Vì sao chưa thể xóa bỏ 92 lối đi tự mở giao cắt đường sắt ở Hà Tĩnh?
Đã có không ít vụ tai nạn giao thông xuất phát từ lối đi tự mở ngang qua đường sắt ở Hà Tĩnh. Xóa bỏ lối đi tự mở được xem là giải pháp căn cơ để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt nhưng việc này là không hề dễ dàng.
Video: Tiềm ẩn TNGT từ các lối đi tự mở cắt ngang qua đường sắt ở Hà Tĩnh.
Xã Đức Lạng (huyện Đức Thọ) có 2 km đường sắt Bắc – Nam đi ngang địa bàn nhưng hiện có 5 lối đi tự mở ngang qua đường sắt, tập trung tại 2 thôn Minh Lạng và Tiến Lạng. Các lối đi tự mở ngang qua đường sắt này do người dân địa phương lập nên từ nhiều năm trước nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại và phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Để có thể dễ di chuyển qua đường sắt thì tại các lối đi tự mở, người dân còn lấy đất, đá, sỏi đổ vào đường ray, tiềm ẩn mối nguy cho tàu hỏa mỗi khi đi qua những điểm giao cắt.
“Toàn thôn có 40 ha đất sản xuất nông nghiệp ở dọc tuyến đường sắt. Dù biết là nguy hiểm nhưng khi di chuyển qua lối đi tự mở để ra đồng ruộng hoặc đi lại thì sẽ nhanh hơn, chứ nếu đi đường vòng thì sẽ mất nhiều thời gian và không thuận tiện” - ông Võ Văn Danh (thôn Tiến Lạng, xã Đức Lạng) cho hay.
Vì là tự mở nên hầu hết những lối mở ngang qua đường sắt đều khá nhỏ hẹp, nhiều vị trí còn bị khuất tầm nhìn, có độ dốc lớn dẫn tới mất an toàn giao thông (ATGT) đối với người và phương tiện ngang qua đường sắt.
Phó Chủ tịch UBND xã Đức Lạng Nguyễn Đình Chiến cho rằng, việc người dân tự mở các lối đi ngang đường sắt tiềm ẩn nguy cao xảy ra TNGT. Trong những năm qua, trên địa bàn đã xảy ra một số vụ tai nạn xuất phát từ lối đi tự mở ngang qua đường sắt gây thương vong về người và thiệt hại gia súc.
Theo tìm hiểu, tuyến đường sắt Bắc - Nam qua huyện Đức Thọ dài 17,2 km, hiện có 12 điểm đường dân sinh tự mở giao cắt với đường sắt tiềm ẩn nguy cơ TNGT tập trung tại các xã Hòa Lạc, Đức Đồng và Đức Lạng, Tùng Châu và Tân Dân.
Tại xã Hương Thủy (huyện Hương Khê) cũng có 5 lối đi tự mở ngang qua đường sắt ở thôn 1, 2, 3 và 4. Các lối tự mở nhỏ lẻ nằm trong khu vực dân cư, có nhiều người qua lại nhưng không có tín hiệu cảnh báo mỗi khi tàu đến. Đây là nguyên nhân dẫn tới các vụ TNGT đường sắt xảy ra trên địa bàn gây thiệt hại về tài sản, tính mạng của người dân.
“Một số lối đi tự mở nằm ngay tại khúc cua của đường ray, bị cây cối che khuất tầm nhìn nên nếu người dân thiếu chú ý quan sát, không để ý tàu thì rất dễ xảy ra tai nạn đáng tiếc”, ông Ngô Xuân Tân - Chủ tịch UBND xã Hương Thủy cho hay.
Hương Khê là huyện có tuyến đường sắt Bắc – Nam đi qua dài nhất tỉnh với chiều dài 40 km ở 12 xã, thị trấn. Đây cũng là địa phương có số lượng lối đi tự mở ngang qua đường sắt nhiều nhất với 58 lối.
Nguyên nhân là do nhu cầu đi ngang qua đường sắt của người dân sinh sống hai bên khá lớn, trong khi hầu hết các khu dân cư này chưa có các tuyến đường gom. Vì vậy, để thuận tiên trong đi lại, một số người dân tự ý mở đường để vận chuyển hàng hóa, đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của việc chạy tàu.
Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh, Hà Tĩnh có 70,27 km đường sắt Bắc – Nam đi qua địa bàn 3 huyện là Đức Thọ, Vũ Quang và Hương Khê. Tính tới thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 120 điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt, trong đó chỉ có 28 điểm hợp pháp (12 điểm có gác chắn, 16 điểm cảnh báo tự động), còn 92 điểm là lối đi tự mở (đường ngang dân sinh), không được cấp phép.
Xác định nguy cơ xảy ra TNGT tại các lối đi tự mở ngang qua đường sắt nên khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đảm bảo trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt thì UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã ban hành kế hoạch và yêu cầu các đơn vị, địa phương triển khai, đảm bảo tới năm 2025 là phải xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở ngang qua đường sắt.
Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Nguyễn Văn Tân cho hay: Thời gian qua, lực lượng chức năng và các cấp chính quyền 3 huyện Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Khê đã có nhiều nỗ lực trong xóa bỏ lối đi tự mở ngang qua đường sắt nhưng kết quả lại chưa được như kỳ vọng. Cụ thể, tính tới trước năm 2021, toàn tỉnh có tổng cộng 102 điểm giao cắt trái phép giữa đường bộ với đường sắt thì trong năm qua chỉ xóa bỏ được 10 điểm (Đức Thọ 3 điểm, Vũ Quang 4 điểm và Hương Khê 3 điểm) và hiện vẫn còn 92 điểm.
Nguyên nhân là do phần lớn các lối đi tự mở giao cắt với đường sắt được hình thành từ rất lâu, trong đó có nhiều tuyến đường độc đạo để đi lại hay ra đồng sản xuất nông nghiệp nên khi xóa bỏ các lối này sẽ gây bất tiện trong sản xuất của người dân nên việc tuyên truyền, vận động gặp khá nhiều khó khăn.
Ngoài ra, để xóa bỏ dứt điểm các lối đi tự mở trên địa bàn tỉnh cần phải xây dựng gần 30 km đường gom, 9 đường ngang, 8 hầm chui với nguồn kinh phí lên tới hàng trăm tỷ đồng nên để cân đối ngân sách là điều không hề dễ dàng, thậm chí là khó khả thi nếu không có sự hỗ trợ từ bộ, ngành Trung ương.
Để đảm bảo trật tự ATGT đường sắt, hạn chế tối đa TNGT đáng tiếc có thể xảy ra từ các lối đi tự mở ngang qua đường sắt, Ban ATGT tỉnh có các văn bản yêu cầu chính quyền các địa phương thường xuyên tuyên truyền cho người dân các quy định pháp luật về trật tự ATGT đường sắt, tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan có tuyến đường sắt chạy qua tiếp tục tổ chức kiểm tra dọc tuyến nhằm phát hiện, giải quyết kịp thời các sai phạm.