Vì sao chúng ta thường khắt khe nhất với chính bản thân mình?

Có lẽ dạng phán xét phổ biến và độc hại nhất chính là cái chúng ta dành cho bản thân mình. Chúng ta thậm chí không nói chuyện với kẻ thù không đội trời chung theo cách ta vẫn nói với bản thân.

Cuộc sống đứng về phía chúng ta

Những người theo trường phái Khắc kỷ - cũng như người theo Đạo giáo, các bậc thầy yoga và tâm linh như Eckhart Tolle - tin rằng cuộc sống đứng về phía chúng ta chứ không chống lại ta, và nếu ta chống lại nó, ta sẽ bỏ lỡ sự nhẹ nhõm và giàu có của cuộc sống. Thay vào đó, ta sẽ mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn của sự chống trả, tiêu cực, nặng nhọc, vật lộn, và đau khổ.

Marcus Aurelius đã nói:

Thấu hiểu thực sự có nghĩa là nhìn nhận những sự kiện diễn ra trong cuộc sống theo cách này: “Chúng xuất hiện vì lợi ích của ta, dù những lời đồn đoán cứ ra rả điều ngược lại”. Và mọi thứ đều sẽ đem lại lợi ích cho một người nếu người đó đón chào nó như thế này: Đây chính là thứ ta đang tìm kiếm. Thực chất tất cả mọi điều nảy sinh trong cuộc sống đều là nguyên liệu cần thiết thúc đẩy sự phát triển cho ta cũng như những người xung quanh.

Nói tóm lại, đây là một nghệ thuật - và thứ nghệ thuật được gọi là “cuộc sống” này là một công cuộc thích hợp với cả loài người lẫn những vị thần. Tất cả mọi điều đều hàm chứa một mục đích đặc biệt và phước lành ẩn giấu; vậy thì còn điều gì là lạ lùng hay gian khổ nếu mọi thứ trong đời đều đang ở đây chào đón ta như một người bạn già chung thủy?.

Những người Khắc kỷ, bằng sự thông thái bẩm sinh, đã nhận ra tầm quan trọng của việc kiểm soát cách chúng ta nhìn nhận thế giới. Chúng ta có thể lạc lối trong những phán xét của mình. Những người Khắc kỷ tìm kiếm những niềm tin xác thực và khách quan (sử dụng quyền năng lý trí) chứ không phải những phán xét không có giá trị.

 Cuộc sống không ngừng đấu tranh với sự phán xét bên ngoài lẫn bên trong chính mình. Ảnh: ADD Resource Center.

Cuộc sống không ngừng đấu tranh với sự phán xét bên ngoài lẫn bên trong chính mình. Ảnh: ADD Resource Center.

Chúng ta thường khắt khe nhất với chính bản thân mình

Có lẽ dạng phán xét phổ biến và độc hại nhất chính là cái chúng ta dành cho bản thân mình. Chúng ta thậm chí không nói chuyện với kẻ thù không đội trời chung theo cách ta vẫn nói với bản thân. Đây là một ví dụ: Tôi cảm thấy thật mệt mỏi vào buổi chiều. Lúc ấy là gần Giáng Sinh, và năm vừa rồi với tôi chẳng lấy gì làm tốt đẹp. Tôi có thể giải lao, ngủ một tiếng cho thư thái. Tôi đã làm thế - nhưng lại phán xét mình rất nhiều. Khi leo lên giường và đặt chuông báo thức để nó reng sau một tiếng nữa, tôi thầm nguyền rủa bản thân đã quá yếu đuối đến nỗi phải ngủ một lát.

Tôi tự dán nhãn mình là một kẻ lười biếng vì không thể bất chấp mệt mỏi mà làm việc tiếp giữa buổi chiều nóng nực; tôi nguyền rủa cơ thể và tâm trí mình vì đã khiến tôi thất vọng, vì đã đòi hỏi phải được nghỉ ngơi. Chỉ khi thức giấc và cảm thấy khỏe khoắn hơn thì tôi mới nhìn nhận được hết những phán xét tiêu cực tự giáng xuống bản thân chỉ vì một giấc ngủ ngắn vô hại dài một tiếng đồng hồ. Tôi nhận ra rằng mình cần phải để ý hơn cách mình trò chuyện với bản thân vì sự phán xét nội tâm đã leo thang tới mức độ cực kì khắt khe và vô cảm mà tôi không nhận ra.

Vậy thì làm thế nào chúng ta có thể học cách buông bỏ phán xét?

Nhận thức các phản ứng của bạn

Những phán xét và phản ứng của chúng ta có mối liên kết chặt chẽ. Chúng ta phán xét, sau đó phản ứng (hoặc có thể là ngược lại - chúng ta phản ứng rồi mới phán xét). Đôi khi những phản ứng của chúng ta hoàn toàn mang tính sinh lý: ta bị bỏng tay vì ngọn lửa, thế nên ta rụt tay lại thật nhanh khỏi bếp lò. Những phản ứng khác thì mang tính tâm lý và bắt nguồn từ sự phán xét.

Cách chúng ta phản ứng phụ thuộc vào việc ta coi một điều là tốt hay xấu.

Hãy nghĩ về những phản ứng của bạn với các sự việc xung quanh. Phần lớn các phản ứng là hoàn toàn vô thức, nhưng luôn đi theo một chu trình hành động, phản ứng, thu mình, và chúng ta thậm chí còn không nhận thức được nó. Bạn thực hiện hành động: ví dụ như khi bạn đang tranh cãi với chồng hoặc bạn cùng phòng về chuyện làm việc nhà. Chẳng ai chịu giúp tôi một tay! Lúc nào cũng mình tôi làm hết! Sau đó tới phản ứng: cuộc tranh cãi khiến bạn giận dữ. Rồi tới giai đoạn thu mình: bạn thu mình lại, nghiền ngẫm những gì mình cảm nhận thấy.

Chính vòng lặp vô thức thông thường của chúng ta là thứ cứ được lặp đi lặp lại khi ta gặp xung đột. Những người Khắc kỷ tin rằng các phản ứng hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta, vì thế chúng ta có đủ khả năng phá vỡ vòng lặp phản ứng xung đột vô thức kia.

Dù không thể thay đổi được cách mọi người đối xử với mình, bạn có thể thay đổi cách bạn phản ứng.

Brigid Delaney/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/vi-sao-chung-ta-thuong-khat-khe-nhat-voi-chinh-ban-than-minh-post1545892.html