Chuyên cơ của ông Moammar Gadhafi được cọi là chiến lợi phẩm lớn của lực lượng nổi dậy lúc bấy giờ, bởi nó là một trong những biểu tượng quyền lực xa xỉ nhất của nhà lãnh đạo này.
Năm 2011, các nhà báo nước ngoài đã sớm được mời lên máy bay để tận mắt chứng kiến. Đạn và mảnh bom đã bắn thủng thân chiếc máy bay Airbus A340-200 có 4 động cơ, nhưng bên trong vẫn còn nguyên vẹn.
Mặc dù nhìn bên ngoài nó không có vẻ gì đặc biệt như nhiều chiếc máy bay thương mại của hãng hàng không Libya Afriqiyah Airways, nhưng chuyên cơ này có thể coi là “cung điện bay” của ông Gadhafi.
Trong khoang máy bay có bồn tắm nước nóng, rạp chiếu phim riêng, phòng ngủ chính tráng gương và hơn thế nữa.
Làm gì với một chiếc máy bay gắn liền với sự thái quá của vị cố lãnh đạo này? Một lựa chọn là lột bỏ nội thất VIP và biến nó thành một chiếc máy bay thông thường.
Đó là điều từng xảy ra với chiếc A340 của Tổng thống Tunisia Zine El Abidine Ben Ali, cũng bị lật đổ trong làn sóng mùa xuân Ảrập năm 2011. Sau đó, chiếc máy bay này đã được bán cho Turkish Airlines.
Vì thế, năm 2012, chiếc máy bay của cựu Tổng thống Gadhafi gọi tắt là 5A-ONE đã được đưa đến các cơ sở của EAS Industries (hiện là Sabena Technics), một công ty bảo trì và sửa chữa hàng không vũ trụ và nhà thầu phụ của Air France có trụ sở tại Perpignan, miền Nam nước Pháp.
Không giống như các máy bay hàng không khác đã gặp nạn trong vụ hỏa hoạn năm 2011 tại sân bay Tripoli và phải xóa sổ, chiếc A340 của ông Gadhafi vẫn đủ khả năng bay. Tuy nhiên, hành trình bay sang Pháp, nó phải bay ở 1/3 độ cao thông thường và thiết bị hạ cánh không thể thu lại được.
Đến năm 2013, chiếc máy bay này đã sẵn sàng bay trở lại, phục vụ chính phủ Libya. Nhưng do tình hình an ninh ở Libya ngày càng xấu đi, vào tháng 3-2014, 5A-ONE đã quay trở lại Perpignan.
Người chủ sở hữu đầu tiên của chiếc máy bay là Hoàng tử Jefri Bolkiah, anh trai Quốc vương Brunei. Hoàng tử được cho là đã chi 250 triệu USD để mua máy bay này năm 1996 nhưng bán đi chưa đầy 4 năm sau đó.
Sau khi qua tay Hoàng tử Al-Waleed bin Talal, một doanh nhân tỷ phú nổi tiếng và là thành viên của hoàng gia Saudi Arabia, chiếc A340 đã được nhà lãnh đạo Libya Gadhafi mua lại nó vào năm 2006 với giá 120 triệu USD.
Cùng năm đó, chính phủ Libya đã ký một thỏa thuận với Tập đoàn Al Kharafi, có trụ sở tại Kuwait, để phát triển một khu nghỉ mát bên bờ biển ở Tajura, gần Tripoli. Đến năm 2010, dự án đã bị phía Libya hủy bỏ nên bị tập đoàn Kuwait kiện ra tòa án trọng tài quốc tế ở Cairo, đòi bồi thường thiệt hại 930 triệu USD
Tập đoàn Al Kharafi cũng kiện nhà nước Libya ở Pháp, vì vậy khi chiếc A340 hạ cánh ở Perpignan, họ đã tìm cách chiếm giữ nó.
Tuy nhiên, vào năm 2015, tòa án ở Pháp đã phán quyết chiếc máy bay, trị giá khoảng 60 triệu USD, thuộc về một quốc gia có chủ quyền nên được hưởng quyền miễn trừ
Rắc rối pháp lý với “Cung điện bay” của ông Gadhafi chưa dừng ở đó. Đến năm 2016, phí bảo trì, sửa chữa và trang bị lại của máy bay đã lên tới gần 3 triệu euro, khiến Air France tham gia kiện, khiến “số phận” của chiếc máy bay thêm phức tạp
Tuy nhiên, có vẻ như chiếc máy bay vẫn đang được bảo dưỡng và chăm sóc. Vào cuối năm 2020, động cơ của nó vẫn được khởi động như một quy trình thường xuyên đối với những chiếc máy bay được cất giữ lâu dài nhưng vẫn đủ điều kiện bay.
Ở thời điểm hiện tại, không biết tương lai chiếc A340 này sẽ ra sao. Nhưng đó không phải là chiếc máy bay tổng thống duy nhất đã trở thành cư dân lâu dài tại Perpignan.
Hai máy bay tổng thống khác của châu Phi, đều là Boeing 727, thuộc về chính phủ Benin và Mauritania, cũng đang được cất giữ dài hạn tại sân bay vùng Catalan của Pháp.
Hải Yến