Vì sao chiết khấu sách giáo khoa quá cao?

Mức chiết khấu là một cấu phần quan trọng của giá sách giáo khoa, là chi phí dành cho việc phát hành sách đến tay người tiêu dùng cuối cùng nên ảnh hưởng mạnh nhất đến giá sách.

Chiết khấu sách giáo khoa theo Luật Giá hiện hành, sách giáo khoa (SGK) không phải là mặt hàng do Nhà nước định giá. Tuy nhiên, từ Quốc hội khóa XIV đến nay, nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị Nhà nước cần kiểm soát giá mặt hàng này, nhằm bảo vệ lợi ích người dân, tránh tác động tăng giá từ các nhà xuất bản. Tiếp thu ý kiến đa số ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo quy định giá trần và không quy định giá sàn đối với mặt hàng SGK.

Lý do SGK là mặt hàng thiết yếu, đối tượng tiêu dùng rất lớn, có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, giá mặt hàng này tác động trực tiếp đến số đông người dân, trong đó có người thu nhập thấp. Vì vậy, cần thiết phải có công cụ kiểm soát để bảo đảm không tác động tiêu cực đến người dân.

Sách giáo khoa lớp 3 theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018

Sách giáo khoa lớp 3 theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018

Chiết khẩu ảnh hưởng mạnh nhất đến giá sách

Vấn đề hiện nay là trong phương pháp tính giá SGK, các nhà xuất bản đều cộng cả chi phí phát hành sách với mức chiết khấu rất cao. Như kết quả bước đầu giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông” cho thấy: Mức chi phí phát hành (chiết khấu) tối đa đối với SGK phục vụ năm học 2020-2021, 2021-2022 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là 29% giá bìa, sách bài tập là 33%, sách giáo viên là 15%. Năm học 2022-2023 đối với SGK là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35%, sách giáo viên là 15%, đã khiến giá SGK bị lên cao so với thu nhập của nhiều người dân.

Trên thực tế thị trường sách ở Việt Nam, tên hiệu nhà xuất bản, tên tuổi tác giả không ảnh hưởng nhiều đến giá sách; nhuận bút chỉ chiếm tỷ lệ 15-16% trong giá thành và 10-12% trong giá bán lẻ. Đại diện một đơn vị làm sách cho biết, các yếu tố làm biến động giá sách bao gồm: Công của nhà xuất bản; giá giấy, điện, khấu hao máy móc của nhà in; công của mạng lưới phân phối, xuất bản và phát hành. “Chiết khấu là chi phí dành cho việc phát hành sách đến tay người tiêu dùng cuối cùng. Phí phát hành ảnh hưởng mạnh nhất đến giá sách”, vị này cho biết.

Phản hồi về kết quả giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mới đây Nhà xuất bản Giáo dục đã có văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo để làm rõ về mức chi phí bán mặt hàng này. Theo đó, mức chi phí phát hành là chi phí cho khâu lưu thông, cung ứng, triển khai thị trường… đối với SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Chi phí này được cấu thành bởi 2 khoản mục: Chi phí phát hành (chiết khấu) và chi phí triển khai thị trường bao gồm tuyên truyền, giới thiệu, tập huấn sử dụng SGK mới…

Trong đó, chiết khấu là khoản chi phí chi trả cho các đơn vị phát hành trong toàn bộ kênh phân phối để thực hiện khâu lưu thông, cung ứng sách từ kho của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tới tận tay học sinh trên mọi vùng miền cả nước. Chi phí phát hành bao gồm: Chi phí thuê kho bãi, chi phí vận chuyển - bốc xếp hàng hóa; chi phí phục vụ bán hàng và quản lý doanh nghiệp như nhân công, khấu hao tài sản cố định, chi phí cho cửa hàng bán lẻ…

“Chiết khấu đối với sách giáo khoa phục vụ năm học 2020-2021, 2021-2022 là 23% giá bìa. Năm học 2022-2023 giảm xuống còn 22,5% giá bìa. Năm học 2023-2024 tiếp tục giảm còn 21% giá bìa”, Nhà xuất bản Giáo dục cho biết.

Tách bạch chi phí phát hành và chi phí triển khai thị trường

Làm rõ thêm về chi phí triển khai thị trường, Nhà xuất bản Giáo dục cho biết, chi phí này chỉ xuất hiện đối với SGK theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, trong bối cảnh 1 chương trình nhiều sách giáo khoa. Chi phí này bao gồm các khoản chi cho: Hội thảo giới thiệu sách tại địa phương, tập huấn sử dụng sách giáo khoa, tuyên truyền, quảng cáo… Chi phí triển khai thị trường đối với sách giáo khoa phục vụ năm học 2020-2021 là 6% giá bìa. Năm học 2022-2023 giảm xuống còn 5,5% giá bìa. Năm học 2023-2024 tiếp tục giảm còn 5% giá bìa.

“Cộng cả hai chi phí đã tạo nên con số chiết khấu như kết quả giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong khi chi phí chiết khấu và chi phí triển khai thị trường được kê khai, tách bạch thành hai khoản mục trong phương án kê khai giá với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính). Tại thông báo chính sách phát hành hàng năm, Nhà xuất bản Giáo dục cũng đều quy định chi phí khâu lưu thông SGK bao gồm chi phí phát hành và chi phí triển khai thị trường”, Nhà xuất bản này nêu rõ.

Sách tham khảo không bắt buộc học sinh phải mua

Sách tham khảo không bắt buộc học sinh phải mua

Theo tìm hiểu của phóng viên, việc tổ chức kênh phân phối của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thực hiện theo mô hình: Đơn vị đầu mối phát hành đảm nhiệm cả hai công việc, bao gồm triển khai thị trường và phân phối, phát hành sách. Vì thế, như giải thích của Nhà xuất bản Giáo dục, mô hình này có thể dẫn đến nhận định cộng gộp cả 2 khoản mục chi phí lưu thông thành chi phí phát hành (chiết khấu) như kết quả của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu.

Đối với sách giáo viên, Nhà xuất bản Giáo dục cho biết, do đặc thù sách giáo viên thường có sản lượng phát hành thấp, chủ yếu chỉ phát hành được vào năm đầu tiên xuất bản. Sách giáo viên có số trang nhiều nên để có giá bìa thấp, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tính toán mức chi phí phát hành 15% giá bìa chỉ để đảm bảo bù đắp chi phí khâu lưu thông mà không bao gồm các chi phí khác.

Riêng đối với sách bài tập là sách tham khảo, không bắt buộc học sinh phải mua, trong khi nhiều nhà xuất bản cùng xuất bản sách bài tập nên việc cạnh tranh rất lớn. Các nhà xuất bản phải chủ động cân đối giá bán, cũng như quy định mức chi phí phát hành để đảm bảo sức cạnh tranh cho sản phẩm của mình. Nhà xuất bản Giáo dục xây dựng chi phí phát hành sách bài tập ở mức phí trung bình thấp, so với sách bài tập của các nhà xuất bản khác từ 33%-35% giá bìa.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/thi-truong/vi-sao-chiet-khau-sach-giao-khoa-qua-cao-post1039022.vov