Vì sao CĐV Croatia đội mũ trong khi Scotland mặc váy khi ra sân cổ vũ EURO?

Không chỉ có sức nóng từ trên sân cỏ, khán đài EURO 2024 cũng khiến nhiều khán giả không khỏi thích thú bởi những sắc màu rực rỡ và những điểm đặc trưng riêng biệt đến từ CĐV các đội tuyển.

Lượt trận cuối cùng bảng A và B EURO 2024 đã kết thúc với những kết quả vô cùng hấp dẫn. Tại bảng A, đội tuyển Đức và Thụy Sĩ lần lượt đứng nhất và nhì bảng, giành cơ hội đi tiếp vào vòng 16 đội EURO 2024.

Trong khi đó, đội tuyển Scotland xếp cuối cùng bảng A với chỉ 1 điểm. Với kết quả này, Scott McTominay cùng các đồng đội chính thức chia tay Euro 2024.

Đội tuyển Scotland cũng sở hữu những cột mốc đáng quên tại kỳ EURO này. Cụ thể, Scotland là đội sút ít nhất EURO kể từ 1980 tới nay với 17 lần dứt điểm từ đầu giải, là đội nhận nhiều bàn thua nhất bảng A. Chưa dừng lại ở đó, họ tham dự World Cup và EURO 12 lần thì bị loại từ vòng bảng cả 12.

Các CĐV cuồng nhiệt của Scotland tại EURO 2024 (Ảnh: Reuters)

Các CĐV cuồng nhiệt của Scotland tại EURO 2024 (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, dấu ấn mà Scotland để lại không nằm trên sân cỏ mà đến từ các CĐV nhiệt huyết của quốc gia này. Theo tờ The Sun, có khoảng hơn 200.000 CĐV Scotland đã tới Đức để cổ vũ cho đội nhà.

Những người đàn ông Scotland khi đến với EURO gây ấn tượng bởi những chiếc váy sặc sỡ. Trang phục truyền thống Scotland, còn được gọi là “Kilt”, là một trong những trang phục truyền thống nổi tiếng nhất thế giới.

Hoa văn duy nhất của “Kilt” là caro (còn gọi là tartan) và mỗi dòng họ, bộ tộc lại sở hữu những mẫu ô vuông và màu sắc riêng. Những người đàn ông mặc chiếc váy kẻ sọc chính là 1 trong 3 hình ảnh biểu tượng của Scotland, bên cạnh rượu và hồ Loch Ness.

Chiếc váy “Kilt” đầu tiên được biết tới lần đầu năm 1583 và dần trở thành trang phục chính của những người lính vùng cao nguyên Scotland.

Những chiếc váy kẻ caro của CĐV Scotland xuất hiện trên khán đài và khắp các đường phố Đức (Ảnh: BBC)

Những chiếc váy kẻ caro của CĐV Scotland xuất hiện trên khán đài và khắp các đường phố Đức (Ảnh: BBC)

Một bộ đồ hoàn chỉnh trong trang phục truyền thống của đàn ông nước này ngoài chân váy còn bao gồm rất nhiều phụ kiện như thắt lưng da, sơ mi bẻ nửa cổ, cà vạt, áo khoác, túi da đeo quanh hông, con dao găm dắt nửa ngập trong tất, thanh gươm claymore cài váy, giày da thuộc… Mỗi bộ như thế có giá lên tới hàng ngàn bảng Anh.

Váy “Kilt” thường chỉ được mặc vào những dịp đặc biệt như đám cưới, lễ hội hay diễu hành. Không phải ngẫu nhiên mà trong những món phụ kiện cho váy Kilt lại có con dao găm hay ghim trang trí hình cây kiếm. Đối với người Scotland, Kilt là biểu tượng cho nam tính và tinh thần chiến binh.

Hình ảnh những người đàn ông Scotland mặc váy trên khán đài và ngoài đường phố khiến các CĐV EURO vô cùng thích thú. Thậm chí, trang phục của họ hấp dẫn khiến các CĐV của đội tuyển Đức phải “tranh nhau” mặc thử.

Các CĐV Đức cực thích thú khi mặc thử những chiếc váy “Kilt” của Scotland

Các CĐV Đức cực thích thú khi mặc thử những chiếc váy “Kilt” của Scotland

Không chỉ Scotland, đội tuyển Croatia cũng tạo nên những sắc màu riêng biệt trên khán đài EURO 2024. Mỗi khi đến sân cổ vũ cho đội nhà tại EURO hay World Cup, hàng chục nghìn CĐV Croatia luôn trang bị một chiếc mũ ở bộ môn bóng nước vô cùng độc đáo trên đầu.

Theo tạp chí FFT của Anh, xu hướng này bắt đầu lan rộng trong cộng đồng CĐV Croatia 8 năm trước, tại EURO 2016. Mọi chuyện bắt đầu khi hậu vệ Vedran Corluka - hiện là trợ lý của HLV Zlatko Dalic, làm nhiệm vụ tại EURO 2024, gặp một vết thương nghiêm trọng ở đầu trong trận gặp Thổ Nhĩ Kỳ. Vết thương sâu đến mức Vedran Corluka cảm thấy khó thở, đầu chảy rất nhiều máu.

Chiếc mũ đặc biệt mà CĐV Croatia mang đến sân tại EURO 2024 (Ảnh: AFP)

Chiếc mũ đặc biệt mà CĐV Croatia mang đến sân tại EURO 2024 (Ảnh: AFP)

Dù được các bác sĩ chăm sóc tận tình nhưng vết thương của Vedran Corluka tiếp tục tái phát trong trận đấu vòng bảng với CH Czech, khiến Vedran Corluka một lần nữa “lâm nguy”. Khi đó, bác sĩ thể chất Nderim Redzaj đã có giải pháp lấy một chiếc mũ bóng nước có trang trí màu quốc gia và buộc nó quanh đầu Vedran Corluka.

Phương án này giúp Vedran Corluka có thể chơi trọn 90 phút và đội tuyển Croatia hòa đối thủ 2-2. Từ đó, chiếc mũ bóng nước trở thành biểu tượng cho sức mạnh và cũng là quyết tâm, không bao giờ bỏ cuộc của đội tuyển Croatia.

CĐV Croatia xem việc đội mũ bóng nước là hành động ý nghĩa, tiếp thêm sức mạnh cho các cầu thủ (Ảnh: AP)

CĐV Croatia xem việc đội mũ bóng nước là hành động ý nghĩa, tiếp thêm sức mạnh cho các cầu thủ (Ảnh: AP)

Tại EURO 2024, đội tuyển Croatia không may mắn khi rơi vào bảng “tử thần” cùng với Tây Ban Nha, Ý và Albania. Sau khi lượt trận cuối cùng bảng B Euro 2024 kết thúc, đội tuyển Tây Ban Nha và Ý đã chắc suất đi tiếp vào vòng 16 đội.

Trong khi đó, Croatia xếp thứ 3 với chỉ vỏn vẹn 2 điểm và hiệu số -3. Về lý thuyết, Croatia vẫn còn cơ hội đi tiếp. Tuy nhiên với chỉ 2 điểm, khe cửa vào vòng 16 đội Euro 2024 của Luka Modric và các đồng đội vô cùng hẹp. Họ phải chờ kết quả từ các bảng đấu khác ở các trận tiếp theo mới biết chính xác số phận của mình.

Phương Anh

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/vi-sao-cdv-croatia-doi-mu-trong-khi-scotland-mac-vay-khi-ra-san-co-vu-euro-d199644.html