Vì sao cần thiết có văn bản thay thế?

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 463/QĐ-BTP ngày 22-2-2019 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đã chủ trì, phối hợp với một số đơn vị có liên quan rà soát, nghiên cứu và xây dựng dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 20/2015/TT-BTP ngày 29-12-2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16-2-2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.

Sau hơn 4 năm triển khai, các quy định của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP và Thông tư số 20/2015/TT-BTP đã được các địa phương thực hiện tương đối đồng bộ và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên cũng bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc.

Thứ nhất, về chứng thực chữ ký: Nghị định số 23/2015/NĐ-CP (điểm d, khoản 4 Điều 24) cho phép thực hiện chứng thực chữ ký đối với Giấy ủy quyền chỉ là đơn giản hóa thủ tục đối với một số ủy quyền có nội dung đơn giản, phổ biến để tạo điều kiện, tiết kiệm chi phí cho người dân. Tuy nhiên, quy định tại Nghị định 23/2015/NĐ-CP còn chung chung, chưa có hướng dẫn cụ thể, thống nhất về nội dung ủy quyền nào được chứng thực chữ ký dẫn đến tình trạng một số văn bản ủy quyền có nội dung liên quan đến chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản thuộc diện không được chứng thực chữ ký thì vẫn được cơ quan có thẩm quyền chứng thực chữ ký.

Công dân đến chứng thực tại UBND phường Văn Quán, quận Hà Đông. Ảnh: N.D

Công dân đến chứng thực tại UBND phường Văn Quán, quận Hà Đông. Ảnh: N.D

Bên cạnh đó, thực tế đã xuất hiện tình trạng lợi dụng sự đơn giản của thủ tục chứng thực chữ ký để dùng các văn bản tự lập được thực hiện chứng thực chữ ký thay vì phải thực hiện việc đăng ký, cấp phép theo quy định hoặc lợi dụng văn bản chứng thực chữ ký thay cho bản chính giấy tờ khác. Những hoạt động này tiềm ẩn phát sinh tranh chấp, rủi ro trong quan hệ, giao dịch dân sự, hành chính.

Thứ hai, về chứng thực hợp đồng, giao dịch: Công chứng và chứng thực hợp đồng, giao dịch là 2 việc khác nhau. Tuy nhiên, hiện người dân còn chưa hiểu rõ bản chất, đặc biệt là hệ quả pháp lý của 2 việc này nên còn chưa có ý thức về việc phải chịu trách nhiệm đối với nội dung của hợp đồng, giao dịch; chưa có ý thức về khả năng chịu rủi ro khi giao kết hợp đồng mà không tìm hiểu kỹ thông tin về tài sản là đối tượng của hợp đồng dẫn đến sự bất bình đẳng của một trong các bên khi thỏa thuận bị thiếu thông tin hoặc nhận thức hạn chế bị bên kia lợi dụng, thỏa thuận bất lợi. Một số cơ quan thực hiện chứng thực cũng chưa có trách nhiệm kiểm tra lại thông tin tài sản là bất động sản thuộc địa bàn quản lý của mình, không tuyên truyền trước cho người dân về giá trị pháp lý của hợp đồng, giao dịch được chứng thực, dẫn đến tình trạng khiếu kiện của người dân.

Nghị định số 23/2015/NĐ-CP cũng chưa có hướng dẫn về trình tự, thủ tục ký trước mặt công chức tiếp nhận hồ sơ (người yêu cầu chứng thực ký vào hợp đồng, giao dịch trước mặt người tiếp nhận hồ sơ và công chức tiếp nhận hồ sơ ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch) trong trường hợp tiếp nhận hồ sơ theo cơ chế một cửa.

Thứ ba, về thu hồi, hủy bỏ văn bản đã chứng thực và thẩm quyền yêu cầu tòa án tuyên bố hợp đồng, giao dịch chứng thực vô hiệu. Nghị định số 23/2015/NĐ-CP và Thông tư số 20/2015/TT-BTP chưa có quy định về việc thu hồi văn bản đã chứng thực (bao gồm cả chứng thực bản sao, chứng thực chữ ký, chứng thực chữ ký người dịch và chứng thực hợp đồng giao dịch) nếu phát hiện việc chứng thực không đúng quy định, trái quy định gây lúng túng cho cơ quan thực hiện chứng thực khi khắc phục sai sót, dẫn đến mỗi địa phương có một cách thực hiện khác nhau; chưa có quy định cụ thể thẩm quyền đề nghị tòa án tuyên bố hợp đồng, giao dịch chứng thực vô hiệu dẫn đến khi phát hiện hợp đồng, giao dịch được chứng thực đã rất lâu, thậm chí có thể được thực hiện một phần có sai sót về nội dung, có dấu hiệu trái pháp luật, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan mong muốn đề nghị tòa án tuyên bố các hợp đồng, giao dịch này vô hiệu để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình nhưng chưa thực hiện được do chưa có quy định về thẩm quyền.

Thứ tư, một số quy định tại Thông tư số 20/2015/TT-BTP chưa đầy đủ. Cụ thể, một số nội dung của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP đã được quy định chi tiết hoặc hướng dẫn thi hành tại Thông tư số 20/2015/TT-BTP nhưng chưa đầy đủ dẫn đến bất cập trên thực tế, gây khó khăn, hạn chế trong công tác thực hiện cũng như quản lý Nhà nước về chứng thực.

Như vậy, để thuận lợi trong áp dụng, thực hiện thì việc xây dựng Thông tư quy đinh chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP dưới hình thức Thông tư thay thế Thông tư số 20/2015/TT-BTP trong thời điểm hiện nay là cần thiết.

(Còn nữa)

Nam Du

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/vi-sao-can-thiet-co-van-ban-thay-the-169300.html