Vì sao con người sợ hãi?

Hầu hết mọi người đều có thể đặc biệt sợ hãi khi nghĩ về điều gì đó.

Chứng sợ hãi có thể xuất hiện do di truyền.

Chứng sợ hãi có thể xuất hiện do di truyền.

Một số người có thể sợ nhện, trong khi số khác sợ độ cao. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là tại sao chúng ta lại trải qua nỗi sợ hãi và ám ảnh?

Phân biệt nỗi ám ảnh với sự sợ hãi

Theo các nhà khoa học, chúng ta cần phân biệt chứng sợ hãi với phản ứng hợp lý khi đối mặt một thứ có thể nguy hiểm hoặc không thể đoán trước.

Ông Ron Rapee - Giáo sư tâm lý học, Giám đốc sáng lập của Trung tâm Sức khỏe cảm xúc tại Trường Đại học Macquarie (Australia) - cho biết: “Ám ảnh là nỗi sợ hãi về một tình huống hoặc đối tượng cụ thể không tương xứng với thực tế khách quan.

Nỗi ám ảnh đó có thể cản trở cuộc sống của một người. Về cơ bản, hầu hết các chứng sợ hãi đều thể hiện những đặc điểm giống nhau. Chúng chỉ khác nhau về trọng tâm cụ thể của nỗi sợ”.

Ông Rapee giải thích, hầu hết mọi người sẽ thận trọng và cảnh giác khi gặp phải các tình huống hoặc đối tượng nguy hiểm. Tuy nhiên, đôi khi, những nỗi sợ hãi này có thể vượt xa những gì mà hầu hết mọi người cho là “tương xứng với thực tế của tình huống”.

Đây là khi phản ứng của mọi người đối với những tình huống như vậy có xu hướng bị cho là quá mức hoặc phi lý. Theo chuyên gia này, sự chán ghét đối với nước là một ví dụ về tính “đề phòng”.

Tuy nhiên, sự đề phòng hợp lý này có thể biến đổi, vì lý do này hay khác, trở thành một nỗi ám ảnh toàn diện. Trong khi đó, một số nỗi ám ảnh phổ biến nhất, như chứng sợ độ cao, thực sự phát sinh do áp lực tiến hóa.

“Trong hầu hết trường hợp, ám ảnh được tìm thấy liên quan đến các đối tượng và tình huống thực tế có tính tiến hóa. Ví dụ, người ta hầu như không bao giờ ám ảnh về dây điện hoặc ổ cắm, mặc dù những thứ này có thể giết chết bạn. Tuy nhiên, người ta thường thấy ám ảnh về bão hoặc rắn hay nhện. Nói cách khác, đó là những thứ có thể giết chết chúng ta trong thời cổ đại”, ông Rapee giải thích.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ tại sao sự sợ hãi hoặc thận trọng lại trở thành nỗi ám ảnh đối với một số người. Theo ông Rapee, một lý thuyết phổ biến là chứng ám ảnh sợ hãi được “học hỏi” ở các giai đoạn phát triển quan trọng, thường là sớm hơn trong cuộc sống.

Cụ thể, hầu hết các chứng sợ hãi lần đầu tiên xuất hiện trong thời thơ ấu. Việc học này có thể đến từ một trải nghiệm tồi tệ (ví dụ bị chó cắn). Tuy nhiên, đây có lẽ là ngoại lệ, vì hầu hết người mắc chứng sợ hãi không thể báo cáo những trải nghiệm đau thương cụ thể.

Lý thuyết tâm động học, lần đầu tiên được đưa ra bởi Sigmund Freud, cho rằng nhiều hành vi và nỗi sợ hãi có thể liên quan đến những trải nghiệm trong thời thơ ấu. Trong các trường hợp đặc biệt đau thương, trí nhớ về những sự kiện đầu đời này có thể bị kìm nén.

Cuối cùng, chúng được biểu hiện thành chứng ám ảnh sợ hãi trong cuộc sống sau này. Tiến sĩ Joel Paris - Giáo sư tâm thần học tại Trường Đại học McGill (Canada) - cho biết: “Những ký ức bị kìm nén có thể phát huy tác dụng và đóng một vai trò trong sự phát triển của chứng ám ảnh đối với một số người. Tuy nhiên, đó không chắc là trường hợp của đa số mọi người”.

Một số người bị ám ảnh quá mức về đối tượng, đồ vật nào đó.

Một số người bị ám ảnh quá mức về đối tượng, đồ vật nào đó.

Chất xúc tác gây chứng sợ hãi

Theo các nhà khoa học, đặc điểm chung của sự ám ảnh bao gồm: Thường xuyên tránh tình huống hoặc đối tượng gây sợ hãi, lo lắng, suy nghĩ tiêu cực. Ngoài ra, những người ám ảnh cũng gặp các dấu hiệu về thể chất khi đối mặt với nỗi sợ hãi, như nhịp tim tăng, giãn đồng tử và nhịp thở dồn dập.

Thực tế, một người không cần phải có trải nghiệm tiêu cực để phát triển chứng sợ hãi. Họ có thể thấy người khác gặp một trải nghiệm tồi tệ, hoặc được nghe nhiều lần rằng, có điều gì đó nguy hiểm. Nói cách khác, cha mẹ thường xuyên cảnh báo trẻ về đại dương nguy hiểm.

Hoặc một người thường xem các bộ phim như “Jaws” và “Titanic”, sẽ cho rằng, biển là mối đe dọa và gây chết người. Những sự tiếp xúc lặp đi lặp lại đó có thể là chất xúc tác cho sự phát triển của chứng sợ biển (thalassophobia).

Ông Chris Askew - giảng viên tâm lý học tại Trường Đại học Surrey (Anh) - cho biết: “Theo thời gian, việc tiếp xúc này có thể gây ra những nỗi sợ hãi về mặt văn hóa xung quanh một số loài động vật, đồ vật hoặc tình huống nhất định. Tuy nhiên, có thể không phải tất cả các ám ảnh đều xuất hiện do tiếp xúc. Một nghiên cứu năm 1998 trên tạp chí Behaviour Research and Therapy cho thấy, một số mối quan tâm và lo lắng thực sự có thể là bẩm sinh”.

Những người ủng hộ khái niệm này cho rằng, con người có khuynh hướng di truyền sợ những điều nhất định.

Ý tưởng này vẫn còn đang được tranh luận. Tuy nhiên, những người sở hữu một số đặc điểm nhất định có nhiều khả năng phát triển chứng ám ảnh sợ hãi. Ví dụ, những người “tính khí dễ sợ hãi và xúc động hơn” có xu hướng thường bị ám ảnh. Ông Rapee lý giải, những người cảm xúc thường có nhiều loại sợ hãi và ám ảnh khác nhau, bao gồm cả chứng sợ nước.

Trong khi đó, ông Kelvin Wong - nhà tâm lý học lâm sàng tại Trường Đại học La Trobe (Australia) - chia sẻ: “Bản chất bẩm sinh của một người có thể là yếu tố rủi ro. Một ví dụ là chứng loạn thần kinh, hoặc tính cách của một người khi họ trải nghiệm thế giới như đau khổ, đe dọa hoặc không an toàn”.

Theo ông Askew, ám ảnh và cảm giác lo lắng thậm chí có thể xuất hiện trong các gia đình. Một số người có khuynh hướng di truyền dễ phát triển chứng ám ảnh sợ hãi hơn. Nghiên cứu được công bố vào năm 2017 trên tạp chí y khoa Dialogues in Clinical Neuroscience cho thấy, có khoảng 30% người mắc rối loạn lo âu do di truyền.

“Chứng ám ảnh sợ hãi có thể tồn tại trong một thời gian dài. Bởi, hầu hết người mắc chứng ám ảnh đều tránh những thứ mà họ sợ hãi. Nói cách khác, họ làm mọi cách để không gặp đối tượng hoặc tình huống gây sợ. Bằng cách đó, họ duy trì nỗi sợ hãi của mình”, ông Rapee nói. Để vượt qua nỗi ám ảnh, mọi người cần phải đối mặt với nỗi sợ hãi. Theo thuật ngữ chuyên môn, đây là liệu pháp tiếp xúc.

“Khi được thực hiện đúng cách và nhất quán, chứng ám ảnh sẽ giảm rất nhanh. Thực tế, thậm chí có một phương pháp điều trị ‘một phiên duy nhất’ cho chứng sợ hãi ngày nay”, ông Rapee cho biết. Theo các nhà khoa học, mục tiêu cuối cùng là để bệnh nhân dần tiếp cận với sự ám ảnh của họ. Nhờ đó, giúp bệnh nhân biết rằng, những gì họ sợ hãi sẽ không xảy ra.

Theo Live Science

Kim Dung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/vi-sao-con-nguoi-so-hai-post613444.html