Vì sao chủ cơ sở mái ấm Hoa Hồng Giáp Thị Sông Hương bị khởi tố?
Ngày 3/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Giáp Thị Sông Hương (51 tuổi, ở Q.Gò Vấp, là chủ cơ sở Mái ấm Hoa Hồng).
Vụ bạo hành nhiều trẻ em tại mái ấm Hoa Hồng từng khiến cho dư luận xã hội dậy sóng được phanh phui ngày 4 và 5/9/2024, sau loạt bài điều tra của Báo Thanh Niên.
Mái ấm Hoa Hồng được mô tả như "địa ngục trần gian" đối với trẻ em được nuôi dưỡng tại cơ sở này (L52 Tô Ký, phường Trung Mỹ Tây). Bởi quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo mẫu tại mái ấm có những hành động ngược đãi, đánh đập dã man đối với các trẻ. Trong đó, có bé trai khoảng 7 tháng tuổi bị bảo mẫu ngồi lên người, nhéo lỗ tai. Thậm chí, một bé còn bị tác động vật lý đến chảy máu miệng, nhấc lên cao rồi ném xuống nệm.
Thông tin mới nhất vừa cập nhật cho thấy, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM ra quyết định khởi tố bị can và bắt giam bà Giáp Thị Sông Hương (SN 1974, trú đường số 20, Phường 6, quận Gò Vấp, TP.HCM) - chủ mái ấm về tội “Hành hạ người khác”.
Công an TP.HCM cũng khởi tố nhưng cho tại ngoại đối với bà Trang Mỹ Nhanh (61 tuổi, ngụ Quận 12) - bảo mẫu tại mái ấm Hoa Hồng về tội danh nói trên.
Theo kết quả điều tra, không chỉ các bảo mẫu tại mái ấm Hoa Hồng, mà cả bà Hương (chủ cơ sở) và bà Nhanh cũng có hành vi đe dọa, đối xử tàn ác và đánh đập các cháu nhỏ tại phòng 102. Những hành vi này được thực hiện lặp đi lặp lại nhiều lần.
Bà Nhanh thường sử dụng lược, chổi, tay, chân và thậm chí cả muỗng múc canh để đe dọa, đánh các cháu. Thậm chí, bà còn dùng dầu gió cho vào miệng một số trẻ.
Trong khi đó, bà Hương, với vai trò chủ cơ sở, không chỉ chứng kiến mà còn trực tiếp tham gia hành hạ trẻ. Bà sử dụng bìa carton, lược, khay nhựa, chổi để đánh, đồng thời có hành vi nắm áo, kéo lê, xách và ôm ném các cháu trong lúc tắm hoặc ngủ. Tất cả các hành động này đều được camera tại cơ sở ghi lại.
Ngoài các hành vi bạo hành, bà Hương còn vi phạm quy định về tuyển dụng, khi sử dụng bảo mẫu chưa có chứng chỉ hành nghề, không phổ biến kiến thức pháp luật liên quan đến việc nuôi giữ trẻ, và không đảm bảo số lượng bảo mẫu chăm sóc trẻ theo quy định.
Đáng chú ý, trước khi được cấp phép hoạt động, bà Hương đã được bồi dưỡng nghiệp vụ chăm sóc trẻ, bao gồm cả các quy định không được đe dọa hoặc đánh đập trẻ em. Tuy nhiên, bà vẫn vi phạm, gây hậu quả nghiêm trọng.
Hành vi bạo hành lặp đi lặp lại không chỉ vi phạm đạo đức mà còn trái pháp luật, gây tổn thương về thể chất và để lại hậu quả tâm lý lâu dài, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ.
Hiện tại, lực lượng công an đang tiếp tục điều tra, xử lý vụ việc theo quy định pháp luật.
Hành hạ người khác có thể được xem là hành vi cố ý gây đau đớn hoặc khổ sở cho người khác, có thể về thể xác hoặc tinh thần. Hành vi này có thể bao gồm:
- Về thể xác:
+ Đánh đập, đá, tát, hoặc bóp cổ;
+ Bỏ đói, nhốt, hoặc không cho ngủ;…
- Về tinh thần:
- Lăng mạ, sỉ nhục, chửi rủa;
- Gây tổn thương tâm lý hoặc cảm xúc;…
Theo Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về khung hình phạt tội hành hạ người khác như sau:
- Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm: Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
- Phạt tù từ 01 năm đến 03 năm: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên;
+ Đối với 02 người trở lên.
Như vậy, người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc không thuộc trường hợp ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thì tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng hình phạt có thể từ cải tạo không giam giữ đến 3 năm tù hoặc từ 3 tháng đến 3 năm tù.