Vì sao con tôi lại ăn cắp?
Vợ chồng chị Huyền đến gặp tôi với vẻ mặt buồn chán, mệt mỏi, lo âu. Chị kể, anh chị có 2 con gái học lớp 7 và lớp 1. Gia đình chị sống với bà nội ở thành phố Biên Hòa.
Cách đây vài ngày, con gái lớn của anh chị đã lấy trộm 3 triệu đồng của ba. Mặc dù cháu bị đánh rất đau nhưng vẫn không chịu khai về số tiền đã lấy, làm anh chị rất sốc và cần gặp chuyên gia tâm lý để được tư vấn, hỗ trợ cách dạy con.
Chị Huyền cho biết con gái lớn lầm lì, ít nói, dường như chỉ ở trong phòng xem ti vi hoặc làm việc riêng và ít kết nối với gia đình. Các hành vi này càng làm anh chị lo lắng nhiều hơn.
Chị Huyền chia sẻ gia đình chị thường xuyên xảy ra mâu thuẫn trong cách dạy dỗ con. Chồng chị hiền lành nhưng cục tính, bình thường ít nói, nhưng khi căng thẳng thì anh hay quát tháo, sử dụng gậy để đánh con. Chị là kế toán nên công việc rất nhiều, hay stress. Buổi tối về nhà chị chỉ nghỉ ngơi, xem điện thoại chứ ít nói chuyện với con. Bà nội lúc thì yêu thương các cháu quá, lúc thì lại quát tháo.
Mâu thuẫn trong phương pháp và phong cách giáo dục trẻ con trong gia đình là một trong các yếu tố quan trọng để có thể dẫn tới các hành vi lệch chuẩn hoặc các khó khăn cảm xúc của trẻ em và thanh thiếu niên. Mâu thuẫn này chủ yếu xuất hiện khi các cặp vợ chồng không trao đổi, thảo luận với nhau, hoặc không chịu học hỏi để có thể thống nhất cách dạy dỗ con. Hơn thế, họ cũng có thể bị tác động bởi người khác, nhất là cha mẹ sống cùng, hoặc ảnh hưởng bởi truyền thông, internet.
Nhiều cặp vợ chồng thường có cách nhìn nhận khác nhau, mâu thuẫn về giá trị nên có thể dẫn tới những xung đột trong nhiều chuyện, trong đó có giáo dục con. Chính vì thế, việc giúp trẻ sống khỏe mạnh, hạnh phúc và có hành vi tích cực thì không thể thiếu vai trò của cha mẹ, đặc biệt là vai trò giáo dục, sự thống nhất trong các giá trị và phương pháp giáo dục con.