Vì sao có cá lóc nướng trên mâm lễ cúng Thần Tài?
Ở các địa phương khu vực phía Nam, trên mâm lễ cúng ngày vía Thần Tài thường có thêm con cá lóc nướng.
Đầu giờ chiều 19/2 (mùng 10 tháng Giêng), chị Ngân, chủ quán chuyên bán cá lóc nướng tại phường An Cư, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ vẫn còn bận rộn gói cá lóc nướng cho khách.
“Ngày thường, mỗi bữa bán chừng 100 con đổ lại. Hôm nay ngày vía Thần Tài nên số lượng cá bán ra cao gấp gần mười lần. Giá cũng cao hơn chút ít, ngày thường 160.000 đồng/kg, hôm nay tăng thêm 10.000 đồng/kg”, chị Ngân nói.
Chị Ngân, cũng như nhiều chủ quán bán cá lóc nướng ở TP. Cần Thơ đều không rõ tại sao người ta mua cá lóc nướng bày trên mâm lễ cúng ngày vía Thần Tài. Chỉ biết chắc rằng những người làm nghề kinh doanh, buôn bán mới mua cá về cúng.
Tuy nhiên, không phải ai thờ Thần Tài cũng đều cúng cá lóc nướng. Ông Nguyễn Văn Đời, chủ cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng ở phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ cho biết: “Năm nào vào ngày này tôi cũng cúng Thần Tài, mâm lễ vẫn bày đủ hoa, quả, bánh, vàng mã, bộ tam sên (thịt heo, tôm, trứng) nhưng không có cá lóc nướng vì thấy cũng… không cần thiết”.
Ông Đỗ Khén, Phó Ban quản trị Hiệp Thiên Cung – chùa Ông (quận Cái Răng, TP. Cần Thơ) chia sẻ: “Theo tôi biết trong cộng đồng người Hoa, hầu như không ai cúng cá lóc nướng trong ngày vía Thần Tài cả. Trên mâm lễ cúng Thần Tài của người Hoa thường có thịt heo quay, bánh bao, bộ tam sên… cá lóc nướng có khả năng là sự bổ sung, tiếp biến trong văn hóa tín ngưỡng”.
Ông Cao Long (TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng), chuyên gia nghiên cứu văn hóa Nam Bộ cho rằng tín ngưỡng thờ cúng Thần Tài khi du nhập vào Nam Bộ cũng được các “lưu dân” vận dụng cho phù hợp với thực tiễn. Ở Nam Bộ, con cá lóc là hình ảnh gần gũi nhất, là sản vật phổ biến và rất có giá trị (về dinh dưỡng và biểu tượng của sức sống) mà thiên nhiên ban tặng nên dâng cúng thần linh là phù hợp.