Vì sao Chelsea thích đánh bại Tottenham hơn những đội bóng khác?
Trong thế giới bóng đá, không ít các đội bóng có mối 'thâm thù' lâu đời với nhau, đặc biệt là các đội bóng cùng thành phố, do cạnh tranh về thành tích hay quan trọng hơn là sự yêu mến của khán giả.
Các cầu thủ ở những đội bóng khác nhau trong cùng thành phố đều không muốn mình trở thành “con ghẻ” trong mắt cổ động viên, nên sự ganh đua xem ai giỏi hơn giữa họ luôn tồn tại qua nhiều thập kỷ.
Ở nước Anh, London được xem là thủ phủ của bóng đá khi thành phố này sở hữu rất nhiều cái tên nổi tiếng như Chelsea, Tottenham, West Ham, Arsenal hay Crystal Palace. Do đó, sự thù địch cũng bị chia nhỏ nhưng với Chelsea và Tottenham lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Trong một cuộc khảo sát gần đây, phần lớn người hâm mộ cũng như các cầu thủ Chelsea xem gà trống là nỗi căm phẫn lớn nhất của họ, thậm chí còn xếp trên cả Arsenal và Manchester United. Tottenham cũng chẳng vừa khi đáp trả lại rằng họ cũng chẳng ưa gì Chelsea. Nhiều khán giả trung lập đặt câu hỏi, vì sao cả hai lại có sự đối địch sâu sắc đến như vậy?
Mọi chuyện bắt đầu vào năm 1910, khi Tottenham mới chỉ gia nhập Football League vào năm 1908 và chơi ở First Division lần đầu vào năm 1909. Cả Chelsea và Tottenham đều gặp khó khăn trong mùa giải 1909-1910, và họ gặp lại nhau tại White Hart Lane vào ngày 30-4-1910 trong trận đấu cuối cùng của mùa giải. Cả hai đều cần chiến thắng để trụ hạng. Spurs đánh bại Chelsea với tỷ số 2-1, với bàn thắng ấn định chiến thắng do công của Percy Humphreys, người mà mùa trước vẫn chơi cho The Blues.
Chưa hết, mọi chuyện còn tồi tệ hơn khi Tottenham tiếp tục xát muối vào vết thương chưa lành của quỷ xanh năm 1967. Gà trống cướp đi chiếc cúp FA từ tay người hàng xóm khó chịu của mình. Đây là trận chung kết đầu tiên của giải có sự góp mặt của hai đội bóng London.
Gần 10 năm sau sự kiện thế kỷ, Tottenham tiếp tục đào sâu thù hận khi cả hai đều đang có nguy cơ xuống hạng và buộc phải quyết đấu một mất một còn. Không khí trận derby nóng lên hơn bao giờ hết. Trước giờ bóng lăn, khán giả hai bên lao vào đánh nhau khiến khán đài hỗn loạn. Sau cùng, Spurs hưởng trọn niềm vui ở lại giải hạng nhất nhờ chiến thắng 2-0, hơn nhóm đèn đỏ đúng 1 điểm. Chelsea hậm hực xuống chơi hạng nhì.
Sau kỷ nguyên huy hoàng đó, Tottenham sa sút không phanh và ngôi vị ông vua thành Londo bị Chelsea giành lại. The Blues giành vô số chức vô địch danh giá của bóng đá Anh, đồng thời luôn chiếm thế thượng phong trong mỗi trận derby sau đó, đỉnh cao là chiến thắng 6-1 ngay tại thánh địa White Hart Lane mùa 1997-1998.
Tất nhiên, mỗi lần hai đội giáp mặt đều diễn ra quyết liệt và luôn có số thẻ phạt kỷ lục. Thậm chí, người ta còn đặt tên cho cuộc đối đầu này là “Battle of Stamford Bridge”, tạm dịch là “chiến tranh ở Stamford Bridge”, tên gọi này được lấy theo tên cuộc chiến nổi tiếng năm 1066 giữa Anh và Na Uy.
Vì những lý do đó mà mỗi khi có cơ hội, các thành viên của đôi bên đều cố tình chọc ngoáy vào nỗi đâu của đối thủ. Chelsea là đội làm tốt hơn nhờ nổi trội hơn cả về danh hiệu, và không mùa giải nào quên đá xoáy sự nghèo nàn thành tích của Tottenham.
Trên Twitter, Chelsea đăng ảnh top 14 Premier League, với ý định rõ ràng không phải để khoe thành tích của bản thân mà là để hạ nhục hai kình địch cùng thành phố là Tottenham và Crystal Palace.
Các huyền thoại của đội bóng này cũng đáo để không kém trong việc chọc tức đối phương. Hồi tháng 5, cựu đội trưởng John Terry khi đó làm trợ lý dẫn dắt Aston Villa đối đầu gà trống. Anh đã bị các cổ động viên Tottenham chửi rủa thậm tệ trên khán đài nhưng rất nhanh trí đáp lại bằng hành động mô phỏng động tác nâng cúp, rồi sau đó đăng lên trang cá nhân bức ảnh cười cợt khoái chí cùng con sô 17 (số danh hiệu của anh với The Blues).
Nhiều năm trôi qua, sự kình địch giữa hai bên này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, điều này chẳng có gì đáng lên án bởi trong thi đấu bóng đá, sự thù địch, cạnh tranh đôi khi lại là động lực cho tham vọng thành tích.