Vì sao cây cối vẫn vươn cao dù nhà cửa bị thiêu rụi do cháy rừng ở Los Angeles?
Hình ảnh những cái cây vẫn đứng và vươn cao giữa những ngôi nhà bị thiêu rụi đến tận sàn trong cháy rừng ở Los Angeles làm nhiều người đặt câu hỏi, thậm chí đặt ra những 'thuyết âm mưu' là thảm họa lần này chỉ nhằm vào nhà cửa, mà lại là nhà cửa đắt tiền. Thực tế là thế nào?
Khi nói đến cháy rừng, hầu như ai cũng hình dung ra ngay cảnh những cái cây cháy đen, bị thiêu rụi đến tận gốc. Cho nên, khi cả một khu vực lớn có cháy rừng, với những công trình bị cháy đến mức như bị san phẳng, mà những cái cây lại vẫn đứng bình thường thì đó quả thật là một cảnh tượng lạ lùng.
Thảm họa cháy rừng ở Los Angeles đã kéo dài một tuần và vẫn chưa được khống chế hoàn toàn. Số người thiệt mạng đã lên đến 24 và ước tính có khoảng hơn 12.000 công trình bị lửa tàn phá.
Trong những hình ảnh về cháy rừng được đăng khắp các trang báo, nhiều người đặt câu hỏi rằng tại sao những cái cây, bao gồm cả những cây cọ vốn là biểu tượng của bang, lại “sống sót”, vẫn đứng thẳng giữa những căn nhà bị cháy đến tận sàn và những chiếc ô tô bị cháy trơ khung hoặc chỉ còn là mấy mảnh kim loại.
Điều này thổi bùng lên những “thuyết âm mưu” trên mạng xã hội, rằng cháy rừng lần này là do con người sử dụng một loại vũ khí bí mật nào đó và nhắm tới những công trình, chứ không đời nào có chuyện thảm họa cháy rừng lại “tha” cho những cái cây.
Cũng có những người tin rằng nguyên nhân cháy rừng là do một loại sóng (như vi sóng), nhằm vào kim loại trong các tòa nhà, còn cây thì không có kim loại ở bên trong nên không bị loại sóng đó hủy diệt.
Có người bình luận đầy ẩn ý: “Cháy rừng mà cây không cháy, lại cháy ở những khu nhà giàu, bất động sản đắt đỏ”.
Nhưng thực tế thì sao?
Việc những cái cây không bị cháy trong cháy rừng ở Los Angeles là không đúng, vì nhiều hình ảnh cho thấy cũng có không ít cây cháy. Còn các nhà khoa học thì có lời giải thích đơn giản cho việc có những cái cây vẫn đứng thẳng và vươn cao trong thảm họa.
Miranda Hart, giáo sư công nghệ sinh học ở ĐH British Columbia (Canada), nói: “Tất nhiên là cây có cháy khi lửa lớn và kéo dài. Nhưng trong những cái cây, nhất là cây đang xanh tốt, có hàng ngàn, hàng ngàn lít nước. Nếu một cái cây có nhiều nước (độ ẩm cao) và bên cạnh nó có thứ thực sự khô, thì cái thứ khô sẽ cháy trước”. Ngoài ra, vỏ cây cũng giống như một lớp bảo vệ, vì vậy cây xanh khó cháy hơn.
Vẫn còn một lý do nữa, đó là “điều kiện nhất thời”, hay nói đơn giản hơn là… may mắn, ví dụ đúng lúc gió đổi chiều nhanh chóng thì lửa cũng lan sang hướng khác nên một số cây "thoát nạn".
Các nhà khoa học nói, các “thuyết âm mưu” như trên đều không có cơ sở. Và thực ra, khi điều kiện khắc nghiệt đến một mức độ nhất định thì gần như tất cả sẽ cháy mà thôi, chẳng trừ thứ gì cả.