Vì sao cheo cheo biến mất ở Việt Nam suốt 30 năm?
Giáo sư Đặng Huy Huỳnh cho biết cheo cheo vẫn sinh trưởng bình thường ở nhiều khu rừng vào những năm 1970, nhưng số lượng cá thể suy giảm nghiêm trọng do săn bắt.
Ngày 11/11, tạp chí khoa học Nature Ecology & Evolution đăng tải một video ghi lại hình ảnh của một con cheo cheo lưng bạc trong tự nhiên. Loài động vật được cho rằng đã tuyệt chủng ở Việt Nam gần 30 năm trước. Sự xuất hiện trở lại của loài cheo cheo nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước.
GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm KHVN), là một trong những nhà khoa học trực tiếp nghiên cứu và bảo tồn các loài động vật hoang dã tại Việt Nam. GS Huỳnh cũng đã có khoảng thời gian nghiên cứu về cheo cheo Việt Nam.
Số lượng cá thể bị sụt giảm do săn bắt, giết hại
Cheo cheo lưng bạc - hay cheo cheo Việt Nam, tên khoa học là Tragulus versicolor - được nhìn thấy lần cuối cách đây hơn 25 năm bởi một nhóm các nhà nghiên cứu Việt Nam và Nga. Họ đã tịch thu một con cheo cheo từ người thợ săn.
Trao đổi với Zing.vn, GS Đặng Huy Huỳnh cho biết cheo cheo là loài động vật có kích thước rất nhỏ trong nhóm móng guốc, con trưởng thành cũng chỉ nặng khoảng 3-4 kg. Đặc tính của loài này là hiền lành, dễ bị tổn thương và hay bị các loài động vật khác tấn công.
"Loài này sống hiền, có bộ lông đẹp, hình dạng đáng yêu, bắt mắt. Chính bởi lẽ đó, khi loài này còn phổ biến, người ta hay bắt về làm vật nuôi trong gia đình và trong cả vườn thú. Loài này nhỏ, yếu, không quá nhanh nhẹn nên rất dễ bị bắt", GS Huy Huỳnh cho hay.
Theo trí nhớ của ông, từ những năm 80 trở về trước, các vùng từ Đồng Nai, tại các khu rừng thưa lá rộng có nhiều cây họ dầu hay tập trung loài này. Ngoài ra, loài này cũng hay sống ở bìa rừng, tránh các sông, suối lớn nên dễ bị con người phát hiện, săn bắt.
Vì vậy, số lượng cheo cheo giảm dần theo thời gian và đến cuối thế kỷ 20 thì được cho là tuyệt chủng ngoài tự nhiên ở Việt Nam.
"Người dân hồi đó săn bắt bừa bãi để ăn thịt, rồi bán lấy tiền. Tôi nhớ có những lần đi qua đoạn quốc lộ thuộc tỉnh Đồng Nai, người dân quẩy cả gánh, sọt toàn cheo cheo đi bán", vị giáo sư nhớ lại.
Ông cho biết loài này thích sống ở các khu rừng ẩm, phạm vi di chuyển tương đối hẹp và cũng không vào quá sâu trong rừng. Cheo cheo ăn các loại lá, quả nhỏ rơi từ trên cây và các loại hạt.
Cần làm hết sức để bảo vệ
Ngoài cheo cheo lưng bạc (Tragulus versicolor), GS Huy Huỳnh cho biết các nhà khoa học Việt Nam còn phát hiện ra một loài khác là cheo cheo Nam Dương (Tragulus Javanicus).
"Cheo cheo lưng bạc thường hay được phát hiện ở khu vực Trung Trung Bộ, từ Đà Nẵng trở vào nam còn cheo cheo Javanicus thì thường xuất hiện ở ngoài bắc. Nhưng số lượng cả 2 loài đều đang rất ít, đều nằm trong sách đỏ và đứng trước nguy cơ bị xóa sổ", ông Huỳnh nói.
Theo GS Đặng Huy Huỳnh, việc các nhà khoa học tìm thấy các cá thể cheo cheo lưng bạc ở ngoài tự nhiên trong thời điểm hiện nay là dấu hiệu rất đáng mừng, nhất là môi trường sống, sinh cảnh của nhiều loài động vật quý hiếm ngày một bị thu hẹp.
Theo ông, việc cần làm là xác định được sinh cảnh và vùng mà cheo cheo có thể sinh trưởng và phát triển được tốt nhất, có thể là khu vực xung quanh nơi các nhà khoa học tìm thấy.
"Môi trường sống của cheo cheo là những khu rừng ẩm, có các loại cây, hạt, quả nhỏ mà cheo cheo có thể ăn được và cần xa con người và các loài thú lớn, dữ. Người ta có thể khoanh vùng ở các vùng núi, nhưng không quá cao, chỉ khoảng 700 m so với mực nước biển", ông nhận định.
Theo ông, việc khoanh vùng sẽ khó khăn do loài này sống chung với nhiều động vật khác. Ông đề nghị các khu bảo tồn ở Khánh Hòa, hoặc các khu bảo tồn có điều kiện tự nhiên tương tự nên được chọn làm nơi bảo vệ những cá thể cheo cheo này.
Còn theo TS Lại Minh Hiền, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học (thuộc Liên hiệp các hội khoa học Việt Nam), sự suy giảm của các loài động vật quý hiếm phần lớn do tác động của con người có thể do cố ý hoặc vô ý mà phá hoại môi trường sống của các loài.
"Quan trọng nhất là phải bảo vệ được hệ sinh thái, sinh cảnh để nó sinh trưởng an toàn trong đó, tránh xa sự can thiệp của con người. Loài này khi bị phát hiện rất dễ bị săn bắt, giết để ăn thịt nên cần nâng cao việc tuyên truyền, cảnh báo", ông Hiền nói.
Ngoài ra, vị chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại việc phát hiện cá thể quý hiếm ở đây dễ khiến người dân, khách du lịch tò mò, muốn đến xem rất dễ xâm hại đến môi trường sống của loài này. Ông đề nghị cần đưa các cá thể còn lại này vào các khu bảo tồn, hoặc lập nhiều lớp vành đai để ngăn không cho con người tiếp cận.
Nguồn Znews: https://news.zing.vn/vi-sao-cheo-cheo-bien-mat-o-viet-nam-suot-30-nam-post1012655.html