Vì sao chiến dịch tiêm vaccine của châu Âu bị hoài nghi?
Việc một số nước châu Âu hoãn tiêm vaccine của AstraZeneca, rồi nối lại chiến dịch sau vài ngày, khiến người dân càng hoang mang, cho rằng chính phủ không thể kiểm soát tình hình.
Khi mới bắt đầu, chiến dịch tiêm phòng của các nước Liên minh châu Âu (EU) vấp phải hàng loạt thách thức về quy trình thu mua vaccine tập trung, khan hiếm nguồn hàng, mạng lưới phân phối và sự dè dặt của cơ quan quản lý một số nước, theo Financial Times.
Theo các chuyên gia, việc tạm hoãn tiêm vaccine của AstraZeneca, dù chỉ khoảng 3 ngày ở một số nước EU, làm tăng sự hoài nghi trong công chúng.
“Nếu tiếp tục tiêm vaccine AstraZeneca, khoảng 5-10% dân số chống đối vaccine sẽ giận dữ”, giáo sư Beate Kampmann, giám đốc Trung tâm Vaccine tại Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh Dịch tễ London, nói với Financial Times. “Nhưng quan điểm chung của toàn bộ người dân sẽ rõ ràng (tin tưởng) hơn”.
Bà Kampmann cho rằng giờ đây, khi giới chức đưa ra thông điệp cẩn trọng thay vì thông điệp bảo đảm an toàn, những nhóm phản đối vaccine đang hưởng lợi.
EU bị bỏ lại trong cuộc đua tiêm chủng
Chỉ vài tháng trước, châu Âu là nơi kiểm soát dịch bệnh tốt hơn Anh và Mỹ. Nhưng nay tình hình đã đảo ngược.
Trong khi Anh đã tiêm trung bình 40,5 liều vaccine trên 100 người, Mỹ tiêm 34,1 liều trên 100 người, thì EU chỉ đạt tới 12 liều.
Tiến độ tiêm vaccine của EU đang bị tụt lại vào một thời điểm tương đối bất lợi. Nhiều nước đang phải đối phó với đợt lây nhiễm mới của biến chủng B.1.1.7. Một số nước phải phong tỏa trở lại, dẫn tới nỗi lo về mùa hè thứ hai bị lãng phí, càng ảnh hưởng tới những nền kinh tế Nam Âu phụ thuộc du lịch.
Cách mà các nhà quản lý ở châu Âu xử lý các nghi vấn đối với vaccine của AstraZeneca cũng bị chỉ trích, tạo ấn tượng rằng họ không hoàn toàn kiểm soát được tình hình.
Chẳng hạn, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen chọn đúng thời điểm đó để đe dọa tịch thu các lô vaccine xuất sang Anh và Mỹ, để đảm bảo nguồn cung tốt hơn cho công dân EU.
Phát ngôn đó khiến thủ đô nhiều nước kinh ngạc. Trong các trao đổi riêng, các đại sứ cảnh báo động thái tịch thu vaccine như vậy sẽ gây phản ứng ngược.
“Cứ như thể không ai kiểm soát được tình hình, không có đủ sự tin tưởng lẫn nhau”, Rosa Balfour, giám đốc viện chính sách Carnegie Europe, nói với Financial Times.
Vaccine của AstraZeneca là phần quan trọng trong chiến dịch tiêm phòng của châu Âu. EU đang chờ nhận được 460 triệu liều vaccine trong nửa đầu của năm, trong đó 100 triệu liều là vaccine của AstraZeneca. Nhưng vaccine của AstraZeneca đã vấp phải một số nghi ngờ.
Một số nước giới hạn việc tiêm vaccine này cho người cao tuổi. Một số trường hợp gặp tác dụng phụ càng kéo dài sự nghi ngờ trong công chúng. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng nói vaccine này là “gần như không hiệu quả” đối với người cao tuổi, nhưng ông nhanh chóng rút lại tuyên bố này.
Sự nghi ngờ càng gia tăng vào đầu tháng, khi Áo và Italy ghi nhận các phản ứng phụ nghiêm trọng và rút lại một số lô vaccine. Đan Mạch, Na Uy và một số nước EU khác cũng quyết định tương tự, dù cơ quan y tế EU khẳng định lợi ích của việc tiêm vaccine vẫn nhiều hơn rủi ro.
Quyết định của Đức bị chỉ trích
Đức cũng tạm dừng tiêm vaccine của AstraZeneca, sau khi Viện Paul Ehrlich, cơ quan phụ trách vaccine của nước này, ghi nhận một số trường hợp có tác dụng phụ. Quyết định của Berlin khiến một số nước đồng minh thân cận đứng trước sức ép phải làm theo, nếu không sẽ bị chỉ trích là coi nhẹ rủi ro.
“Nếu chúng tôi gạt đi các rủi ro, rồi sau đó thông tin về các trường hợp đông máu bắt đầu rò rỉ, như vậy sẽ hủy hoại lòng tin của công chúng. Tình hình khi đó sẽ tai hại hơn là nếu tạm dừng tiêm vaccine ngay lập tức”, một quan chức Pháp nói với Financial Times.
Vài ngày sau đó, Cơ quan Quản lý Dược phẩm của châu Âu, một khi đã kiểm tra lại các dữ liệu lâm sàng, kết luận vaccine của AstraZeneca “an toàn và hiệu quả”.
Cơ quan này không kết luận về mối liên hệ giữa vaccine và các ca phản ứng phụ, nhưng cũng không loại trừ mối liên hệ này.
Sau đó, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha và một số nước châu Âu thay đổi lập trường, và nói sẽ nối lại việc tiêm vaccine của AstraZeneca.
Phe đối lập ở Đức chỉ trích việc giới chức nước này tạm hoãn rồi tiêm trở lại vaccine của AstraZeneca, cho rằng điều này khiến công chúng khó hiểu và mất lòng tin.
Giới phê bình cũng coi các quyết định trên của Đức là ví dụ về sự cẩn trọng quá mức của châu Âu trong vấn đề vaccine - chẳng hạn việc giới hạn vaccine AstraZeneca đối với người cao tuổi, hay các điều khoản nhằm hạn chế trách nhiệm với tác dụng phụ của vaccine, khiến việc thỏa thuận vaccine bị trì hoãn.
Christian Drosten, người đứng đầu Viện Virus học ở Bệnh viện Charité tại Berlin, một trong các cố vấn cao cấp của chính phủ về dịch Covid-19, cho rằng giới chức lẽ ra có thể hành động khác đi.
“Chúng ta cần nhìn nhận rằng đang có đại dịch, và nên ra quyết định theo những tiêu chuẩn khác, chẳng hạn cân nhắc tổn thất về y tế khi nhiều người chưa được tiêm vaccine, giữa lúc làn sóng lây nhiễm thứ ba đang gia tăng”, ông nói trong một podcast.