Vì sao Cao su Phước Hòa lỡ khoản lợi nhuận nghìn tỷ năm 2019?
Ghi nhận khoản thu bồi thường thực hiện dự án trong quý trước, Cao su Phước Hòa phải điều chỉnh giảm phần thu nhập trên trong quý IV vừa qua do chưa nhận được sự phê duyệt từ UBND tỉnh Bình Dương.
Cao su Phước Hòa chỉ hoàn thành 43% kế hoạch năm
Kết thúc năm 2019, CTCP Cao su Phước Hòa (mã PHR) không hoàn thành được mục tiêu tham vọng đề ra đầu năm. Theo báo cáo tài chính riêng vừa công bố, lợi nhuận trước thuế của Cao su Phước Hòa đạt 534 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 43% kế hoạch đề ra và thậm chí còn giảm 15% so với năm 2018.
Giá mủ cao su tăng nhẹ 1,3% lên 33,39 triệu đồng/tấn, sản lượng tiêu thụ cũng tăng giúp doanh thu từ sản xuất cao su đạt 1.087 tỷ đồng. Các năm gần đây, ngoài hoạt động kinh doanh chính, nguồn thu từ cổ tức các công ty liên kết và từ thanh lý cây cao su đều đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh Cao su Phước Hòa trên cả khi tính riêng công ty mẹ hay hợp nhất với công ty con.
Thu từ thanh lý cây năm nay giảm hơn một nửa so với năm trước là nguyên nhân khiến lợi nhuận giảm. Ngoài ra, yếu tố đột biến trong năm 2019 đã không xảy ra.
Công ty tự tin đặt kế hoạch kinh doanh năm 2019 với tổng doanh thu 2.192,47 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.246,39 bởi kỳ vọng thoái vốn tại CTCP KCN Nam Tân Uyên (mã NTC) và thu tiền bồi thường thực hiện dự án khu công nghiệp sẽ mang về 1.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp này.
Trong quý trước đó, Cao su Phước Hòa thậm chí còn đã ghi sớm khoản thu bồi thường hơn 330 tỷ đồng nhưng bất ngờ phải điều chỉnh giảm còn 30 tỷ đồng ở quý IV này. “UBND tỉnh Bình Dương chưa ký quyết định thu hồi đất và giao đất để triển khai dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2 và dự án VSIP III làm hụt tương ứng 650 tỷ đồng”, phía công ty cho hay. Ngoài ra, công ty đã không thực hiện thoái vốn theo chủ trương của Tập đoàn, doanh thu và lợi nhuận do đó giảm 350 tỷ đồng.
Thu bồi thường đất sẽ đóng góp lớn cho lợi nhuận các năm tới
Doanh nghiệp này cho biết hồ sơ về 2 dự án đã được trình UBND tỉnh Bình Dương và đang chờ phê duyệt; nguồn thu trên sẽ được chuyển qua năm 2020. Dự án Nam Tân Uyên mở rộng dự kiến được chuyển sang cho CTCP KCN Nam Tân Uyên 250 ha với giá đền bù 2,5 tỷ đồng/ha. Dự án VSIP III sau khi thu hồi sẽ được giao cho liên doanh Việt Nam Singapore (VSIP) 691 ha cho VSIP với giá bình quân 1,3 tỷ đồng/ha hỗ trợ thiệt hại cây cao su do thanh lý sớm và được nhận 20% lợi nhuận từ hoạt động cho thuê đất, tối thiểu 1,2 tỷ đồng/ha chia theo tiến độ cho thuê đất.Ngoài ra, dự án khu công nghiệp Tân Lập I đang cùng đối tác và đơn vị tư vấn thực hiện lập dự án đầu tư, dự kiến có diện tích đất 200 ha.
Theo tính toán của VCBS, với khoản diện tích chuyển giao tại ba khu công nghiệp, lợi nhuận của doanh nghiệp cao su này từ việc bồi thường đất sẽ vẫn cao trong 2 năm tới. Hoạt động khai thác mủ cao su do đó sẽ chỉ đóng góp tỷ lệ thấp trong cơ cấu lợi nhuận. Công ty chứng khoán này dự báo sản lượng khai thác của công ty mẹ sẽ tăng nhẹ. Trong khi đó, công ty con do Cao su Phước Hòa sở hữu 100% vốn tại Campuchia lại gia tăng sản lượng khá nhanh trong hai năm tới do vừa đưa vào khai thác không lâu.
Đến cuối năm 2019, quy mô tài sản của doanh nghiệp này xấp xỉ 3.353 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với đầu năm. Trong đó, khoảng 625 tỷ đồng là tiền và tiền gửi ngân hàng. Cùng việc có sẵn lượng tiền mặt lớn, dư nợ các khoản vay ngân hàng của Cao su Phước Hòa cũng khá khiêm tốn, chi phí lãi vay năm 2019 chỉ khoảng 6,3 tỷ đồng. Vốn tự có vẫn đang là nguồn vốn chính, chiếm khoảng 70% nguồn vốn. Riêng vốn điều lệ Cao su Phước Hòa đến cuối năm 2019 vẫn duy trì ở mức 1.355 tỷ đồng.
Trong cơ cấu cổ đông hiện tại, Tập đoàn Cao su Việt Nam hiện là cổ đông lớn nhất đang sở hữu trên 67% vốn doanh nghiệp này. Tỷ lệ sở hữu của cổ đông ngoại chỉ quanh khoảng 6%. Các cổ đông công ty này cũng vừa được nhận một khoản tạm ứng cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt với tỷ lệ chi trả 30%.