Vì sao chúng ta chưa thể sống chung với Covid-19?

Nhiều quốc gia lựa chọn sống chung với đại dịch để dần đưa các hoạt động trở lại bình thường. Tuy nhiên, điều đó sẽ là con dao hai lưỡi nếu chúng ta quyết định vội vàng.

"Đến khi nào và bằng cách nào dịch bệnh sẽ chấm dứt? Tin xấu là có thể Covid-19 không bao giờ biến mất. Nhưng tin tốt là chúng ta có thể chung sống với dịch bình thường”, giới chức Singapore tuyên bố điều này khi thông tin lộ trình sống chung với đại dịch hôm 24/6, theo Straits Times.

Người dân quốc đảo háo hức với nấc thang mới của cuộc sống khi coi Covid-19 như một phần cuộc sống hàng ngày. Họ vẫn có thể làm việc, du lịch mà không cần cách ly hay áp lệnh phong tỏa.

Tương tự, Israel cũng báo hiệu tương lai sống chung với đại dịch. Ông Eyal Leshem, Giám đốc phụ trách các bệnh nhiệt đới tại Trung tâm Y tế Sheba của Israel, cho hay thế giới có thể đang chứng kiến dấu hiệu về cuộc sống mà Covid-19 không bao giờ thực sự biến mất.

Theo Nikkei, với Israel hay những nước đạt tỷ lệ tiêm chủng cao nhưng vẫn ghi nhận ca nhiễm nCoV, nhiệm vụ khó khăn là điều chỉnh các biện pháp phòng ngừa sao cho hợp lý, cho phép cuộc sống trở lại bình thường, nền kinh tế và giáo dục tiếp tục hoạt động. Và ở viễn cảnh nào, bức tranh “bình thường mới” cũng đi kèm chiến lược vaccine Covid-19.

Con dao hai lưỡi

Khi Covid-19 chưa có dấu hiệu giảm nhiệt ở hầu hết quốc gia trên thế giới, hệ lụy lâu dài có thể xảy ra nhất đó là nCoV trở thành chủng virus xuất hiện ở mọi nơi, lưu hành trong dân số nhưng gây ra ít trường hợp bệnh nặng hơn.

Đây là viễn cảnh khi chúng ta lựa chọn sống chung với đại dịch. Covid-19 có thể trở thành bệnh nhẹ ở trẻ em, tương tự cúm mùa, cảm lạnh thông thường do 4 chủng virus corona khác, theo National Geographic.

Cùng quan điểm virus nCoV sẽ không biến mất, nhà dịch tễ học Roy Anderson, Đại học Imperial, London, Anh, cho rằng nhân loại cần nhận ra điều này và kiểm soát virus bằng y học hiện đại, vaccine.

Ông Paul Duprex, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Vaccine của Đại học Pittsburgh, Mỹ, nhận định quá trình “sống chung với lũ” không diễn ra trong một sớm một chiều. Quỹ đạo hậu đại dịch Covid-19 phụ thuộc vào 3 yếu tố chính: Con người duy trì khả năng miễn dịch với nCoV trong bao lâu; tốc độ phát triển của virus; mức độ miễn dịch của nhóm dân số già trong đại dịch.

 Sống chung với đại dịch là mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia nhằm đảm bảo phát triển kinh tế và cuộc sống cho người dân. Ảnh: Era Living.

Sống chung với đại dịch là mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia nhằm đảm bảo phát triển kinh tế và cuộc sống cho người dân. Ảnh: Era Living.

Chiến lược “sống chung với đại dịch” sẽ đi kèm rủi ro nếu hệ thống y tế các nước chưa chuẩn bị tốt. Điều nguy hại nhất đó chính là sức khỏe của người dân.

Hội chứng “hậu Covid-19” (post Covid-19 syndrome) vẫn là bí ẩn với giới khoa học. Bệnh không chỉ ảnh hưởng, gây tổn thương mô phổi, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra nguy hại của nó tới nhiều cơ quan, khả năng nhận thức của người mắc dù đã không còn virus trong người.

Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm (FDA) Mỹ ngày 25/6 phát đi cảnh báo vaccine Covid-19 của Pfizer/BioNTech và Moderna có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện triệu chứng viêm tim sau khi tiêm. Trong số 300 triệu liều vaccine sử dụng công nghệ mRNA của Pfizer và Moderna đã được tiêm, hơn 1.200 trường hợp viêm cơ tim và viêm ngoại tâm mạc được báo cáo tới cơ quan quản lý hiện tượng bất thường về vaccine của Mỹ VAERS.

Trong bài báo đăng trên MedRxiv giữa tháng 6, nghiên cứu mới của nhóm chuyên gia tại Đại học Oxford và Đại học Imperial London ở Anh cùng Viện Y tế Quốc gia Mỹ cho thấy Covid-19 khiến người bệnh bị teo chất xám.

Theo báo cáo của nhóm, chất xám bị teo nhỏ nằm ở một số vùng não ảnh hưởng vị giác, khứu giác. Đây cũng là cơ sở giúp các nhà khoa học hiểu hơn vì sao nhiều bệnh nhân bị mất mùi, vị trong thời gian dài sau đó. Họ cũng nhận thấy vì hiện tượng teo chất xám, một số trường hợp bị mất trí nhớ, khó tập trung hơn, hay còn gọi là “sương mù não”.

“Nó rất đáng lo vì cho thấy nCoV có thể ảnh hưởng trực tiếp đến một phần nhất định của não. Một lần nữa, thông tin này củng cố giả thuyết Covid-19 là bệnh gây ra các triệu chứng dai dẳng”, tiến sĩ Scott Gottlieb, Đại học Oxford, thành viên dự án, nói với CBS News. Ngoài ra, sau khi mắc Covid-19, một số người bị nhịp tim nhanh bất thường liên tục.

 Chiến lược chung sống với đại dịch có thể trở thành con dao hai lưỡi nếu chúng ta chưa lường hết nguy hại tiềm ẩn mà nó mang lại. Ảnh: AP.

Chiến lược chung sống với đại dịch có thể trở thành con dao hai lưỡi nếu chúng ta chưa lường hết nguy hại tiềm ẩn mà nó mang lại. Ảnh: AP.

Ngày 6/4, nhóm chuyên gia từ Đại học Oxford, Anh, công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí Lancet Psychiatry cho thấy 34% người sống sót hậu Covid-19 nhận được chẩn đoán về tình trạng thần kinh hoặc tâm lý trong vòng 6 tháng kể từ khi nhiễm bệnh.

Theo CNN, đây là nghiên cứu có quy mô lớn nhất về di chứng hậu Covid-19. Dự án thực hiện trên 236.000 bệnh nhân Covid-19, chủ yếu ở Mỹ. Nhóm tác giả so sánh hồ sơ của họ với những người bị nhiễm trùng đường hô hấp khác trong cùng thời gian.

Họ phát hiện triệu chứng phổ biến nhất là lo lắng, phát hiện trên 17% bệnh nhân, tiếp đến là rối loạn tâm trạng (14%). "Tỷ lệ đó tăng dần với những người bị Covid-19 nặng. Ở những bệnh nhân phải nhập viện điều trị, tỷ lệ người gặp di chứng thần kinh là 39%”, nhà nghiên cứu thần kinh Maxime Taquet, Đại học Oxford, đồng tác giả dự án cho biết.

Họ quan sát thấy những bệnh nhân Covid-19 có nguy cơ gặp vấn đề về thần kinh, tâm thần tăng 44% so với nhóm người mắc cúm. Con số này so với những người bị nhiễm trùng đường hô hấp khác tăng 16%. Tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 bị đột quỵ do thiếu máu não, cục máu đông ảnh hưởng não là 1/50.

Trước đó, các nghiên cứu quy mô nhỏ hơn cũng nhận thấy mối liên quan giữa Covid-19 và biến chứng, triệu chứng tâm lý. Tháng 2, nghiên cứu trên 381 người điều trị Covid-19 tại một bệnh viện tại Rome, Italy, phát hiện 30% trong số họ bị rối loạn căng thẳng hậu chấn thương.

Tháng 12/2020, nghiên cứu khác đăng trên tạp chí Neurology: Clinical Practice cho thấy Covid-19 có thể gây co giật và rối loạn vận động, ngay cả trong một số trường hợp mắc bệnh mức độ trung bình.

Về những triệu chứng khác liên quan đường hô hấp, cuối tháng 2, tiến sĩ Helen Y. Chu, Phòng Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm, Khoa Y, Đại học Washington, Mỹ, cùng cộng sự thực hiện nghiên cứu trên nhóm bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh trên 9 tháng.

Họ nhận thấy 30% trong số này vẫn tiếp tục gặp phải các triệu chứng bệnh dai dẳng. Trong số 177 bệnh nhân được theo dõi, 150 người (84,7%) chưa từng phải nhập viện vì Covid-19. Họ được xếp vào nhóm bệnh nhân nhẹ. 11 người (6,2%) không có triệu chứng. 23 trường hợp còn lại mắc bệnh lý nền là tăng huyết áp.

Sau khi được chẩn đoán mắc Covid-19, 36% bệnh nhân nhẹ bắt đầu khởi phát triệu chứng và nó kéo dài trong 2-3 tuần. Các triệu chứng phổ biến nhất là mệt mỏi (13,6%), mất vị giác - khứu giác (13,6%).

 Nhiều người vẫn gặp biến chứng hậu Covid-19, khiến cuộc sống và tính mạng của họ bị đảo lộn. Ảnh: AP.

Nhiều người vẫn gặp biến chứng hậu Covid-19, khiến cuộc sống và tính mạng của họ bị đảo lộn. Ảnh: AP.

Theo SCMP, đầu tháng 1, nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Cao Bin, Bệnh viện Hữu nghị Trung Quốc - Nhật Bản, ở Bắc Kinh, Trung Quốc, dẫn đầu đã phát hiện 76% người mắc Covid-19 ở Vũ Hán đều gặp phải những vấn đề lâu dài về sức khỏe. Sau 6 tháng xuất viện, họ vẫn có ít nhất một triệu chứng liên quan căn bệnh này.

Giáo sư, tiến sĩ Jay Piccirillo, chuyên gia tai mũi họng, Đại học Y khoa Washington, Mỹ, dự đoán trong năm tới, ít nhất thêm một triệu người tại Mỹ sẽ bị suy giảm khứu giác hoặc vị giác vì Covid-19.

Theo USA Today, các nghiên cứu do Thư viện Y khoa Quốc gia và tạp chí Journal of Internal Medicine Mỹ công bố cho thấy có tới 80% người nhiễm nCoV bị rối loạn chức năng khứu giác hoặc vị giác. Một số giảm khả năng ngửi hoặc nếm. Số khác mất hoàn toàn cảm giác mùi, vị. Không ít người khi nếm, ngửi mùi, vị nào đó thành thứ khác. Những trường hợp này ngày càng phổ biến.

Nếu chọn sống chung với đại dịch, mối nguy hiểm của hội chứng "hậu Covid-19" là vấn đề và câu hỏi cấp thiết mà mọi quốc gia phải trả lời. Bởi chúng ta chưa thể lường trước hệ lụy mà căn bệnh này mang lại. Chưa kể, nếu số ca mắc tiếp tục tăng, gánh nặng y tế là điều không thể tránh khỏi.

Chìa khóa

Thực tế, chung sống với đại dịch không có nghĩa chúng ta chấp nhận để virus lây nhiễm cho số lượng lớn người dân, dù họ bị bệnh nhẹ.

Muốn sống chung với lũ, chìa khóa cho các quốc gia đó là 4 yếu tố. Thứ nhất là hệ thống y tế đủ đáp ứng nếu tình huống số ca bệnh phải nhập viện tăng; phác đồ điều trị tích cực, hiệu quả.

Đến nay, chúng ta chưa có thuốc hay phương pháp cụ thể để điều trị Covid-19. Do đó, từng ca bệnh được điều trị theo phác đồ riêng. Nếu vội vàng muốn sống chung với đại dịch mà chưa chuẩn bị tốt điều này, nó sẽ trở thành gánh nặng với ngành y tế khi số ca mắc tăng lên, nhất là khi biến chủng mới còn nhiều bí ẩn.

Thứ hai, người dân tiêm vaccine đủ đạt miễn dịch cộng đồng. Vaccine có hiệu quả cao trong việc giảm nguy cơ lây nhiễm, biến chứng nghiêm trọng do Covid-19.

Tại Israel, quốc gia gần đạt miễn dịch cộng đồng, tỷ lệ lây nhiễm ở những người được tiêm vaccine thấp hơn 30 lần so với nhóm không tiêm. Tỷ lệ nhập viện của họ cũng giảm 10 lần.

Theo AP, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) Rochelle Walensky, khẳng định vaccine ngừa Covid-19 hiệu quả đến mức “gần như các trường hợp tử vong, đặc biệt là với người lớn tuổi, hoàn toàn có thể ngăn chặn được”.

 Vaccine được xem là chìa khóa nếu muốn chung sống với đại dịch. Ảnh: Freepik.

Vaccine được xem là chìa khóa nếu muốn chung sống với đại dịch. Ảnh: Freepik.

Thứ 3, quy định nghiêm ngặt theo dõi, phát hiện sớm và chặn đứng nguồn lây của virus, giảm ảnh hưởng đến các F xuống thấp nhất. Tại Singapore hay nhiều nước, việc xét nghiệm trở nên dễ dàng với các bộ test kháng nguyên, kháng thể nhanh, linh hoạt. Chỉ sau vài phút, người dân có thể tự biết kết quả sàng lọc và có những ứng biến phù hợp.

Thứ 4, ý thức xã hội của người dân trong việc tuân thủ các biện pháp phòng dịch. Điều này chúng ta đã chứng kiến trong làn sóng Covid-19 thứ 4 tại Việt Nam và các trận dịch ở nhiều quốc gia. Chỉ một người thiếu ý thức, công cuộc phòng dịch sẽ bị thiêu rụi. Việc chung sống với Covid-19 cũng vậy.

Theo Guardian, Giáo sư dịch tễ học David Heymann, Viện Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, nhấn mạnh nhân loại sẽ không học cách sống chung với đại dịch khi chưa thể chịu trách nhiệm về những rủi ro mà nó mang lại. Nói cách khác, chính phủ phải sẵn sàng mọi phương diện của hệ thống y tế, người dân phải tự đánh giá được rủi ro và nghiêm túc chấp hành các quy định như cách ly tại nhà, tiêm chủng vaccine.

"Chúng ta không chấp nhận ca tử vong khi chung sống với đại dịch. Chúng ta cần học cách đảm bảo bản thân không bị lây nhiễm hoặc lây nhiễm cho người khác", vị chuyên gia nói.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-chung-ta-chua-the-song-chung-voi-covid-19-post1231958.html