Vì sao cựu đại tá biên phòng từng nói 'kêu oan suốt đời' nay nhận tội?
Cựu đại tá biên phòng từng một mực phủ nhận cáo buộc và nói 'sẽ kêu oan suốt đời' nhưng bất ngờ thừa nhận cáo buộc tội nhận hối lộ.
Chiều 27-12, Tòa án quân sự Trung ương tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ án “bảo kê” xăng lậu xảy ra tại một số đơn vị thuộc cảnh sát biển Việt Nam.
Trong số chín bị cáo kháng cáo, cựu đại tá Nguyễn Thế Anh, cựu chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Kiên Giang, bị cấp sơ thẩm tuyên án chung thân về hai tội nhận hối lộ và tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép.
"Nhận tiền từ sự tự nguyện chứ không đòi hỏi"
Giai đoạn sơ thẩm, ông Thế Anh một mực phủ nhận cáo buộc, thậm chí nói “sẽ kêu oan đến suốt đời”. Tại phiên phúc thẩm, ban đầu bị cáo kêu oan nhưng sau đó bất ngờ xin giảm nhẹ tội nhận hối lộ, chỉ kêu oan tội còn lại.
Bước vào phần xét hỏi, cựu đại tá Nguyễn Thế Anh khai quen Phan Thanh Hữu (“trùm” đường dây xăng lậu, đã bị tòa tuyên phạt 16 năm tù) từ tháng 2-2020, trong khi đó ông Hữu lại khai hai bên quen nhau từ 2011, tức vênh nhau tới chín năm.
Về việc nhận tiền, bị cáo Thế Anh nói không nhớ rõ bao nhiêu lần nhưng án chừng chỉ khoảng 120.000 USD chứ không phải 560.000 USD và 6,2 tỉ đồng như bản án sơ thẩm nhận định.
HĐXX yêu cầu “nói lại số tiền", bị cáo này vẫn khẳng định chỉ nhận 120.000 USD, và giải thích rằng từng khai đã nhận 240.000 USD nhưng con số này không chính xác, vì thời gian đó "có nhiều lý do tác động nên buộc phải khai". HĐXX đánh giá lời khai này của bị cáo rất mâu thuẫn.
Tiếp tục khai, cựu đại tá cho hay không nhận tiền trực tiếp từ “ông trùm” Phan Thanh Hữu mà qua em họ là Nguyễn Văn An. An đưa tiền, nói đây là quà ông Hữu gửi.
Dù thừa nhận cầm tiền nhưng bị cáo Thế Anh lại một mực cho rằng không có sự thỏa thuận giúp đỡ hay "bảo kê" cho hoạt động buôn xăng lậu của ông Hữu, cũng "không đòi hỏi gì". Việc đưa tiền là sự tự nguyện của ông Hữu.
Thấy vậy, HĐXX liền đặt nghi vấn: "Bị cáo là cán bộ cao cấp, trực tiếp làm việc trong lĩnh vực đấu tranh phòng chống tội phạm, hiểu biết rất rõ về pháp luật, giờ một người xa lạ tự nhiên đưa một số tiền lớn mà lại nhận, nói không nhằm mục đích gì. Bị cáo nhận tiền mà không suy nghĩ gì thì có thấy hợp lý không?”. Cựu đại tá đáp "có sao nói vậy".
Đối chất với “ông trùm” về tiền hối lộ
Tiếp tục phần xét hỏi, HĐXX công bố một số bút lục thể hiện ông Thế Anh từng có thư, khai bị "mua chuộc, lôi kéo” để “bảo kê" cho đường dây xăng lậu. "Tội lỗi của tôi đã rõ, bản thân tôi đã làm sai, xin Bộ trưởng Quốc phòng giơ cao đánh khẽ cho phép tôi được hưởng khoan hồng", bút lục nêu.
Giải thích về nội dung trên, bị cáo Thế Anh nói "có nhiều lý do tác động đến nên phải làm việc đó, bị ép buộc viết". Câu trả lời này cũng từng được cựu đại tá đưa ra hồi xét xử sơ thẩm, nhưng tương tự lần trước, lần này ông cũng không đưa ra được bằng chứng về việc bị “ép buộc viết”.
Trả lời chất vấn của đại diện VKS về các cuộc gọi điện thoại giữa số máy của mình với số máy của “ông trùm” Phan Thanh Hữu, bị cáo nói không nhớ vì bận nhiều việc. "Nhiều khi nhầm máy, có thể bị cáo thấy người ta gọi nên gọi lại, còn nội dung làm sao bị cáo nhớ được", cựu đại tá khai.
Theo bị cáo, nếu ông Hữu buôn lậu xăng dầu từ nước ngoài sang Campuchia thì không bao giờ phải đi qua đường biển Kiên Giang mà đi thẳng TP.HCM vì thuận tiện và quãng đường cũng rút ngắn nhiều. Do đó, không có lý do gì ông Hữu phải đưa tiền để nhờ bị cáo "bảo kê".
Được gọi lên đối chất, với tư cách nhân chứng, “ông trùm” Phan Thanh Hữu khai chi tiền cho Nguyễn Thế Anh từ khoảng tháng 9-2019. "Tháng nào cũng chi đầy đủ nhưng mức khác nhau. Tôi nhớ có lần đưa 20.000 USD", ông Hữu khai và cho biết do tuổi cao và thời gian đã lâu nên không thể nhớ chính xác.
Tòa sau đó dẫn lời khai của ông Hữu trong giai đoạn điều tra, ban đầu khai đưa tiền cho bị cáo Thế Anh (thông qua Nguyễn Văn An) tổng 600.000 USD và 10 tỉ đồng, về sau “chốt” lại là đưa tổng 560.000 USD và 6,2 tỉ đồng.
Phản đối lời khai trên, bị cáo Thế Anh cho rằng ông Hữu "khai sai", bị cáo chỉ nhận "ít lần, thi thoảng". HĐXX cho biết "theo pháp luật, hai lần trở lên là nhiều rồi".
Về phía mình, sau khi trở vào phòng xử từ nơi cách ly (nhằm bảo đảm sự khách quan – PV), bị cáo Nguyễn Văn An thừa nhận có vài lần đi gặp ông Hữu để nhận tiền cho anh họ là Nguyễn Thế Anh.
Tuy vậy, bị cáo An khai chỉ đến nhận, không biết ông Hữu là ai, " nhận khoảng 1-2 tháng một lần chứ không phải tháng nào cũng đi nhận". Đến nay, bị cáo không nhớ tổng số tiền đã nhận là bao nhiêu.
Theo bản án sơ thẩm, từ tháng 3-2020 đến tháng 2-2021, “ông trùm” Phan Thanh Hữu (giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh) cùng đồng phạm buôn lậu gần 200 triệu lít xăng, trị giá khoảng 2.900 tỉ đồng.
Để thực hiện việc buôn lậu xăng với số lượng lớn, trong thời gian dài mà không bị kiểm tra, bắt giữ, Hữu và đồng bọn thống nhất chi hối lộ cho nhiều cá nhân thuộc lực lượng cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, CSGT…
Trong đó, hai cựu tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, 4 là Lê Văn Minh và Lê Xuân Thanh lần lượt nhận hối lộ 6,9 tỉ đồng và 1,8 tỉ đồng; Nguyễn Thế Anh nhận 560.000 USD và 6,2 tỉ đồng…
Riêng với Nguyễn Thế Anh, bị cáo này không trực tiếp nhận hối lộ mà thông qua em họ của mình là Nguyễn Văn An nhiều lần cầm tiền của Phan Thanh Hữu. Sau khi “ông trùm” bị bắt, Thế Anh chi tiền, hướng dẫn, nhờ người tổ chức cho An trốn ra nước ngoài.
Quá trình xét xử, hai cựu thiếu tướng Lê Văn Minh và Lê Xuân Thanh thừa nhận hành vi sai phạm, bày tỏ sự ăn năn hối hận.
Riêng cựu đại tá Nguyễn Thế Anh vẫn phản đối cáo buộc của VKS đến cùng. “Bị cáo từng bị tội phạm gí súng vào đầu, bị trả thù dẫn đến trên người mang nhiều thương tật, thử hỏi có dễ dàng bị mua chuộc không? Bị cáo đã nhiều lần yêu cầu VKS đối đáp về thủ tục tố tụng, vị trí, chức năng của bị cáo nhưng VKS chỉ trả lời chung chung... Bị cáo thấy không thuyết phục, nếu HĐXX không xem xét, bị cáo sẽ kêu oan suốt đời” - bị cáo Thế Anh nói.