Vì sao cảnh sát địa phương Mỹ không chia sẻ thông tin thực tế với FBI nữa?

Cảnh sát địa phương Mỹ không chỉ miễn cưỡng làm việc với FBI mà còn quyết không chia sẻ thông tin thực tế với cơ quan này do họ không còn tin tưởng.

Một nhân viên của FBI

Một nhân viên của FBI

Theo báo cáo của những người tố giác được đệ trình lên Quốc hội, nhiều cơ quan thực thi pháp luật địa phương và tiểu bang của Mỹ đang từ chối chia sẻ thông tin quan trọng với Cục Điều tra Liên bang (FBI) vì lo ngại thông tin này mang tính đảng phái và chính trị hóa.

Bản báo cáo dài 230 trang này được biên soạn bởi một liên minh gồm các điệp viên, nhà phân tích đã nghỉ hưu và đang tại ngũ, những người đã trao đổi với hơn 30 nguồn tin "độc lập, có độ tin cậy cao" trên khắp nước Mỹ.

Các tác giả của báo cáo cho biết : "Lực lượng cảnh sát không chỉ miễn cưỡng làm việc với FBI mà còn quyết định không chia sẻ thông tin thực tế.

Họ không thể hành động được về hoạt động tội phạm và các hoạt động liên quan đến tình báo khác với FBI, vì họ tin rằng, Cục này đã hoạt động như một cơ quan liên bang thiên vị vì động cơ chính trị trong những năm gần đây".

Báo cáo lần đầu tiên được xuất hiện vào ngày 24/7 trên tờ New York Post. Tuy nhiên, tài liệu đã được gửi đến các Ủy ban Tư pháp và Giám sát Hạ viện và được đăng trực tuyến trước đó.

Nhóm này mô tả một "cuộc khủng hoảng niềm tin" vào các lực lượng đặc nhiệm do FBI lãnh đạo, và "sự mất lòng tin đáng lo ngại" vào toàn thể Cục, ngay cả khi Giám đốc Christopher Wray làm chứng trước Quốc hội về một "môi trường đe dọa phức tạp" chưa từng có trong sự nghiệp của ông.

Hầu hết các nguồn tin đều hướng đến phản ứng của FBI đối với cuộc bạo loạn ngày 6/1/2021 tại Điện Capitol và cuộc đột kích vào dinh thự Mar-a-Lago của cựu Tổng thống Donald Trump ở Florida vào tháng 8/2022.

Một trong những nguồn tin mô tả hành vi của FBI là "của một quốc gia thế giới thứ ba", và lập luận rằng, cơ quan này "cần phải bị giải thể, và nhân viên của cơ quan này phải bị truy tố và chịu án tù dài hạn".

Áp lực hỗ trợ các vụ án “J6” đã dẫn đến niềm tin rằng, FBI bị thúc đẩy bởi một “chương trình nghị sự chính trị, đảng phái”.

Một nguồn tin cho biết, họ không thể hiểu tại sao FBI không truy đuổi bất kỳ nhóm nào khác có cùng nhiệt huyết.

Một nguồn tin khác cho biết, các sĩ quan địa phương lo sợ rằng, họ có thể bị nhắm mục tiêu “vì tình yêu của họ dành cho Mỹ”, và bị coi là “những kẻ khủng bố trong nước” dựa trên cách họ bỏ phiếu.

Các đặc vụ FBI mới hơn “không thèm che giấu cảm xúc tiêu cực” của họ đối với các quan điểm chính trị hoặc tôn giáo truyền thống, và công khai tự nhận mình là “thức thời hoặc tự do”.

Được tuyển dụng dựa trên các nguyên tắc “đa dạng, công bằng và hòa nhập” (DEI), họ “hoàn toàn vô giá trị”, và là “nhóm người tệ nhất”, những người tố giác cho biết.

Học viện FBI tại Quantico, Virginia, nơi các điều tra viên mới được đào tạo "khuyến khích sự kiêu ngạo, trong khi bị chính trị hóa một cách không thể chấp nhận được, tài liệu cho hay. Trong khi đó, Ban An ninh của FBI đã lạm dụng quy trình cấp phép an ninh để thanh trừng các điều tra viên, điệp viên có khuynh hướng bảo thủ khỏi hàng ngũ của mình.

Những người tố giác đã thúc giục Quốc hội buộc Giám đốc FBI từ chức như là “biện pháp cuối cùng”, và là cách duy nhất để khôi phục danh tiếng của Cục.

Theo RT

Hoàng Vân

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/vi-sao-canh-sat-dia-phuong-my-khong-chia-se-thong-tin-thuc-te-voi-fbi-nua-post693185.html