Vì sao cảnh báo nhiều, người dân Hà Tĩnh vẫn 'dính' bẫy lừa đảo qua mạng?
Dù cảnh báo rất nhiều, song nhiều người dân Hà Tĩnh khi nghe 'được lời' từ các đối tượng lừa đảo gọi điện, nhắn tin đã vội 'cởi tấm lòng' thực hiện răm rắp...
“Đánh” vào lòng yêu nước
Cách đây chưa lâu, nghe lời bọn tội phạm qua không gian mạng, ông B.V.T. (81 tuổi) ở thôn Liên Phố, xã Thạch Hội, Thạch Hà đã “giữ bí mật”, một mình đạp xe lên TP Hà Tĩnh với quãng đường 15km để chuyển 120 triệu đồng vào tài khoản lạ.
Video: Ông B.V.T. kể lại chiêu thức mà các đối tượng đã sử dụng để thuyết phục ông.
Chúng tôi đã tìm về gặp ông để tìm hiểu sự tình. Sáng đó, thời tiết đẹp, một cán bộ công an xã đã dẫn chúng tôi tới nhà. Từ xa, chúng tôi trông thấy ông T. đang bắc thang trèo lên cột để sửa điện. Cán bộ công an nói với chúng tôi: ông T. còn rất khỏe mạnh, nhanh nhẹn, thường hay làm thơ, viết báo.
Tiếp chúng tôi, ông luôn ngợi ca công an và cán bộ ngân hàng đã giúp ông không mất oan số tiền đã vay mượn. Theo lời ông kể, có đến 2 lần ông mắng bọn tội phạm qua điện thoại vì “đe dọa” ông. Nhưng, cuối cùng, ông vẫn dính bẫy.
Đầu tiên, một giọng nữ gọi cho ông T. nói rõ ngày tháng năm sinh, quê quán... rồi bảo sẽ cắt số điện thoại của ông do liên quan đến đường dây rửa tiền và buôn ma túy. Ông cãi lại ngay với sự bức xúc. Sau đó, liên tiếp 2 giọng nam tự xưng các chức vụ trong ngành công an hiện đang theo chuyên án. Chúng “buộc tội” ông liên quan đến đường dây nói trên. Ông đáp lại đanh thép: “Tao một đời sống lương thiện, tội gì mà bị bắt”.
Sau khi không thể “ép” ông, bọn chúng “trở bài” bằng chiêu thuyết phục. “Giờ thế này, bác phải phối hợp với chúng tôi. Đây là vụ án nghiêm trọng với số tiền 63 tỷ 500 triệu đồng do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo đồng chí Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an triển khai. Bộ trưởng giao chúng tôi trực tiếp xử lý. Bác có liên quan đến vụ án này, bây giờ cần phải phối hợp với chúng tôi để lấy lại số tiền lớn đó cho Nhà nước. Đó là đóng góp của bác cho công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Số tiền bác nộp vào sẽ được trả lại sau khi đấu tranh xong chuyên án” – ông T. kể.
Rồi ông nói: “Lòng yêu nước của tôi bỗng trỗi dậy. Từ lâu tôi vốn ghét bọn tham ô, lợi dụng nên đã thực hiện theo ý của bọn chúng mục đích là để lấy lại tiền cho Nhà nước. Tôi vội đi vay mượn nhiều nơi để có đủ 120 triệu đồng. Suốt cả quá trình tôi không tiết lộ với ai vì được dặn là: phải giữ bí mật để tránh bị tẩu tán tài sản, mất manh mối”.
Sau đó, ông T. đã răm rắp và bất chấp nguy hiểm, đạp xe một mình lên ngân hàng ở TP Hà Tĩnh. Điều đáng nói ở đây, ông T. là cán bộ về hưu, từng tham gia trong quân đội và rất tinh tường, khỏe mạnh.
Cùng đó, tại Thạch Hội, lực lượng công an xã thường xuyên tuyên truyền về các hình thức lừa đảo qua mạng bằng nhiều hình thức, đã dán hàng nghìn tờ cảnh báo tại cổng và tường nhà dân. Trong năm, công an xã cũng đã giúp 3 hộ dân trên địa bàn tránh được bẫy lừa đảo khi người dân trình báo sự việc.
“Bám theo” chủ trương, chính sách để “cài bẫy”
Sự việc của ông T. cho thấy, kẻ lừa đảo qua mạng luôn sành sỏi trong chiêu trò, đặc biệt, chúng nắm rất rõ tâm lý của người giao tiếp và thường xuyên thay đổi chiêu thức thuyết phục. Trong nhiều trường hợp, chúng sẽ hoạt động theo hội nhóm luân phiên để thay đổi tương tác, thuyết phục.
Thời điểm cuối năm, tết Nguyên đán cận kề cũng là thời gian các đối tượng lừa đảo qua không gian mạng thường xuyên hoạt động. Nhiều người dân đã tránh được bẫy, song nhiều người “tiền mất tật mang”, ảnh hưởng đến tâm lý, hạnh phúc gia đình...
Thống kê của Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho thấy: năm 2023, riêng công an tỉnh đã điều tra, làm rõ, khởi tố 30 vụ, 68 đối tượng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng không gian mạng. Cùng đó, công an các địa phương đã giúp hàng trăm người tránh khỏi bẫy lừa đảo qua mạng.
Theo nhận diện của Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Hà Tĩnh: Các đối tượng lừa đảo qua không gian mạng thường “bám theo” những chủ trương, chính sách mà chính quyền các cấp triển khai để lừa đảo người dân như: chuẩn hóa thông tin cá nhân sử dụng thuê bao di động; cài đặt các ứng dụng dịch vụ trên điện thoại; lắp đặt trang bị thiết bị phòng cháy; đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; triển khai chính sách về BHXH... Chính vì cách thức này nên không ít người dân tin theo, nhất là những người già.
Cơ quan công an không làm việc qua điện thoại, mạng xã hội
Thượng tá Nguyễn Trường Diệu - Trưởng phòng Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an Hà Tĩnh cho hay: "Tội phạm công nghệ cao hoạt động qua môi trường mạng nên không có sự giới hạn về không gian, biên giới, lãnh thổ và luôn tìm mọi kẽ hở của pháp luật, lợi dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật, trình độ về công nghệ thông tin để hoạt động. Qua đấu tranh với loại tội phạm này, chúng tôi nhận thấy, nhiều ổ nhóm ở nước ngoài, hoạt động rất có tổ chức và lên kịch bản sẵn để thực hiện hành vi lừa đảo".
Thượng tá Diệu lưu ý rằng: Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền và luôn lưu ý bà con rằng, trong trường hợp cần mời công dân lên làm việc thì lực lượng công an thực hiện bằng giấy mời, có trụ sở làm việc cụ thể, không nhắn tin, gọi điện thoại để mời. Khi nhận cuộc gọi của những đối tượng này, người dân hết sức bình tĩnh, không nghe, không chấp hành, đồng thời báo cho cơ quan chức năng gần nhất để xử lý.
Thượng tá Diệu cũng cho rằng: Thời gian qua, rất nhiều người dân trình báo cơ quan công an và tránh được “bẫy” lừa đảo qua không gian mạng. Điều này cho thấy sự vào cuộc rất tích cực, hiệu quả của các cấp, ngành và các lực lượng.
Để giúp người dân nâng cao cảnh giác hơn nữa đối với hành vi lừa đảo qua không gian mạng, bên cạnh các giải pháp của ngành công an, cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể cần tiếp tục phát huy vai trò tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đặc biệt, các nhà cung cấp dịch vụ, ngân hàng tiếp tục tuyên truyền tới đội ngũ của cán bộ, nhân viên, người lao động chủ động cảnh báo với người dân khi thực hiện các thủ tục.