Vì sao CEO doanh nghiệp cầu đường không muốn con cái nối nghiệp?
Hầu hết lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng công trình giao thông đều không muốn con cái theo nghiệp của chính mình bởi mối lo 'phu đường vất vả lắm ai ơi'.
Năm nay 60 tuổi, với gần 40 năm gắn bó với nghề xây dựng cầu đường, ông Lương Quang Thi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và xây dựng công trình giao thông 1 (Trico) cho biết ông không muốn con cái tiếp tục theo nghề của mình.
Cậu con trai đầu lòng năm nay hơn 30 tuổi của ông Thi, sau khi tốt nghiệp cao học ở nước ngoài, đã thi đỗ ngạch công chức tại Bộ Công thương, hiện đang giữ một chân trong tổ thư ký lãnh đạo bộ này. Người con trai thứ hai hiện đang học năm cuối tại Học viện Ngoại giao cũng chắc chắn sẽ không nối nghiệp gia đình dù từng có năng khiếu về khối A.
Cần phải nói thêm rằng, gia đình ông Thi là một trong những trường hợp khá đặc biệt trong ngành giao thông. Cả gia đình ông Thi bao gồm cả bên ngoại, bên nội đều đã và đang công tác trong ngành giao thông. Năm 45 tuổi, ông Thi được bổ nhiệm vào chân Giám đốc Trico – một trong những đơn vị xây dựng đường mạnh tại Cienco1. Công ty này cũng chính là nơi mà bố ông từng làm Giám đốc.
Vào những năm 2000, Trico được chọn tiến hành cổ phần hóa theo hướng nhà nước không nắm giữ quyền chi phối. Nhờ cổ phần hóa, bắt nhịp sớm với cơ chế thị trường, Trico từng bước trở thành một thương hiệu lớn trong ngành GTVT, đồng thời chuyển dần từ vị thế nhà thầu sang vai trò nhà đầu tư một số dự án BOT đường bộ.
Gắn bó quá lâu với ngành, thấm thía đủ khó khăn của nghề “lục lộ”, ông Thi không muốn con cái theo nghiệp của gia đình nên thoái dần vốn tại Trico cho một nhà đầu tư khác.
“Nghề giao thông thời nào cũng vất vả. Nếu không có đủ đam mê và say nghề sẽ thấy đây là gánh nặng rất lớn nhất là khi phải đảm nhận vị trí đứng đầu, lèo lái cả một doanh nghiệp với hàng trăm lao động”, ông Thi chia sẻ.
Cũng giống như CEO Trico, ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty xây dựng Phương Thành cũng không hướng con trai theo nghề xây dựng giao thông dù Phương Thành chính là một “đứa con tinh thần” của vị doanh nhân thế hệ 6x này.
Xuất thân là một doanh nghiệp xây lắp nhỏ thuộc Công đoàn ngành GTVT, có quy mô vốn chỉ dăm tỷ đồng, với hơn 40 cán bộ lao động, trụ sở đi thuê, bé như chuồng chim cu, sản phẩm là đường giao thông nông thôn, đường cấp thấp.
Sau 20 năm làm CEO doanh nghiệp này, ông Khôi cùng cộng sự đã đưa Phương Thành trở thành nhà thầu quốc tế khi liên tiếp trúng thầu thi công nhiều gói thầu lớn sử dụng vốn ODA đòi hỏi kỹ thuật thi công phức tạp, như: gói thầu A5, A7 Cao tốc Nội Bài – Lào Cai; các gói thầu Quốc lộ 1 tại Thanh Hóa, Khánh Hòa, các tuyến đường cao tốc trọng điểm: Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đường cao tốc Sài Gòn – Long Thành – Dầu Giây… Phương Thành Trancosin cũng đang là nhà đầu tư có vai vế tại Việt Nam với 2 tuyến cao tốc trọng yếu là Pháp Vân – Cầu Giẽ và Hạ Long – Vân Đồn.
Trước đó, bước ngoặt lớn nữa lại đến với Phương Thành khi sau 3 năm cổ phần hóa (2004), lãnh đạo Công ty đã chủ động đề xuất lên cấp có thẩm quyền thực hiện thoái toàn phần vốn nhà nước. Đây là yếu tố quan trọng để Công ty có đầy đủ điều kiện tham gia đấu thầu các dự án có vốn nước ngoài (ODA) và đi vào hoạt động cạnh tranh bình đẳng trong cơ chế thị trường. Các dự án có nguồn vốn nước ngoài cũng là “phao cứu sinh” giúp Công ty vượt qua khó khăn trong những năm 2008 – 2009, khi mà nguồn vốn nhà nước chậm và khan hiếm, để tích lũy nguồn lực cho đợt tăng tốc bứt phá sau đó.
Hiện tại ông Khôi là cổ đông lớn, chi phối tại Phương Thành, nhưng chưa bao giờ ông thực sự mong muốn con cái về làm việc tại công ty của bố. Con trai lớn của ông Khôi vừa tốt nghiệp đại học tại Hoa Kỳ, chuyên ngành quản lý khách sạn, sẽ tiếp tục học thạc sỹ tại Thụy Sỹ, trong khi cô con gái thứ hai mới chỉ tốt nghiệp cấp II và chắc cũng không theo nghiệp của gia đình.
“Nếu các cháu muốn về công ty tôi cũng sẵn sàng mở cửa, nhưng trong thâm tâm tôi muốn con cái trở thành công dân toàn cầu. Thế hệ các doanh nhân như tôi xuất thân từ nông thôn, chân lấm tay bùn, đi lên từ vị trí người công nhân nên vất vả thế nào mình cùng quen được, nhưng thế hệ trẻ cần khẳng định mình từ tri thức không nên bắt các cháu lại đi đúng con đường của mình được”, ông Khôi cho biết.
Tâm nguyện của ông Khôi là theo nghề ít lâu nữa rồi tiến hành niêm yết Công ty Phương Thành trên thị trường chứng khoán, mở rộng cửa cho các nhà đầu tư khác cùng tham gia quản lý. Bản thân gia đình ông Khôi cũng đang dịch chuyển từ xây dựng công trình giao thông sang đầu tư vào giáo dục, một lĩnh vực dự báo sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.
“Việc các cháu có tham gia vào lĩnh vực này hay không còn tùy duyên và đam mê của các cháu. Tôi không câu nệ là con mình phải thành ông này, bà nọ. Chỉ cần các cháu thấy hạnh phúc với công việc, đam mê của mình là đủ”, ông Khôi chia sẻ.