Vì sao chuyên gia nói nguyên nhân 8 bệnh nhân chạy thận ở Hòa Bình tử vong không phải như lâu nay?

TS Lê Thanh Hải nhận định 8 bệnh nhân tử vong do nhiễm đa chất đi theo con đường 3 van hỏng gây ô nhiễm nguồn nước chạy thận, không phải do ngộ độc Florua.

Trao đổi với PV Gia đình & Xã hội, TS Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết, sau phiên tòa sơ thẩm lần 2 (tháng 1/2019) vụ án tai biến chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (BVĐK) khiến 8 người tử vong, các chuyên gia đầu ngành của Bộ Y tế, một số luật sư đã cùng phân tích toàn bộ vụ việc.

TS Lê Thanh Hải - Viện trưởng Viện Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế)

TS Lê Thanh Hải - Viện trưởng Viện Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế)

Sau quá trình nghiên cứu, tiếp cận từ cáo trạng, bản án…. Viện Trang thiết bị và Công trình y tế đã vẽ lại sơ đồ hệ thống xử lý nước RO1 và RO2. Từ đó các nhà khoa học nhận định ba van K1, K2, K3 của hệ thống RO1 bị hỏng đồng thời trên cùng một con đường nối tắt (Bypass) là việc "vô cùng hi hữu".

Ông Hải cho biết, theo kết luận giám định của cơ quan điều tra, ba van nước của hệ thống RO1 bị hỏng. Tuy nhiên lại chưa làm rõ ảnh hưởng của ba van này đến toàn hệ thống.

Ông Hải phân tích, dù "hi hữu" nhưng có thể lý giải được. Đó là do sử dụng gần 10 năm, nhiều lần sục rửa, bảo trì bằng hóa chất trước đây đã làm cho quá trình hỏng 3 van diễn ra từ từ, gây rò rỉ nước sinh hoạt thành phố qua 2 cột lọc đầu của RO1 vào tank chứa nước thành phẩm RO2 dùng cho các máy thận.

BS Hoàng Công Lương có thể đã nhận thấy một số biểu hiện lâm sàng bất thường trên bệnh nhân trong quá trình chạy thận trước đây, từ đó đã yêu cầu bảo trì hệ thống nước.

"Tại BVĐK tỉnh Hòa Bình, hệ thống RO1 cấp nước cho rửa quả lọc, hệ thống RO2 cấp nước để chạy máy thận. Vì thế theo tư duy logic thì BS Lương yêu cầu bảo trì hệ thống RO2 là đúng, điều này thể hiện trực giác nghề nghiệp của BS Lương là rất tốt" – TS Hải nói. Tuy nhiên việc không ngờ là hư hỏng từ hệ thống RO1 đã gây ô nhiễm trực tiếp vào vòng tuần hoàn cho chạy thận nhân tạo.

Việc hệ thống RO1 hỏng 3 van nước đã nối thẳng nguồn nước ô nhiễm từ hệ thống lọc thô chưa qua màng lọc RO vào tank RO2 cho máy chạy thận nhân tạo.

Như vậy, có thể hiểu, theo nghiên cứu, đánh giá phân tích của các nhà khoa học, bệnh nhân tử vong do nhiễm đa chất gồm javen, các chất bong trôi trong 3 cột lọc đầu của RO1, đi theo con đường 3 van hỏng gây ô nhiễm nguồn nước chạy thận. Còn nguyên nhân của việc ô nhiễm là do hỏng máy.

"Đây chính là nguyên nhân khiến 8 bệnh nhân tử vong chứ không thể là tồn dư HF như trong kết luận điều tra" – Viện trưởng Lê Thanh Hải khẳng định. Theo ông Hải, tình tiết hoàn toàn mới, chưa có trong kết luận điều tra.

Ba bị cáo trong vụ án: Hoàng Công Lương (bìa trái), Trần Văn Sơn và Bùi Mạnh Quốc.

Ba bị cáo trong vụ án: Hoàng Công Lương (bìa trái), Trần Văn Sơn và Bùi Mạnh Quốc.

Ông Hải nhận định rằng, cơ quan điều tra đã phá dỡ toàn bộ hệ thống RO1 và RO2 khi chưa thực nghiệm hiện trường nên làm mất đi vật chứng quan trọng của vụ án. Ông đề nghị cơ quan điều tra phục dựng toàn bộ hiện trường và thực nghiệm điều tra dưới sự chứng kiến của các nhà khoa học trong y tế để tìm ra nguyên nhân khách quan.

Theo kết luận điều tra, Bùi Mạnh Quốc tự ý sử dụng hóa chất HF, HCL để sục rửa màng lọc dẫn đến tồn dư một lượng hóa chất lớn gấp nhiều lần mức cho phép, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Theo phân tích của TS Hải, có hai căn cứ chứng minh không còn tồn dư HF trong tank RO2:

Thứ nhất, Bùi Mạnh Quốc dùng axit HF và HCl để vệ sinh cột Inox chứa màng lọc, các đầu bịt cột lọc RO2, sau đó dùng bơm cao áp để đẩy sạch 2 loại hóa chất này ra đường thải nên không thể làm tồn dư hóa chất.

Thứ hai, Bùi Mạnh Quốc khai đã xả đáy bồn RO2 (đồng nghĩa tank RO2 không còn nước) nên việc kết luận tồn dư hóa chất và con đường ô nhiễm như trong kết luận điều tra và cáo trạng là không phù hợp, trái với thực tiễn và không không có cơ sở khoa học.

Thêm nữa, Quốc dùng hỗn hợp HCl và HF để vệ sinh 2 màng lọc nhưng kết luận điều tra và cáo trạng chỉ kết luận tồn dư HF. Vậy HCl đi đâu?

Về độc học, với liều tồn dư F- lớn gấp 245 – 287 tiêu chuẩn cho phép, các bệnh nhân sẽ bị ngộ độc Florua cấp tính và phải có triệu chứng điển hình là rung thất (có thể hiểu là tim không co bóp đẩy máu tưới toàn thân mà chỉ lờ đờ), bệnh nhân mất tuần hoàn và tử vong rất nhanh chứ không thể tới 1h20’ sau khi chạy máy lọc thận. Tuy nhiên, không thấy bất kỳ bệnh nhân nào được ghi có biểu hiện rung thất – triệu chứng điển hình của ngộ độc Florua cấp tính.

Trước đó, trong phiên xử phúc thẩm sáng 13/6, HĐXX đã mời Bộ Y tế đến phiên tòa để làm rõ quan điểm của Bộ Y tế trong công văn số 41 đã gửi tới Thủ tướng Chính phủ ngày 6/3 về việc báo cáo phát hiện tình tiết mới mang tính khoa học liên quan đến nguyên nhân tử vong trong vụ án chạy thận nhân tạo tại BVĐK tỉnh Hòa Bình.

Đại diện Bộ Y tế, TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, một số luận cứ còn có uẩn khúc cần làm sáng tỏ trong vụ án này. Đơn cử, có phải nguyên nhân khiến 8 bệnh nhân tử vong đều do ngộ độc Florua?

"Với lượng tồn dư HF cao thì không chỉ có 8 bệnh nhân tử vong mà chắc chắn cả 18 bệnh nhân đều phải tử vong" - ông Quang nói.

Vì vậy Bộ Y tế đề nghị điều tra lại hoặc điều tra bổ sung thông qua các biện pháp để có đủ chứng cứ chứng minh khách quan, khoa học về nguyên nhân chính xác dẫn đến tử vong của bệnh nhân.

Tại phiên tòa này, bị cáo Hoàng Công Lương bị tuyên 30 tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày áp dụng hình phạt (trừ 14 ngày đã áp dụng).

Võ Thu

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/phap-luat/vi-sao-chuyen-gia-noi-nguyen-nhan-8-benh-nhan-chay-than-o-hoa-binh-tu-vong-khong-phai-nhu-lau-nay-20190802185921621.htm