Vì sao cục phó của Bộ tài nguyên và môi trường bị bắt?
Ông Đoàn Ngọc Phương, Phó cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, bị điều tra về tội nhận hối lộ.
Sáng 29/5, Bộ Công an cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra vừa ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với ông Đoàn Ngọc Phương, Phó cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo nhà chức trách, ông Đoàn Ngọc Phương bị điều tra về tội Nhận hối lộ.
Đây là động thái mới nhất khi Bộ Công an mở rộng điều tra vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa và các đơn vị liên quan.
Cũng liên quan vụ án, ông Cao Đại Nghĩa, Phó trưởng Phòng giá đất thuộc Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, thành viên Thường trực Hội đồng kiêm Tổ trưởng Tổ giúp việc Hội đồng bị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Đáng chú ý, ông Nghĩa cũng là bị can trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, cũng do Cục C03 thụ lý điều tra.
Một người khác là Khương Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Giám định và thẩm định giá Thăng Long cũng bị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại khoản 3, Điều 356 Bộ luật Hình sự.
Trước đó, tối 24/5, Cục C03 cũng khởi tố nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam Lê Quang Thung và 8 bị can khác liên quan đến những sai phạm tại dự án ở khu đất vàng 39-39B Bến Vân Đồn, phường 12, quận 4, TP.HCM.
Khu đất 39-39B Bến Vân Đồn, quận 4, TP.HCM, có tổng diện tích hơn 6.200 m2, hiện là khu phức hợp cao 33 tầng, gồm căn hộ và khu thương mại văn phòng, dịch vụ. Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Nova Phúc Nguyên làm chủ đầu tư.
Đây vốn là đất có nguồn gốc thuộc sở hữu Nhà nước, do Tổng Công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa, thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam quản lý. Năm 2009, Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Công ty TNHH Phú Việt Tín (Phú Việt Tín). Hai thành viên góp vốn để lập Công ty Phú Việt Tín là Tổng Công ty Cao su Đồng Nai (sở hữu 72% vốn) và Công ty Cao su Bà Rịa (sở hữu 28% vốn).
Đầu tháng 9/2014, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai mua lại toàn bộ vốn góp của Công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa tại Phú Việt Tín để sở hữu 99,5% vốn của doanh nghiệp này.
Sau vài tháng, Quốc Cường Gia Lai chuyển nhượng 40% vốn tại Phú Việt Tín cho Công ty cổ phần Bất động sản Thịnh Vượng, chuyển nhượng 0,5% vốn tại Phú Việt Tín cho bà Lại Thị Hoàng Yến, chuyển nhượng 54% vốn còn lại tại Phú Việt Tín cho Công ty cổ phần Biệt thự thành phố.
Đến ngày 31/3/2017, Phú Việt Tín ký kết hợp đồng sáp nhập vào Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển bất động sản Phúc Nguyên thành Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển bất động sản Nova Phúc Nguyên.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, UBND TP.HCM ra quyết định về việc thu hồi, giao đất và chỉ định Phú Việt Tín làm nhà đầu tư thực hiện dự án tại vị trí nói trên không thông qua đấu giá là trái quy định pháp luật. Việc Phú Việt Tín không lập dự án đầu tư là vi phạm Nghị định số 12/2009 của Chính phủ.