Vì sao cựu Chánh văn phòng Thành ủy Đà Nẵng bị bắt?
Trong thời gian làm Phó chánh văn phòng UBND TP và Chánh văn phòng Thành ủy, ông Bằng bị cáo buộc đã tham mưu cho lãnh đạo Đà Nẵng bán nhiều tài sản công trái quy định.
Theo quyết định khởi tố, lệnh bắt bị can, Bộ Công an cho biết ông Đào Tấn Bằng và các cựu cán bộ khác của Đà Nẵng có liên quan đến các vụ án và hành vi phạm pháp của Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”).
Nhận xe sang của Vũ "nhôm"
Trước đó, ngày 2/3/2016 ông Đào Tấn Bằng được Thành ủy Đà Nẵng cho thôi giữ chức Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn, để bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Thành ủy Đà Nẵng. Thời kỳ này, ông Nguyễn Xuân Anh làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.
Năm 2016, với cương vị là Chánh văn phòng Thành ủy Đà Nẵng, ông Bằng đã tiếp nhận một ôtô hiệu Toyota Avalon do một doanh nghiệp tặng. Văn phòng bố trí xe này để đưa đón ông Xuân Anh.
Chiếc xe có giá 1,3 tỷ đồng, doanh nghiệp có tên trên hóa đơn tặng xe Toyota Avalon cho Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng là Công ty TNHH Minh Hưng Phát, có trụ sở tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.
Công ty này được thành lập năm 2007, với vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Công ty có 3 thành viên góp vốn, trong đó "ông trùm" bất động sản Đà Nẵng là Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") góp vốn 40 tỷ đồng.
Năm 2017, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận ông Xuân Anh thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng ôtô và 2 căn nhà của doanh nghiệp.
Tham mưu bán tài sản công sai quy định
Những sai phạm liên quan đến các cựu cán bộ, lãnh đạo Đà Nẵng chỉ được hé lộ khi Vũ "nhôm" bị Bộ Công an bắt giam. Lần lượt các ông: Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến (cùng là cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng), Nguyễn Điểu (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường)... cũng dính vào lao lý.
Quyết định của Thành ủy Đà Nẵng (công bố ngày 18/1) cho rằng ông Bằng đã tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy chủ trương cho phép chỉ định thầu 3 dự án công trình trụ sở làm việc các cơ quan khối Đảng không đúng quy định.
Ban Chấp hành Đảng bộ Đà Nẵng còn xem xét trách nhiệm của ông khi đang giữ chức vụ Phó trưởng Phòng Quản lý đầu tư, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị, Phó chánh Văn phòng UBND thành phố đã tham mưu lãnh đạo ban hành các văn bản không đúng với quy định của pháp luật về đất đai.
Theo hồ sơ, thời kỳ 2 cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (ông Minh đã bị bắt, còn ông Chiến bị khởi tố nhưng được tại ngoại) ký các quyết định bán đất cho Vũ "nhôm", ông Bằng và 3 cựu cán bộ của Đà Nẵng đều có vai trò tham mưu, giúp việc.
Trước năm 2010 (thời kỳ ông Minh làm Chủ tịch, ông Chiến làm Phó chủ tịch UBND TP, còn ông Cán làm Chánh văn phòng UBND TP), UBND TP Đà Nẵng có chủ trương giao 17 ha đất thuộc dự án khu đô thị Harbour Ville (ở Sơn Trà, Đà Nẵng) cho Công ty cổ phần Xây dựng công trình giao thông 586 triển khai.
Tháng 3/2011, Công ty 586 có văn bản xin chuyển nhượng quyền sử dụng lô đất trên cho cho Phan Văn Anh Vũ với giá 2,5 triệu đồng/m2. Một tháng sau, Vũ "nhôm" có văn bản xin nhận quyền sử dụng lô đất trên với giá hơn 800.000 đồng/m2.
UBND TP Đà Nẵng đã đồng ý chuyển nhượng 17 ha đất cho Vũ với điều kiện chủ đầu tư phải chịu chi phí giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng theo quy hoạch đã được thành phố phê duyệt.
Với vai trò là những người giúp việc, các ông Nguyễn Văn Cán (khi đó là Chánh văn phòng UBND TP), ông Bằng (Phó chánh văn phòng UBND TP), Phan Xuân Ít (sinh năm 1954, nguyên Phó chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng) và Nguyễn Viết Vĩnh (sinh năm 1978, khi đó là Trưởng phòng Quản lý đô thị UBND TP Đà Nẵng) đã soạn thảo văn bản trình UBND TP Đà Nẵng về việc giảm 10% giá tiền sử dụng đất nếu chủ đầu tư hoàn tất nghĩa vụ tài chính trong thời hạn 60 ngày.
Căn cứ tờ trình này cùng với văn bản đề xuất của Sở Tài nguyên - Môi trường, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành quyết định chuyển nhượng 17 ha đất trên cho Vũ "nhôm".
Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Vũ đã xin điều chỉnh quy hoạch chi tiết, tách hơn 70.000 m2 đất góp cổ phần vào Công ty cổ phần Mega để triển khai dự án Harbour Ville.
Từ 2011-2012, chủ đầu tư đã phân 17 ha đất thành hơn 500 lô đất riêng biệt để bán cho các cá nhân khác. Với cách thức này, từ một dự án có diện tích 17 ha đất, Vũ "nhôm" và các cá nhân khác đã tách thành nhiều lô để bán lại với giá cao hơn để hưởng chênh lệnh.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ (công bố năm 2013), việc chính quyền Đà Nẵng giảm 10% giá bán đất là sai quy định, gây thất thoát tiền của Nhà nước.
Ngoài dự án trên, giai đoạn năm 2007-2011, chính quyền Đà Nẵng còn giao đất cho công ty của Vũ "nhôm" để triển khai các dự án trên bán đảo Sơn Trà, khu đô thị Đa Phước... Những dự án này đang được cho là có sai phạm và Thanh tra Chính phủ đang thanh tra toàn diện.
Nguồn Znews: http://news.zing.vn/vi-sao-cuu-chanh-van-phong-thanh-uy-da-nang-bi-bat-post877942.html