Vì sao chuỗi Bách Hóa Xanh chưa vội 'Bắc tiến'?
Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã cổ phiếu MWG) cho biết hiện chưa có ý định mở rộng chuỗi Bách Hóa Xanh ra thị trường miền Bắc mặc dù đối thủ chính là WinMart+ đang đẩy mạnh mở rộng từ miền Bắc vào miền Trung và miền Nam.
Tại buổi họp nhà đầu tư mới đây của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã cổ phiếu MWG - sàn HoSE), ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT công ty cho biết, sự tăng trưởng trong 5 năm tới của Thế giới Di động sẽ phụ thuộc vào chuỗi Bách Hóa Xanh.
Chuỗi Bách Hóa Xanh được thành lập từ năm 2015 trong quá trình Thế giới Di động tìm kiếm động lực tăng trưởng mới khi thị trường bán lẻ thiết bị công nghệ, điện máy dần bước vào giai đoạn bão hòa.
Tính đến cuối tháng 12/2023, chuỗi bán lẻ này có tổng cộng 1.698 cửa hàng, tập trung chủ yếu tại TP.Hồ Chí Minh và các địa phương Nam Trung Bộ. Qua đó, trở thành chuỗi bán lẻ đứng thứ hai trên thị trường về số lượng cửa hàng minimart, chỉ đứng sau chuỗi WinMart+ với hơn 3.000 cửa hàng.
Sau quá trình tái cấu trúc kể từ cuối năm 2022, chuỗi Bách Hóa Xanh đã đạt mức hòa vốn ở cấp độ cửa hàng với mức doanh thu 1,8 tỷ đồng/tháng/cửa hàng và dự kiến sẽ sớm đạt mức hòa vốn ở cấp độ công ty, từ đó đem lại lợi nhuận cho Thế giới Di động kể từ năm nay.
Trong năm nay, Thế giới Di động đặt mục tiêu chuỗi Bách Hóa Xanh sẽ đóng góp khoảng 30% tổng doanh thu; gia tăng thị phần và tăng trưởng doanh thu khoảng 20%; và doanh thu trung bình mỗi cửa hàng đạt 2 tỷ đồng/tháng.
Chia sẻ thêm về định hướng phát triển chuỗi Bách Hóa Xanh thời gian tới, ông Nguyễn Đức Tài cho biết, chuỗi chưa có ý định mở rộng ra phía Bắc mặc dù các đối thủ, điển hình là WinMart+ đang đẩy mạnh hiện diện tại miền Trung và miền Nam.
Chủ tịch Thế giới Di động đánh giá, hiện chuỗi Bách hóa Xanh vẫn chưa chiếm quá nhiều thị phần, ở cả những địa phương mà chuỗi này đã có mặt lẫn những khu vực chưa mở rộng tới như miền Bắc, do đó cơ hội để mở rộng còn khá nhiều.
Bên cạnh đó, ban lãnh đạo Thế giới Di động cũng đánh giá thị trường miền Bắc có những đặc thù riêng về vùng miền, trong khi đó, công ty đang tập trung chuẩn bị các nguồn lực để có thể mở rộng một cách tốc độ mà vẫn đạt hiệu quả.
Trong thời gian tới, chuỗi Bách Hóa Xanh dự kiến sẽ chỉ tập trung mở rộng tại khu vực TP.Hồ Chí Minh do nhu cầu tiêu dùng tại đây vẫn “còn rất lớn”, trong khi nhiều vị trí vẫn chưa có sự xuất hiện của Bách hóa Xanh.
“Quận 7 và Quận 4 có mật độ dân cư rất cao nhưng số cửa hàng lại hạn chế. Do đó chúng tôi vẫn quyết định sẽ mở rộng chuỗi Bách hóa Xanh tại TP.Hồ Chí Minh”, ông Phạm Văn Trọng - Tổng Giám đốc Bách hóa Xanh cho biết.
Theo kế hoạch, chuỗi Bách Hóa Xanh dự kiến sẽ mở mới thêm 100 cửa hàng tại TP.Hồ Chí Minh trong thời gian tới, tập trung ở những nơi có mật độ dân số cao, người dân có khả năng chi tiêu cao.
Bên cạnh đó, chuỗi bán lẻ này sẽ tiếp tục đẩy mạnh nhóm các mặt hàng tươi sống, lên mức chiếm khoảng 40 - 50%, tổng doanh thu. Nhóm các mặt hàng tươi sống được xem là “chìa khóa” giúp Bách Hóa Xanh gia tăng số lượt khách hàng mua sắm.
Trong những tháng vừa qua, Bách Hóa Xanh đã mở rộng việc bán thực phẩm tươi sống có thương hiệu (thịt của C.P Food, hải sản của Navico) thay vì thực phẩm không có thương hiệu.
Đồng thời, các cửa hàng Bách Hóa Xanh thuộc khu vực thành thị đưa ra nhiều loại rau củ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân lao động trong giờ mua sắm buổi chiều. Trong khi đó, các cưa hàng ở khu vực nông thôn lại tăng cường giới thiệu các sản phẩm trái cây nhập khẩu mà các chợ truyền thống gần đó không có các sản phẩm tương tự.
Hiện nhiều tổ chức tài chính nhận định, chuỗi Bách Hóa Xanh có thể đem về cho Thế giới Di đông khoảng 300 - 400 tỷ đồng lời nhuận trong năm nay.
Trong một diễn biến liên quan, theo hãng tin Reuters, công ty CDH Investments (Trung Quốc) đang đàm phán mua từ 5% - 10% cổ phần của chuỗi Bách Hóa Xanh và thương vụ này có thể “được ký kết ngay trong tháng 3/2024 nếu các cuộc đàm phán diễn ra thành công”. Nếu đạt được thỏa thuận, định giá của chuỗi Bách Hóa Xanh có thể đạt mức 1,7 tỷ USD.