Vì sao có những thầy, cô vô tư làm tổn thương học trò?
Không muốn ai làm tổn thương tới bản thân mình, vậy sao một số thầy cô lại tự cho mình cái quyền làm tổn thương người khác?
Thông tin nghi ngờ nữ sinh N.T.N.Y (lớp 10 Trường trung học phổ thông Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) tự tử vì phải hứng chịu nhiều áp lực tại trường đang gây sự chú ý của dư luận những ngày qua.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Lưu Thị Biên - Nhóm trưởng nhóm Giáo dục công dân Kỹ năng sống, Trường trung học cơ sở, trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm, Hà Nội, đã cho biết: “Tôi đã tìm hiểu về sự việc này và nhận thấy nữ sinh N.T.N.Y có hành động như vậy là do bức xúc xuất phát từ nhiều phía. Việc dồn nén bức xúc tâm lý như vậy không phải là kết quả của ngày một ngày hai.
Mỗi sự việc xảy ra tại trường, học trò luôn luôn tìm kiếm sự hỗ trợ, giúp đỡ của người lớn, đặc biệt là các thầy cô giáo. Và theo kinh nghiệm của tôi thì khi tiếp nhận những chia sẻ của học trò thì phải đặt địa vị mình vào vị trí của các em để tìm hiểu vấn đề.
Với trường hợp của nữ sinh Y., qua các phương tiện truyền thông tôi được biết em có chia sẻ với thầy cô nhưng không nhận được sự hỗ trợ, vì thế việc em đó sử dụng điện thoại để ghi âm lại lời thầy cô nói với mình như một cách để tự bảo vệ bản thân. Người ta chỉ làm việc đó khi thực sự chưa cảm nhận được sự tin tưởng ở người khác.
Đôi khi trẻ con về nhà nói chuyện thì chưa chắc bố mẹ đã tin mà họ chỉ tin lời thầy cô nói, vậy nên nếu không có ghi âm thì mình nói chắc gì bố mẹ đã tin và bạn đó sẽ không có gì để chứng minh lời mình nói là đúng”.
Theo cô Biên: “Việc học trò phải tìm kiếm một cái gì đó để tự bảo vệ mình trước thầy cô và nhà trường thì thầy cô cũng cần phải xem lại. Em Y. thực sự chưa nhận được sự giúp đỡ từ phía thầy cô khi ở trường. Việc em Y. vào nhà vệ sinh của trường rồi uống thuốc, tôi hiểu lúc đó em đang bị dồn nén rất nhiều, nghĩ mình có thể sử dụng thuốc chữa hen có sẵn (em bị hen phế quản) để uống thật nhiều và nếu mình có bị làm sao thì các thầy cô chắc chắn sẽ phải hối hận.
Đây là kết quả của sự dồn nén tâm lý tích tụ lâu ngày dẫn đến cách làm bột phát. Còn theo suy đoán của tôi nếu em Y. có sự chuẩn bị trước, lên kế hoạch thì có lẽ bạn đó đã không “may mắn” để được cứu như vậy.
Con trẻ có thể đôi lúc làm sai, nhưng nguyên tắc trong giáo dục là khi nhắc nhở hay phê bình học trò thì giáo viên phải tìm cách nào đó, phải đứng ở cương vị các em để thấu hiểu, để định hướng giúp các em trở lại trạng thái cân bằng, hướng tới những điều tốt đẹp.
Nếu giáo viên chủ nhiệm gặp riêng em Y. để lắng nghe và thực sự chia sẻ với cảm xúc của em thì có lẽ mọi chuyện đã khác, nhưng thật tiếc là nữ sinh lại bị nêu tên trước toàn trường. Tôi nghĩ hành động bêu diếu học trò là phản giáo dục, nhất là ở cương vị thầy cô giáo.
Nữ sinh Y. không còn chỗ nào để bấu víu, không còn lòng tin, điểm tựa nào, em hoàn toàn chông chênh.
Sự việc cũng là một bài học đắt giá để các thầy cô nói chung và các giáo viên ở Trường trung học phổ thông Vĩnh Xương nói riêng có cách nhìn nhận, đánh giá, lường trước mọi khả năng trước khi muốn làm điều gì”.
Đừng để con trẻ chịu bị áp lực khi đến trường
Cô Biên nhận định, mỗi đứa trẻ đến trường học tập cần được hưởng những niềm vui, niềm hạnh phúc. Khi các em vui vẻ, học tập sẽ đạt kết quả tốt hơn, sự kết nối giữa các thành viên trong lớp tốt hơn, sự kết nối của học sinh toàn trường chặt chẽ hơn.
"Trường hợp của em Y. là đã rơi vào trạng thái sợ phải đến trường và rất tiếc là nỗi sợ hãi đó lại đến từ chính những giáo viên hàng ngày dạy em. Áp lực, khổ sở mệt mỏi bởi thầy cô như vậy, bạn bè có thể không dám an ủi vì cũng rất sợ thầy cô, vậy nên em không còn niềm tin ở chính nơi mà đáng lẽ ra em tìm được những gì đẹp nhất của tuổi học trò.
Với góc độ là một giáo viên chủ nhiệm, tôi luôn luôn nói với các học trò của mình rằng: Cô ở đây là để giúp đỡ các con, sẽ là cầu nối các con với những thầy cô khác, với bạn bè và tất cả mọi vấn đề ở trường.
Hãy nhớ rằng cô chính là người bạn, người chị, người mẹ và cũng là người đồng hành cùng các con. Khi mà mình nói như vậy thì mình phải làm được, việc đầu tiên là phải cho con trẻ có niềm tin vào mình.
Khi giải quyết mọi việc thì cũng có lúc tôi gặp khó giữa chỉ đạo của cấp trên, với suy nghĩ của một người mẹ, tâm tư của một người bạn…và làm thế nào để định hướng cho con trẻ thì lúc này mình phải suy nghĩ thấu đáo.
Giáo viên luôn phải đặt địa vị của mình vào học sinh, ở lứa tuổi ấy và có như vậy mới hiểu được các con cần gì, muốn gì để từ đó có hướng giải quyết thích hợp.
Nếu ở lứa tuổi đấy mình sẽ có suy nghĩ gì, sẽ hành động ra sao? Như vậy mới hiểu được là mình cũng sẽ hành động giống như các con mà thôi, không thể khác được. Mình không thể áp đặt tuổi và suy nghĩ của một người trưởng thành vào một học sinh mới 16 tuổi.
Ở trường hợp cụ thể này nếu giáo viên chủ nhiệm hiểu được rằng em N.T.N.Y không muốn học thêm không phải vì con không muốn học, mà vì sức khỏe của em không đảm bảo, em bị bệnh hen phế quản, tay phải bị gãy đang nẹp inox cố định và thường xuyên bị cơn đau nhức.
Với một học sinh có sức khỏe như vậy thì theo tôi tiêu chí lớn nhất của gia đình em trong lúc này là sức khỏe của em, niềm vui của con chính là niềm hạnh phúc của bố mẹ, trong lúc này kiến thức không phải là thứ quyết định.
Các giáo viên của trường đó cũng là những ông bố bà mẹ thì tại sao lại không hiểu điều đó, hay chỉ vì “định mức” của ban giám hiệu đã đề ra là phải bắt học sinh đi học thêm ngoài chính khóa?
Với sức khỏe như vậy, con có thể không giỏi như những bạn khác nhưng với con chỉ cần đảm bảo được tất cả những yêu cầu ở trên lớp, hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, có niềm vui với bạn bè, với thầy cô khi đến trường. Như vậy là quá đủ.
Mỗi đứa trẻ có khả năng khác nhau nên giáo viên không thể áp đặt em phải thế này, em phải như bạn kia được, người lớn chúng ta còn khó đạt như vậy huống chi đây là đứa trẻ mới 16 tuổi có sức khỏe yếu”.
Cô Biên chia sẻ thêm: “Bố mẹ phải chuẩn bị tâm thế với từng lứa tuổi của các con, không nên nghĩ là bố mẹ thì nói sao cũng được. Phải làm bạn cùng con, luôn tạo cho đứa trẻ một sự tin tưởng để nó có thể chia sẻ mọi thứ.
Chúng ta đừng vội phán xét điều gì khi con trẻ chia sẻ mọi chuyện. Bố mẹ nên hỏi hôm nay ở trường con có chuyện gì vui không chứ không phải là hôm nay con được mấy điểm. Như vậy con trẻ thấy rằng bố mẹ sẵn sàng chia sẻ, làm bạn với nó.
Nghe đứa trẻ kể chuyện, mặc dù biết rõ là con mình sai nhưng nếu bố mẹ phản ứng ngay thì chắc chắn từ lần sau không bao giờ đứa trẻ đó chia sẻ nữa, nó mặc định trong đầu rằng những chuyện như thế này lần sau mình kể ra chắc chắn sẽ bị mắng. Như vậy sẽ không bao giờ biết được con mình gặp phải chuyện gì để có thể giúp định hướng cho con.
Niềm vui lớn nhất của mỗi gia đình là thấy con cái khỏe mạnh, đi học đầy đủ và tìm được niềm vui khi đến trường. Nếu được như vậy thì các em luôn tìm thấy chỗ dựa từ gia đình và cũng không dẫn đến sự việc đáng tiếc".
Đi học là niềm vui, đừng ép buộc trẻ phải chạy theo thành tích của người lớn
Cô Biên nói: “Trong một lớp không thể nào có chuyện các con học đều nhau được, đó là điều chắc chắn. Bản thân học sinh có sự phân hóa, có khả năng khác nhau. Kết quả học tập chưa phải là yếu tố quyết định toàn bộ thành công của đứa trẻ sau này. Tôi vẫn luôn nói với học trò của mình rằng con phải cố gắng với tất cả năng lực mình có. Cô thấy khả năng của con rất tốt mà con không nỗ lực, không chịu khó, con đang lãng phí thì lúc đó cô sẽ phải tìm cách giúp con.
Phải cho các con được niềm đam mê, thấy được sự cần thiết của việc học, lứa tuổi này thì việc quan trọng nhất là học, khi các con nhận thấy điều đó giáo viên không cần nói các con vẫn say mê học tập.
Hơn nữa hiện nay có rất nhiều kênh tiếp nhận kiến thức bên ngoài sách giáo khoa, sách mới chỉ đạt kiến thức cơ bản, nền tảng mà thôi. Điểm số không phải là cái quyết định cuối cùng mà hành trình để các con đạt được điểm số đó mới quan trọng và ý nghĩa.
Vậy nên không nhất thiết phải “ép buộc” các con đi học thêm, việc ép này là sai với quy định của ngành. Thầy cô thấy sai mà còn cố làm như vậy thì sao có thể đi trách con trẻ được.
Nếu không vì áp lực thành tích thì thầy cô không áp lực với việc ép học sinh đi học thêm như vậy, từ đó kéo theo nhiều hệ lụy xấu xảy ra mà việc như vậy theo tôi thường xảy ra ở một số trường công lập.
Nữ sinh lớp 10 tự tử sẽ khiến nhiều người day dứt suốt cuộc đời
Định hướng trường tư thục khác hẳn, họ định hướng phát triển năng lực của học sinh, tôn trọng sự khác biệt chứ không hẳn là chỉ phát triển về mặt kiến thức.
Phải tìm cách khích lệ trẻ học tập, chứ không phải chỉ nhăm nhăm ép các con học thêm nhưng mục đích là vì kinh tế. Như vậy là không có tính nhân văn, đó là phản giáo dục”.
Cô Biên nhấn mạnh: “Người giáo viên khi làm bất cứ việc gì nên phân tích thật kỹ, nếu cần thiết phải trao đổi với phụ huynh thì cũng trên tinh thần xây dựng.
Mình phối hợp với phụ huynh để tìm cách giúp con họ, để đưa ra những phương hướng tích cực, chứ không phải là triệt tiêu con trẻ, để kể tội con.
Giáo dục là phân tích để học sinh hiểu hành vi đó có phù hợp hay không, và con nên làm thế nào? Phải chỉ cho các con hướng giải quyết tích cực chứ không nên chì chiết việc con đang làm.
Nguyên tắc là đồng hành, giáo viên không được phép dùng biện pháp nào gây tổn thương đến danh dự, nhân phẩm, lòng tự trọng như bêu tên con trước toàn trường, lên mạng xã hội bình phẩm, nhận xét về học sinh của mình…hay bất kể đó là ai đi nữa.
Mình không muốn người khác hay bất cứ ai làm tổn thương bản thân mình, con mình, thì tại sao một số thầy cô giáo lại tự cho phép mình làm tổn thương học sinh như vậy?
Mình không muốn người khác động đến mình, đến con mình thì người khác cũng như vậy thôi. Đó là nguyên tắc!”.
Xác minh giáo viên chủ nhiệm đưa thông tin trên mạng xã hội
Tờ Tiền Phong đưa tin, một tài khoản được cho là của cô H. (giáo viên chủ nhiệm của em Y.) đăng những dòng status trên mạng xã hội với nội dung mỉa mai: "Có một loài chim đã tìm cái chết rất vinh… để vu oan… trong một môi trường rất cao quý, chim chọn một nơi rất thanh sạch à nghen... Xin hãy trả lại sự thanh sạch cho cái chết của con chim hay sự thanh tao trong ca dao của con cò. Mong các bạn giải bài toán đố này nhé!".
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang giao lãnh đạo Trường THPT Vĩnh Xương chỉ đạo xác minh, làm rõ hành vi của bà H.T.T.H (giáo viên chủ nhiệm lớp 10A4) đăng thông tin trên mạng xã hội sau khi vụ việc của em Y. xảy ra để có hình thức xử lý phù hợp.