Vì sao chuyển tiền từ 500 triệu đồng trở lên phải báo cáo?

Cá nhân giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước từ 500 triệu đồng trở lên phải cung cấp thông tin cá nhân theo quy định mới nhằm phòng chống rửa tiền.

Từ ngày 28/7/2023, giao dịch chuyển tiền điện tư từ 500 triệu đồng phải báo cáo.

Từ ngày 28/7/2023, giao dịch chuyển tiền điện tư từ 500 triệu đồng phải báo cáo.

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 09/2023/TT-NHNN hướng dẫn một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền.

Trong đó quy định, khi giao dịch chuyển tiền điện tử từ 500 triệu đồng trở lên, các tổ chức thuộc đối tượng báo cáo thực hiện báo cáo Cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền các thông tin cá nhân tham gia giao dịch chuyển tiền điện tử.

Các thông tin này bao gồm cả họ và tên, ngày, tháng, năm sinh; số CMND hoặc số CCCD hoặc số định danh cá nhân hoặc số hộ chiếu; số thị thực nhập cảnh (nếu có); địa chỉ đăng ký thường trú hoặc nơi ở hiện tại khác (nếu có) và quốc tịch.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc xây dựng quy định hướng dẫn chi tiết mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo theo quy định sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống rửa tiền; phù hợp với các yêu cầu, chuẩn mực quốc tế về phòng chống rửa tiền mà Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện; nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm rửa tiền và công tác phòng chống tội phạm.

Thông tư số 09/2023/TT-NHNN cũng quy định rõ trường hợp cá nhân có giao dịch trên 500 triệu đồng nhưng không phải báo cáo với cơ quan nhà nước là: Người thụ hưởng trong giao dịch chuyển tiền điện từ quốc tế từ Việt Nam ra nước ngoài; Người khởi tạo trong giao dịch chuyển tiền điện tử quốc tế từ nước ngoài về Việt Nam.

Ngoài ra, các giao dịch chuyển tiền điện tử sau đây không cần phải báo cáo với cơ quan nhà nước: Giao dịch chuyển tiền bắt nguồn từ giao dịch sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng hoặc thẻ trả trước để thanh toán tiền hàng hóa dịch vụ; Giao dịch chuyển tiền và thanh toán giữa các tổ chức tài chính mà người khởi tạo và người thụ hưởng đều là các tổ chức tài chính.

Nghiệp vụ phòng chống rửa tiền được nhiều nước trên thế giới đặt ra từ hàng chục năm nay và nhiều tổ chức thậm chí có hiệp ước để cùng phối hợp. Hành lang pháp lý về phòng, chống rửa tiền ở Mỹ được quy định các tổ chức tài chính phải báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền và phải lưu giữ tất cả các chứng từ liên quan đến giao dịch trên 10.000 USD. Riêng đối với các cơ quan chức năng được quyền hạ thấp mức chuẩn 10.000 USD trong các cuộc điều tra nếu thấy cần thiết.

Tuấn Thủy

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/vi-sao-chuyen-tien-tu-500-trieu-dong-tro-len-phai-bao-cao.html?source=cat-87