Vì sao có những giáo viên lại thích thi học sinh giỏi?
Đã có những học sinh đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi nhưng thi đại học lại rớt, đã có những em phải từ bỏ ước mơ chỉ vì không thể đỗ vào trường đại học
Dịch Covid-19 khiến học sinh phải nghỉ học dài ngày, nhiều tỉnh thành trong cả nước đã buộc phải hoãn kỳ thi học sinh giỏi hàng năm.
Phải nói rằng, trước thông tin tỉnh bỏ thi học sinh giỏi năm nay, nhiều thầy cô đã rất vui mừng. Có giáo viên nói, thời gian còn ít để toàn tâm dạy và ôn tập cho các em.
Thế nhưng, bên cạnh sự mừng vui ấy vẫn còn một bộ phận giáo viên cảm thấy thất vọng vì bao công sức của mình bỏ ra bấy nay bỗng trở thành công cốc.
Vì sao một số thầy cô giáo lại buồn khi tỉnh không tổ chức kỳ thi? Vì học sinh hay chỉ vì chính mình?
Bao công sức tìm tòi, phát hiện và chăm bẵm bỗng trở thành công cốc
Thầy giáo T. giáo viên dạy toán tại một trường trung học cơ sở, người có tiếng mát tay khi năm nào cũng ẵm giải học sinh giỏi toán cấp tỉnh.
Thầy T. cho biết, chẳng dễ dàng để có giải vì ngoài năng lực của người thầy còn có công tìm tòi, phát hiện nhân tố mới và phải dồn sức đầu tư.
Tôi thà chịu trách phạt, chứ không muốn hủy hoại tương lai học trò
Năm nay, thầy dạy đội tuyển toán lớp 9 và đã tổ chức ôn luyện từ đầu năm. Thầy T. tỏ ra vô cùng buồn bã vì thầy đã có trong tay 2 “chiến binh” xuất sắc chắc chắn sẽ ẵm giải cao trong kỳ thi năm nay.
Vậy mà, đùng một cái, tỉnh nhà bỗng hủy thi do thời gian học sinh nghỉ học vì Covid-19 quá dài.
Có người nói rằng, không thi năm học này thì thi năm học khác có gì để rầu rĩ?
Thầy T. nói những “chiến binh” thầy dày công chăm sóc, nuôi dưỡng đã học lớp 9 nên sang năm các em sẽ lên cấp 3 thì làm sao còn cơ hội để đi giật giải?
Học trò giật giải thưởng, nhiều cơ hội mở ra cho người thầy
Học trò thi có giải thì đương nhiên thầy cô sẽ vui nhưng vui vì trò thì ít mà vui cho chính mình rất nhiều.
Bởi, chỉ cần học sinh đạt giải thưởng (càng cao càng tốt) thì ngoài việc giáo viên được nhà trường khen thưởng, ưu tiên trong việc đánh giá xếp loại công chức cuối năm, điều thu về lớn nhất chính là danh tiếng với nhà trường, với học sinh và phụ huynh .
Danh tiếng sẽ đi kèm với công danh và tiền bạc, nhà trường sẽ xếp thầy dạy lớp chọn, ôn đội tuyển.
Một điểm bằng một chỉ vàng đấy!
Sẽ có người khen thầy giỏi, mát tay, có duyên với giải thưởng, sẽ có nhiều người tìm đến xin học, xin được thầy ôn luyện…
Nhờ đó, nghề tay trái (thu nhập từ dạy thêm) sẽ là nguồn thu chính của những giáo viên này.
Học trò sẽ mất nhiều
Đạt giải thưởng trong kỳ thi học sinh giỏi các cấp thì lẽ ra học sinh phải được nhiều, vậy cớ sao nói rằng sẽ mất?
Học sinh mất quá nhiều thời gian để “cày” chữ dẫn đến tình trạng ăn-học; ngủ-học đến bơ phờ và đánh mất cả tuổi thơ.
Những cô cậu “gà nòi” sẽ học lệch (đôi khi quá lệch) khi thầy cô chỉ cố gắng ôn luyện môn các em sẽ đi thi mà bỏ qua nhiều môn học khác.
Với những học sinh thi học sinh giỏi môn giáo dục công dân, địa lý, lịch sử do phải dành thời gian ôn luyện môn thi mà phải bỏ qua (hoặc học quá sơ sài) những môn học như văn, ngoại ngữ, toán, lý, hóa…sẽ là một sai lầm vô cùng lớn.
Đã có những học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi nhưng thi đại học lại rớt. Đã có những em phải từ bỏ ước mơ chỉ vì không thể đỗ vào trường đại học mình hằng mơ ước.
Vì những lẽ đó, ngày càng nhiều phụ huynh không còn mặn mà tới việc cho con vào đội tuyển để thi học sinh giỏi nữa.