Vì sao có phụ nữ nước ngoài trình báo chúng ta mới để ý việc quấy rối?

Các chuyên gia nói vấn đề phụ nữ nước ngoài bị sàm sỡ ở hồ Tây cần được đặt trong bối cảnh chung là nạn quấy rối tình dục nơi công cộng xảy ra phổ biến đối với phụ nữ ở Việt Nam.

Dù các hành vi tấn công tình dục trên đường phố xảy ra với phụ nữ nước ngoài ở khu vực Quảng An (quận Tây Hồ, Hà Nội) đặc biệt gây phẫn nộ trong dư luận, việc này đã xảy ra nhiều năm nay và nạn nhân không chỉ là người nước ngoài.

“Quấy rối tình dục xảy ra rất nhiều, nhưng phụ nữ Việt Nam thường không lên tiếng, hoặc nếu lên tiếng thường không được chú ý một cách xứng đáng”, Lê Thị Lan Phương, cán bộ chương trình chấm dứt bạo lực với phụ nữ ở UN Women, cơ quan của Liên Hợp Quốc hoạt động về bình đẳng giới, nói với Zing.

 Hình ảnh hai nghi phạm vừa sàm sỡ phụ nữ nước ngoài, do một nạn nhân chụp được. (Tài xế mặc áo xanh lá cây không liên quan.) Ảnh: Gemma Sheppard.

Hình ảnh hai nghi phạm vừa sàm sỡ phụ nữ nước ngoài, do một nạn nhân chụp được. (Tài xế mặc áo xanh lá cây không liên quan.) Ảnh: Gemma Sheppard.

Đa phần nạn nhân giữ im lặng

Khảo sát năm 2014 của ActionAid cho thấy 87% trong số hơn 2.000 phụ nữ ở Hà Nội và TP.HCM được hỏi cho biết từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng. 57% phụ nữ cho biết họ bị quấy rối ngay trên đường phố.

Trong số đó, 67% phụ nữ và trẻ em gái không hành động gì khi bị quấy rối tình dục. Chỉ 1,9% phụ nữ nói sẽ trình báo cảnh sát, số còn lại tin rằng làm vậy không đạt kết quả gì.

Tâm lý chung của các nạn nhân bị quấy rối tình dục là cảm giác lo sợ mình không được tin tưởng, thiếu bằng chứng, e ngại bị phán xét và thậm chí đổ lỗi cho chính mình.

“Người ta e ngại khi trình báo… lo sợ người khác nói mình bịa ra, đổ tại mình lẳng lơ nên mới bị như thế”, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), cho biết.

Các chuyên gia đều khuyến cáo cần hướng sự chê trách, lên án về người quấy rối, thay vì đổ lỗi cho nạn nhân.

Ngoài ra, 65% người chứng kiến cho biết không có hành động đáng kể khi bắt gặp hành vi quấy rối.

Về việc một số người nước ngoài trình báo gần đây dẫn đến các đại sứ quán tại Hà Nội ra khuyến cáo với công dân, các chuyên gia cho rằng một số người nước ngoài quen với việc lên tiếng trước sự bất bình, biết về quyền và có kỹ năng đề nghị các bên vào cuộc. Và sự vào cuộc của các đại sứ quán khiến vấn đề được chú ý.

Một nạn nhân được lực lượng chức năng đưa tới hiện trường trong quá trình điều tra. Ảnh: L.P.

Một nạn nhân được lực lượng chức năng đưa tới hiện trường trong quá trình điều tra. Ảnh: L.P.

“Hy vọng sự vào cuộc không chỉ vì là người nước ngoài, hy vọng sau này phụ nữ Việt Nam bị quấy rối cũng được sự chú ý giải quyết, bà Phương nói thêm. Bà cho biết đang nhận được nhiều câu hỏi của truyền thông, và coi đây là một “điều tốt” vì tạo thêm sự chú ý của cộng đồng.

 Bà Lê Thị Lan Phương, đại diện UN Women. Ảnh: NVCC.

Bà Lê Thị Lan Phương, đại diện UN Women. Ảnh: NVCC.

Nạn nhân của quấy rối tình dục có thể chịu tổn thương tâm lý lâu dài sau khi bị quấy rối, chưa kể các thương tích về thân thể.

Một số người cho biết họ phải tạm tránh đi ra ngoài buổi tối, thay đổi đường chạy bộ, thậm chí không còn sang bên kia của phố Âu Cơ để cảm thấy an toàn.

“Họ có thể chịu cảm giác sợ hãi, đề phòng... có người bị ám ảnh cả đời, có người nghĩ họ phải có ngay hành động gì đấy để thay đổi tình trạng này”, bà Vân Anh từ CSAGA nói. Một số người thậm chí quay sang đổ lỗi cho chính mình, như thể "tôi đã làm gì đó sai".

Làm gì để nạn nhân trình báo nhiều hơn?

Một nguyên nhân khiến vấn đề phụ nữ nước ngoài bị sàm sỡ ở Quảng An tiếp diễn qua nhiều năm được cho là vì các vụ việc đa phần không được trình báo.

“Việc điều tra, tìm thủ phạm gặp nhiều khó khăn do trong nhiều trường hợp người nước ngoài bị quấy rối nhưng không đến trình báo ngay cho công an”, Trưởng công an quận Tây Hồ Mai Trọng Thắng trao đổi về các vụ việc gần đây. Ông cũng nói tình trạng này từng được ghi nhận trước đây.

 Bà Nguyễn Vân Anh, giám đốc CSAGA. Ảnh: CSAGA.

Bà Nguyễn Vân Anh, giám đốc CSAGA. Ảnh: CSAGA.

Nếu phụ nữ nhìn chung gặp trở ngại vì thiếu bằng chứng hoặc lo sợ dư luận, những người nước ngoài muốn trình báo lại gặp rào cản ngôn ngữ, cảm giác lo lắng khi là cộng đồng thiểu số ở Việt Nam, và ít có kinh nghiệm tiếp cận cơ quan công quyền của Việt Nam, theo bà Vân Anh từ CSAGA.

“Cộng thêm Việt Nam chưa quan tâm đủ đến vấn đề quấy rối tình dục”, bà nói với Zing. “Nếu họ có tố cáo, có thể các sự việc của họ chưa được tiếp nhận nhiệt tình lắm”.

Không những vậy, các sự việc quấy rối thường xảy ra rất nhanh, trình báo cũng không có bằng chứng, công an khó giải quyết và xử lý.

Theo các chuyên gia, người bị quấy rối sẽ thấy an tâm đi trình báo hơn nếu tin tưởng rằng có quy trình rõ ràng, và nếu là người nước ngoài, họ không gặp trở ngại trong vấn đề phiên dịch. Họ cũng trình báo nhiều hơn nếu được tiếp nhận với một sự nhạy cảm, tôn trọng, và nếu có mạng lưới dịch vụ hỗ trợ nạn nhân.

“Khi xã hội hiểu được đây là vấn đề quyền con người... hiểu được lỗi thuộc về kẻ sàm sỡ, không phải lỗi ở người bị quấy rối, sẽ không có đánh giá, phán xét sai lầm, khi đó nạn nhân mới cởi mở chia sẻ câu chuyện”, bà Vân Anh phân tích thêm.

 Ba thiếu niên bị công an quận Tây Hồ triệu tập ngày 5/3, bước đầu thừa nhận các hành vi quấy rối nhiều phụ nữ ngoại quốc ở dọc tuyến đường ven hồ Tây. Ảnh: Hải Nam.

Ba thiếu niên bị công an quận Tây Hồ triệu tập ngày 5/3, bước đầu thừa nhận các hành vi quấy rối nhiều phụ nữ ngoại quốc ở dọc tuyến đường ven hồ Tây. Ảnh: Hải Nam.

Các chuyên gia kêu gọi nâng cao nhận thức đối với người thực thi công vụ, như công an, nhân viên tư pháp để thay đổi định kiến về người bị quấy rối và có độ nhạy cảm khi xử lý vụ việc.

Chẳng hạn, cần tiếp nhận sự việc một cách nghiêm túc, và có thể hỏi nạn nhân có cần một người nữ hỗ trợ trình báo hay không.

“Khi họ (nạn nhân) kể sự việc, cần tập trung tìm hiểu tình tiết nhưng không hỏi những câu để họ thấy bị đổ lỗi - như 'vì sao ra ngoài vào giờ đó, đã làm gì, mặc gì' - không bình luận về sự việc, cần tìm hiểu cảm xúc và các nhu cầu giúp đỡ khác”, đại diện UN Woman giải thích.

Nếu nạn nhân sốc và căng thẳng quá, không trả lời được, điều tra viên có thể giới thiệu chuyên gia tư vấn tâm lý, thông qua tư vấn tâm lý để hỗ trợ công tác điều tra.

Việc điều phối lấy lời khai ở các cấp khác nhau là quan trọng để tránh nạn nhân phải khai lại toàn bộ hồ sơ, hoặc bị hỏi lại toàn bộ các câu hỏi đã trả lời ở cấp dưới rồi.

“Mỗi lần kể lại (họ) lại bị thêm tổn thương”, bà Phương nói.

Sau các bài viết của Zing phản ánh tình trạng phụ nữ nước ngoài bị sàm sỡ quanh khu vực hồ Tây, lãnh đạo chính phủ và UBND thành phố đã chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm.

Chính quyền quận Tây Hồ thông báo kế hoạch lắp đặt camera giám sát tại một số tuyến đường quanh hồ Tây có ghi nhận vụ việc quấy rối, bố trí lực lượng chức năng mặc thường phục theo dõi, giám sát.

 Nhóm "Hanoi Nightwatch" được lập ra để người nước ngoài cảnh báo nhau, hoặc đăng ảnh khi bắt gặp nghi phạm đã có hành vi sàm sỡ. Một người đăng ảnh xe không biển số mà họ cho là của nghi phạm. Ảnh: Facebook.

Nhóm "Hanoi Nightwatch" được lập ra để người nước ngoài cảnh báo nhau, hoặc đăng ảnh khi bắt gặp nghi phạm đã có hành vi sàm sỡ. Một người đăng ảnh xe không biển số mà họ cho là của nghi phạm. Ảnh: Facebook.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-co-phu-nu-nuoc-ngoai-trinh-bao-chung-ta-moi-de-y-viec-quay-roi-post1190398.html