Vì sao cây xanh ở TP.HCM đang thiếu nhiều so với chỉ tiêu?
Theo tiêu chuẩn thiết kế, mật độ cây xanh công cộng đối với đô thị đặc biệt như TP.HCM là 15m2/người, trong khi mật độ hiện tại của TP.HCM thấp hơn rất nhiều, chưa đến 1m2/người.
Ngày 30-10, trường ĐH Nông Lâm TP.HCM đã tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Bộ môn Cảnh quan và Kỹ thuật Hoa viên (CQ&KTHV) thuộc khoa môi trường và tài nguyên.
Tại lễ kỷ niệm, các giảng viên, chuyên gia trong ngành CQ&KTHV, chia sẻ những vấn đề liên quan đến cây xanh, giải pháp để phát triển cây xanh đô thị…
Theo ông Võ Văn Chín, phòng quản lý công viên cây xanh, Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, chỉ tiêu cây xanh ở TP.HCM còn thiếu. Theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9257:2012 quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị. Tiêu chuẩn thiết kế, mật độ cây xanh công cộng đối với đô thị đặc biệt như TP.HCM là 15m2/người. Trong khi đó, mật độ cây xanh công cộng đầu người hiện tại của TP.HCM thấp hơn rất nhiều, chưa đến 1m2/người.
Cây xanh được trồng trên vỉa hè mà phía dưới có nhiều công trình hạ tầng khác chen chúc nên ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của cây. Cạnh đó, chất lượng một số giống cây chưa đảm bảo yêu cầu về chất lượng. Vì vậy, việc phát triển về cảnh quan cây xanh đô thị tại TP.HCM là rất lớn, song song với đó là nhu cầu về nguồn nhân lực quản lý đối với lĩnh vực cảnh quan cây xanh đô thị trong thời gian tới.
“Nguồn cây giống mang ra trồng chưa đảm bảo yêu cầu về chất lượng. Trong những năm gần đây, tuy được nhiều tổ chức cá nhân quan tâm, đầu tư về công tác nguồn cây giống, tuy nhiên nguồn chất lượng cây còn chưa đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu chất lượng cũng như các tiêu chuẩn hiện hành. Công tác sản xuất nguồn cây giống chưa có sự đầu tư về chiều sâu và chưa có cái nhìn về lâu dài. Việc áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới còn rất hạn chế”- ông Chín cho biết.
Chia sẻ giải pháp để phát triển mảng xanh đô thị một cách bền vững cho TP.HCM, TS Đinh Quang Diệp, nguyên trưởng bộ môn CQ&KTHV nhấn mạnh một số vấn đề cần chú ý.
TP cần phát triển các mảng xanh ở vùng đô thị và vùng ven đô thị để trang trí thay cho các công trình bê tông hóa sẽ có tác dụng thẩm thấu nước xuống đất góp phần chống ngập và bảo tồn nguồn nước ngầm cho TP. Đồng thời, TP thay thế những cây không còn phù hợp hoặc già cỗi không đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ, bảo vệ môi trường của đô thị…
“Để phát triển mảng xanh cũng cần có nguồn nhân lực am hiểu, có chuyên môn trong lĩnh vực. Thực tế, hiện nay nguồn nhân lực liên quan ngành này còn rất thiếu, trong khi nhu cầu thì rất cao” – TS Diệp nói.
Phát triển ngành CQ&KTHV là cần thiết
TS Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, chia sẻ: cùng chung sứ mệnh của khoa môi trường và tài nguyên, trong bối cảnh và ngữ cảnh thế giới bước vào thời kỳ tăng cường ứng phó với thách thức lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ 21 là biến đổi khí hậu, yêu cầu thúc đẩy phát triển kinh tế biển xanh, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên. Thực hiện quá trình chuyển dịch mô hình tăng trưởng từ “nâu” (phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên, nhiên liệu hóa thạch, gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái) sang “xanh” (sử dụng các nguồn tài nguyên có thể tái tạo, phát thải thấp).
Sự phát triển của nền kinh tế đồng nghĩa với việc nâng cao các nhu cầu sống tốt sống đẹp, đặc biệt trong bối cảnh dân số ngày càng tăng nhanh và quỹ đất ngày càng trở nên đắt đỏ. Việc này đồng nghĩa với tính cạnh tranh của thị trường bất động sản ngày càng sôi động, việc nâng tầm giá trị sản phẩm, và cảnh quan là một yếu tố đóng vai trò rất quan trọng.
Nguồn PLO: https://plo.vn/vi-sao-cay-xanh-o-tphcm-dang-thieu-nhieu-so-voi-chi-tieu-post705574.html