Vì sao chắn bùn không còn là tiêu chuẩn trên xe hơi?
Chắn bùn vắng bóng trên xe con hiện đại khi 95% cung đường đã được trải nhựa, khiến vai trò bảo vệ dần lu mờ.
Trải qua hơn một thế kỷ phát triển, ngành công nghiệp ôtô đã chứng kiến những thay đổi vượt bậc. Xe hơi ngày nay không chỉ mạnh mẽ và tiết kiệm nhiên liệu hơn, mà còn được trang bị hàng loạt công nghệ hiện đại như hệ thống sưởi, làm mát, kết nối giải trí, định vị và các tiện ích thông minh khác.

Tấm chắn bùn của Volvo. Ảnh: Stoqliq
Thiết kế ngoại thất cũng ngày càng phong phú, với đa dạng màu sơn, phong cách trang trí và tùy chọn chiếu sáng. Tuy nhiên, song song với những cải tiến đó, một số chi tiết từng quen thuộc trên xe hơi nay lại dần biến mất - trong đó có chắn bùn.
Dù chắn bùn không hoàn toàn biến mất trên đường phố hay bãi đỗ xe, nhưng sự hiện diện của chúng trên các dòng xe du lịch hiện nay rõ ràng ít hơn so với trước đây. Có nhiều yếu tố lý giải cho xu hướng này, trong đó hai nguyên nhân chính là chất lượng mặt đường được cải thiện và vai trò ngày càng kém hiệu quả của chắn bùn trong điều kiện vận hành hiện đại.
Trước kia, chắn bùn được lắp trên xe nhằm bảo vệ gầm khỏi bùn đất, sỏi đá văng lên từ bánh xe trong quá trình di chuyển.
Tuy nhiên, với hệ thống giao thông hiện đại và phần lớn tuyến đường được trải nhựa, nhu cầu này không còn cấp thiết. Bên cạnh đó, cấu trúc khung gầm xe ngày nay cũng đã được cải thiện, giảm thiểu đáng kể nguy cơ hư hỏng do bụi bẩn hay mảnh vỡ, khiến chắn bùn không còn là trang bị ưu tiên.
Tuy vậy, nhận định này chỉ đúng với các dòng xe du lịch. Với xe tải hạng nặng hay các mẫu đầu kéo sử dụng động cơ diesel, chắn bùn vẫn là trang bị gần như bắt buộc.
Thực tế, ai từng lưu thông trên đường cao tốc đều dễ dàng nhận thấy các mẫu xe đầu kéo thường được trang bị chắn bùn khá lớn. Lý do không chỉ nằm ở việc bảo vệ gầm xe, mà còn liên quan trực tiếp đến an toàn giao thông.
Do kích thước lớn và bánh xe to, xe tải thường làm văng nhiều đất, nước hoặc sỏi đá lên không trung khi di chuyển, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết xấu hoặc sau khi đi qua công trường.
Những mảnh vỡ nhỏ này có thể làm sứt mẻ sơn hoặc nứt kính chắn gió của các phương tiện chạy phía sau. Chắn bùn giúp hạn chế tối đa tình trạng này, đồng thời giữ cho mặt đường sạch sẽ, tránh để bùn đất bám vào khu vực lưu thông chung.
Không chỉ dừng lại ở yếu tố an toàn và vệ sinh, nhiều nghiên cứu còn chỉ ra rằng chắn bùn có thể giúp xe tải tiết kiệm nhiên liệu. Nhờ giảm sức cản gió ở khu vực bánh sau, chắn bùn giúp hệ thống truyền động hoạt động hiệu quả hơn trong những hành trình dài.
Rõ ràng, chắn bùn vẫn phát huy tác dụng trên các mẫu xe chuyên dụng. Nhưng với xe du lịch, liệu có nên lắp thêm phụ kiện này?
Dù không còn là trang bị tiêu chuẩn, chắn bùn vẫn có thể được lắp thêm nếu người dùng cảm thấy cần thiết. Quy trình lắp đặt không quá phức tạp và có thể thực hiện tại nhà.
Tùy vào từng dòng xe, thiết kế chắn bùn và thương hiệu, việc lắp đặt có thể yêu cầu khoan lỗ hoặc sử dụng hệ thống ốc vít có sẵn. Thông thường, người dùng chỉ cần vệ sinh khu vực viền bánh xe, tháo một số chi tiết cố định, căn chỉnh chắn bùn và siết lại để hoàn tất.
Việc lắp chắn bùn có thể phù hợp với những người thường xuyên di chuyển qua các tuyến đường đất, đường sỏi hoặc khu vực có nhiều bùn đất. Ngoài tác dụng bảo vệ gầm và sơn xe khỏi trầy xước, một số người còn chọn chắn bùn vì yếu tố thẩm mỹ.
Trên thị trường hiện nay, người dùng có thể đặt làm chắn bùn theo yêu cầu, in logo, hình ảnh hoặc thông điệp cá nhân, thậm chí biến nó thành công cụ quảng bá thương hiệu hiệu quả.
Dù không còn phổ biến như trước, chắn bùn vẫn là phụ kiện đáng cân nhắc trong một số trường hợp cụ thể. Với xe tải đường dài hoặc các phương tiện thường xuyên vận hành ở địa hình phức tạp, chắn bùn vẫn đóng vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ xe và đảm bảo an toàn cho những người cùng tham gia giao thông.