Vì sao chi hơn 2,5 triệu USD 'chạy án' nhưng cựu giám đốc BV Thủ Đức vẫn thoát tội đưa hối lộ?
Chi hơn 2,5 triệu USD để 'chạy án', nhưng ông Nguyễn Minh Quân cựu giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức – được miễn trách nhiệm hình sự tội đưa hối lộ.
Như đã đưa tin, Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, môi giới hối lộ xảy ra tại Hà Nội, TP.HCM và một số đơn vị liên quan.
Theo kết luận, năm 2021, ông Nguyễn Minh Quân, giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức, bị điều tra về hành vi có dấu hiệu vi phạm về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Lo sợ, ông Quân liên hệ với Bùi Trung Kiên, cán bộ Phòng 6 - C03 Bộ Công an, nhờ "lo lót” để không bị xử lý hình sự và được Kiên đồng ý.
Theo thỏa thuận, ông Quân nhiều lần đưa tiền cho Kiên với tổng số 2,2 triệu USD. Nhận tiền, Kiên không giúp “chạy án” mà đầu tư vào bất động sản.
Khi ông Quân đòi lại tiền, Kiên mới trả 1,15 triệu USD. 1,05 triệu USD còn lại Kiên chưa thu xếp được.
Nhờ Kiên nhưng thất bại, ông Quân tiếp tục tìm “cửa khác”. Qua giới thiệu, ông Quân tìm đến Trần Văn Long (Tổng giám đốc Công ty cổ phần truyền thông Du lịch Việt) và Bùi Thị Hồng Giang (luật sư).
Ông Quân đưa tổng cộng hơn 1,6 triệu USD cho Long và Giang. Hai bị can này sau đó chuyển 1,5 triệu USD cho Lê Thanh An (cán bộ Phòng 5 - C03) để giúp “chạy án”. Sau nhiều khâu chuyển tiền lòng vòng, việc “chạy án” vẫn không thành.
Đáng chú ý, khai với công an về số tiền hơn 2,5 triệu USD dùng để “chạy án”, ông Quân cho biết đây đều là tiền do gia đình bán nhà đất mà có.
Cơ quan điều tra nhận định hành vi dùng tiền để “chạy án” của ông Quân phạm tội đưa hối lộ, nhưng do ông chủ động khai báo trước khi sự việc bị phát giác nên miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Dù vậy, cơ quan điều tra cho rằng cần tịch thu toàn bộ số tiền đưa hối lộ để sung công quỹ Nhà nước.
Việc cựu giám đốc Bệnh viện Thủ Đức đưa hối lộ với số tiền đặc biệt lớn nhưng “thoát tội” đưa hối lộ nhận được quan tâm của nhiều bạn đọc. Vậy, pháp luật hiện hành quy định ra sao đối với các trường hợp tương tự?
Theo khoản 7 điều 364 BLHS năm 2015, người nào đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Hướng dẫn chi tiết hơn về vấn đề này, Nghị quyết số 03/2020 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao giải thích: “Chủ động khai báo trước khi bị phát giác” là trường hợp hành vi phạm tội đưa hối lộ, môi giới hối lộ chưa bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện, chưa bị ai tố giác nhưng người đưa hối lộ, người môi giới hối lộ đã tự khai báo toàn bộ sự việc đưa hối lộ, môi giới hối lộ mà mình thực hiện.
Quay trở lại vụ án, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết đã áp dụng hướng dẫn của Nghị quyết số 03/2020 và quy định tại khoản 7 điều 364 BLHS năm 2015 để miễn trách nhiệm hình sự cho ông Quân.
Hiện nay, ông Quân là bị can trong vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức.
Đây là vụ án mà ngoài ông Quân, Cơ quan điều tra còn khởi tố, bắt tạm ông Nguyễn Văn Lợi (35 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất Nguyễn Tâm) để điều tra về hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Cơ quan điều tra cho hay hai bị can này đã thông đồng, câu kết thực hiện hành vi trái quy định của Luật Đấu thầu trong việc mua sắm vật tư trang thiết bị y tế tại Bệnh viện TP Thủ Đức gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước.
Có thể chi tới 5 triệu USD để “chạy án”?
Theo lời khai của Trần Văn Long, Bùi Thị Hồng Giang có kể cho Long về việc An có quan hệ với người có thể “xử lý được việc” của ông Quân, chi phí do An đưa ra khoảng 3-3,5 triệu USD. Long và Giang trao đổi thông tin này với ông Quân, thì ông Quân nói rằng có thể huy động đến 5 triệu USD để “chạy án”.
Về phía mình, ông Quân khai rằng, sau khi ông đặt vấn đề nhờ Trần Văn Long và Bùi Thị Hồng Giang tìm mối “chạy án”, Long có gọi điện cho ông và thông báo đã tìm được mối giải quyết nhưng “người ta” đòi chi tới 5 triệu USD. Ông Quân đáp lại: “Sao cũng được, miễn sao gia đình em được yên ổn thôi”.