được nâng lên rõ rệt; tình trạng đốt pháo tràn lan, đốt pháo trên đường giao thông, khu dân cư được ngăn chặn kịp thời, nhiều địa phương vào thời điểm giao thừa không có tiếng pháo nổ; các địa điểm được phép bắn pháo hoa được đảm bảo an toàn tuyệt đối, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân trong không khí đón năm mới; hoạt động đấu tranh phòng, chống sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được đẩy mạnh.
Theo số liệu thống kê từ năm 2009 đến nay, các lực lượng chức năng đã vận động nhân dân giao nộp được: 29.733,28kg; phát hiện, bắt giữ 19.229 vụ, 23.703 đối tượng, thu hơn 369 tấn pháo các loại. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm tổ chức triển khai thực hiện, Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo đã bộc lộ những hạn chế, bất cập đòi hỏi phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác trong tình hình mới. Có 5 hạn chế, bất cập cụ thể cần phải được sửa đổi, thay thế những quy định hiện hành có liên quan.
Một là, tại khoản 3 và 4 Điều 3 Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo quy định: Pháo nổ là loại sản phẩm có chứa thuốc pháo được chế tạo bằng các công nghệ khác nhau không phân biệt xuất xứ và nơi sản xuất, khi có tác động của các kích thích cơ, nhiệt, hóa, điện gây nên tiếng nổ; pháo hoa là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi có các tác động của các kích thích cơ, nhiệt, hóa, điện sẽ gây phản ứng hóa học tạo hiệu ứng ánh sáng có màu sắc, gây tiếng nổ hoặc không gây tiếng nổ.
Các khái niệm trên chưa rõ ràng, cụ thể, chưa tách bạch pháo hoa gây tiếng nổ và pháo hoa không gây tiếng nổ, thực chất, pháo hoa gây tiếng nổ là có sử dụng thuốc pháo nổ. Đồng thời, tại khoản 41 và 42 Điều 1 Luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội khóa XIV sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự số 100/2015/QH13 chỉ quy định xử lý hình sự đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ pháo nổ; đối với pháo hoa và các loại pháo khác thì không bị xử lý hình sự. Như vậy, thực tế hiện nay các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong xử lý đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ pháo hoa nổ.
Hai là, hàng năm, Công an các đơn vị, địa phương thu giữ số lượng pháo lớn, trong khi pháo là sản phẩm nguy hiểm, dễ gây cháy nổ, trong khi đó, Nghị định số 36/2009/NĐ-CP chưa có quy định đối với quản lý, bảo quản, tiêu hủy pháo.
Ba là, các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Nghị định số 36/2009/NĐ-CP còn chưa đầy đủ; nhiều hành vi liên quan đến pháo hiện nay gây nguy hiểm cho xã hội nhưng lại chưa được quy định; chưa quy định cụ danh mục các loại pháo, sản phẩm pháo được sử dụng tại Việt Nam, nguyên tắc quản lý, sử dụng pháo.
Bốn là, tại Điều 5 Nghị định 36/CP của Chính phủ quy định các loại pháo, sản phẩm pháo được sử dụng, trong đó có, các sản phẩm như: pháo hoa lễ hội bằng giấy (trừ loại hoa có chứa kim loại), pháo điện, pháo trang trí bằng giấy, bằng nhựa, bằng tre, trúc, kim loại; que hương phát sáng; các sản phẩm phát tín hiệu ánh sáng, màu sắc, âm thanh được dùng trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ không gây nên tiếng nổ.
Đồng thời, tại khoản 3 Điều Thông tư số 08/2010/TT-BCA quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 về quản lý, sử dụng pháo thì việc quản lý pháo hoa lễ hội bằng giấy, pháo điện, pháo trang trí bằng giấy, bằng nhựa, bằng tre, trúc, kim loại; que hương phát sáng; các sản phẩm phát tín hiệu ánh sáng, màu sắc, âm thanh được dùng trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ không gây tiếng nổ quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị định số 36/CP của Chính phủ được thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại. Tuy nhiên, hiện nay chưa có cơ chế, quy định quản lý cụ thể đối với loại sản phẩm này.
Năm là, theo quy định tại Điều 7 Nghị định 36/CP của Chính phủ thì các trường hợp được phép sử dụng pháo hoa gồm: Tết Nguyên đán; Giỗ Tổ Hùng Vương; Kỷ niệm ngày Quốc khánh, ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày Chiến thắng Giải phóng hoàn toàn miền Nam; Ngày hội văn hóa, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, quốc tế; Nhân dịp kỷ niệm ngày giải phóng, thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Ngoài các trường hợp được phép sử dụng pháo hoa theo quy định tại Nghị định số 36/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, qua 10 năm triển khai thực hiện, nhiều trường hợp cần thiết sử dụng pháo hoa nhưng không được quy định tại Nghị định số 36/2009/NĐ-CP của Chính phủ, điều này gây khó khăn cho các cơ quan, tổ chức trong quá trình sử dụng.
Nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013. Đồng thời, khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên và để tăng cường công tác quản lý, phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm về pháo, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới thì việc xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo là cần thiết.
Mục tiêu và quan điểm xây dựng dự thảo Nghị định mới
Bên cạnh mục tiêu bảo đảm quản lý chặt chẽ các loại pháo, Nghị định mới huy động tổng hợp được sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm về pháo. Đồng thời, Nghị định mới nhằm vào mục tiêu không để tái diễn tình trạng sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép. Văn bản mới này chắc chắn sẽ tạo hành lang pháp lý cho lực lượng chức năng trong việc quản lý, sử dụng pháo, đặc biệt là xử lý hình sự đối với hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ.
Về quan điểm xây dựng văn bản dự thảo này, Nghị định mới thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo sẽ thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về tăng cường công tác quản lý, phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm về pháo nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về pháo, tạo nhận thức thống nhất và đầy đủ về công tác này, bảo đảm tính hợp hiến và tương thích của Nghị định với các quy định của pháp luật hiện hành.
Nếu được ban hành, Nghị định mới thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo sẽ là văn bản pháp luật điều chỉnh thống nhất về lĩnh vực này. Dự thảo này bảo đảm tính kế thừa và phát huy tác dụng tốt của Nghị định 36/CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo được ban hành cách đây 11 năm; đồng thời sẽ khắc phục được những bất cập trong công tác quản lý, sử dụng pháo, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này trong tình hình hiện nay.
Và cuối cùng, dự thảo nghị định mới kể trên đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Một số chính sách mới có liên quan tới dự thảo
- Chính sách 1: Hoàn thiện khái niệm về pháo hoa, pháo nổ và các sản phẩm pháo được phép sử dụng.
- Chính sách 2: Hoàn thiện quy định về công tác quản lý, bảo quản và tiêu hủy pháo.
- Chính sách 3: Hoàn thiện quy định về điều kiện và trình tự, thủ tục nghiên cứu, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, mang, mua bán pháo hoa, pháo hiệu.
- Chính sách 4: Hoàn thiện trách nhiệm của các Bộ, ngành và các đơn vị có liên quan trong công tác quản lý, sử dụng pháo.
- Chính sách 5: Hoàn thiện các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng pháo.
- Chính sách 6: Hoàn thiện các trường hợp được phép bắn pháo hoa và thẩm quyền cho phép bắn pháo hoa.
- Chính sách 7: Bổ sung quy định về trang bị, xuất khẩu, nhập khẩu pháo hiệu dùng trong an toàn hàng hải.