Cầu Thanh Trì đang có lưu lượng xe lớn nhất Hà Nội, đây cũng là cây cầu huyết mạch của tất cả các xe tải lưu thông theo hướng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Hải Dương. Ảnh chụp ngày 8/3.
Sau 14 năm được đưa vào sử dụng, hiện nay lượng phương tiện đi lại trên cầu đã lên 120 nghìn lượt xe/ngày, quá tải gấp 8,1 lần so với năng lực thiết kế.
Do vậy, từ nhiều năm nay ùn tắc trên cầu Thanh Trì diễn ra như "cơm bữa". Ngoài ra, cầu cũng được đánh giá là cầu có số vụ tai nạn chết người cao nhất Hà Nội. Riêng từ năm 2018 đến 2020, theo số liệu của Cục CSGT, Bộ Công an, số vụ tai nạn có thiệt hại về người đã tăng 62% so với 2 năm trước đó.
Ngoài lượng phương tiện tăng cao, Cục CSGT cho rằng, phương án tổ chức giao thông đang có nhiều bất cập.
Lượng xe ô tô hiện nay trên cầu khá đông, nhưng chỉ được chia có 2 làn xe - tương đương khoảng 8 mét trên tổng số 15 mét mặt cắt ngang/ chiều đường, trong khi đó ở làn xe hỗn hợp (bên trái ảnh) cũng rộng khoảng 6 mét nhưng ít xe máy lưu thông.
Việc này đã dẫn đến, thời gian qua giờ cao điểm lưu lượng xe ô tô đi qua cầu gần như không còn chỗ trống, ùn tắc kéo dài; trong khi đó làn xe hỗn hợp chủ yếu dành cho xe máy, thô sơ thì lại trống trải, ít xe máy di chuyển.
Ngoài ra Cục CSGT còn chỉ rõ, để phù hợp với tình hình thực tế và tránh xe ô tô phóng nhanh vượt ẩu về ban đêm, Cục đã đề nghị Sở GTVT Hà Nội hạ tốc độ từ 80 xuống 60km/h.
Cùng với đó, ngoài đảm bảo công tác duy tu, sửa chữa các vị trí lún, hư hỏng mặt cầu; Sở GTVT cũng cần điều chỉnh dải phân cách mềm theo hướng thu hẹp làn đường xe hỗn hợp, mở rộng làn đường ô tô từ 2 lên 3 làn để lưu thoát nhanh. Với làn xe hỗn hợp, tách ô tô ra khỏi làn xe máy để tránh tai nạn.
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong ngày 8/3, việc cho ô tô đi chung làn đường với xe máy rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Va quyệt, tay mất lái thường xuyên xảy ra khi cả 2 phương tiện bị xung đột nhau.
Thời gian qua một số ô tô, trong đó có cả xe đầu kéo, xe khách cũng đi vào làn đường xe hỗn hợp, khi va chạm xảy ra tại làn đường này, tài xế đã mất lái dẫn đến cả người và xe đâm gãy lan can phi ra rìa, có xe còn lao xuống phía dưới. Cục CSGT cho biết, chỉ tính trong 2 năm 2018 - 2020, số người tử vong trên cầu thanh trì do TNGT là 8 người, tăng 5 người (62%) so với 2 năm trước đó.
Từ thực tế trên, cả Cục CSGT và Phòng CSGT Hà Nội đều có văn bản kiến nghị, Sở GTVT cần điều chỉnh phương án tổ chức giao thông tại cầu Thanh Trì, trong đó ô tô và xe máy phải đi theo làn riêng.
Tuy nhiên, kiến nghị trên đã ra nhiều năm nay, riêng Văn bản của Cục CSGT đã gửi Sở GTVT Hà Nội và các đơn vị vận hành, quản lý cầu từ tháng 7/2020, nhưng đến nay Cục CSGT cho biết, vẫn chưa nhận được phản hồi. Hiện quản lý về mặt nhà nước, tổ chức giao thông cầu Thanh Trì là Sở GTVT Hà Nội, đơn vị được giao duy tu, đảm bảo hạ tầng, hệ thống đảm bảo giao thống cầu là Xí nghiệp quản lý cầu Thanh Trì thuộc Cty CP Công trình giao thông Hà Nội.
Anh Trọng