Vì sao chưa điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh với người nộp thuế?
Bộ Tài chính cho biết, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế, người phụ thuộc của người nộp thuế là mức cụ thể theo mặt bằng chung của xã hội, không phân biệt người có thu nhập cao hay thấp, với nhu cầu tiêu dùng khác nhau....
Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri các địa phương liên quan giảm trừ gia cảnh.
Trong văn bản gửi đến Ban Dân nguyện của Quốc hội, cử tri 6 tỉnh (Bình Định, Hà Giang, Thái Nguyên, Trà Vinh, Tuyên Quang và Tây Ninh) đề nghị điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế, người phụ thuộc và điều chỉnh biểu thuế lũy tiến từng phần đảm bảo phù hợp với thực tế.
Trả lời kiến nghị này, Bộ Tài chính cho biết, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế, người phụ thuộc của người nộp thuế là mức cụ thể theo mặt bằng chung của xã hội, không phân biệt người có thu nhập cao hay thấp, với nhu cầu tiêu dùng khác nhau. Cá nhân có khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo thì luật đã có quy định giảm thuế cho các trường hợp này.
"Mức giảm trừ gia cảnh cụ thể cần được nghiên cứu, tính toán một cách kỹ lưỡng, đảm bảo cao hơn GDP bình quân đầu người, tiền lương tối thiểu vùng, mức chi tiêu bình quân đầu người trong một giai đoạn nhất định", Bộ Tài chính cho biết.
Bộ Tài chính dẫn báo cáo khảo sát mức sống dân cư năm 2023 Tổng cục Thống kê công bố cho thấy thu nhập bình quân đầu người/tháng của Việt Nam năm 2023 (theo giá hiện hành) là 4,96 triệu đồng. Nhóm hộ có thu nhập cao nhất (gồm 20% dân số giàu nhất) bình quân 10,86 triệu đồng/tháng/người.
Với mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay (11 triệu đồng/tháng), cao hơn 2,2 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người; mức giảm trừ đối với người phụ thuộc (4,4 triệu đồng/tháng) gần với mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay.
Do đó, người có thu nhập từ tiền lương, tiền công 17 triệu đồng/tháng (nếu có một người phụ thuộc) hay 22 triệu đồng/tháng (nếu có hai người phụ thuộc), sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... cũng chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Theo Bộ Tài chính, CPI năm 2020 tăng 3,23%; năm 2021 tăng 1,84%; năm 2022 tăng 3,15% và năm 2023 tăng 3,25%. "CPI biến động chưa đến 20% kể từ thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất năm 2020. Theo quy định hiện hành, chưa thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh", Bộ Tài chính nhìn nhận.
Cùng đó bộ này cho biết hiện đang tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể Luật Thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, sẽ rà soát về mức giảm trừ gia cảnh, biểu thuế lũy tiến từng phần để báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung theo Chương trình xây dựng Luật của Quốc hội. Dự kiến Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi sẽ đăng ký Chương trình xây dựng luật vào năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tháng 10/2025, thông qua vào tháng 5/2026.
Trong khi đó, theo nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế, pháp luật, các quy định về thuế thu nhập cá nhân và mức giảm trừ gia cảnh nhiều năm qua không còn phù hợp với mặt bằng giá cả và mức chi tiêu của người dân hiện nay. Điều này cần được Quốc hội xem xét, cấp thiết sửa đổi, không nên chờ đến năm 2026 mới đề xuất mà có thể ngay trong kỳ họp gần nhất của Quốc hội.
Lương tăng nhưng thuế thu nhập cá nhân và mức giảm trừ gia cảnh chưa điều chỉnh kịp thời sẽ gây âu lo cho người lao động. Việc không điều chỉnh kịp thời này sẽ ảnh hưởng đến ý nghĩa của việc cải cách tiền lương, theo ý kiến các chuyên gia. Thậm chí mức giảm trừ gia cảnh nên “thay đổi từng năm” theo mức độ trượt giá của nền kinh tế, có thể dựa vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) để điều chỉnh.
Ngoài ra cũng có ý kiến nêu vấn đề biểu thuế thu nhập cá nhân 7 bậc và khoảng cách giữa các bậc thuế như quy định hiện hành là quá nhiều, tạo gánh nặng cho người nộp thuế bởi thu nhập “chỉ cần tăng nhẹ” đã rơi vào mức thuế suất cao hơn.