Vì sao cựu Thứ trưởng Y tế Cao Minh Quang bị bắt?
Hôm qua (11/3), Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra quyết định khởi tố bổ sung vụ án hình sự 'Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng', xảy ra tại Bộ Y tế, Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long (Công ty Cửu Long) và các đơn vị liên quan.
C03 cũng khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam Cao Minh Quang (66 tuổi), cựu Thứ trưởng Bộ Y tế để điều tra về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 360 BLHS; liên quan vụ Công ty Dược phẩm Cửu Long giữ lại 3,848 triệu USD tiền giảm giá mua nguyên liệu từ ngân sách nhà nước.
C03 đồng thời khởi tố bị can 2 nguyên lãnh đạo cấp Vụ thuộc Bộ Y tế gồm Dương Huy Liệu (74 tuổi) và Nguyễn Nam Liên, cùng là cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính. Liên còn là nguyên Phó Ban quản lý thực hiện kế hoạch phòng chống dịch cúm A (H5N1), Bộ Y tế.
Các bị can bị xác định có liên quan đến bê bối trong vụ mua nguyên liệu sản xuất thuốc Tamiflu và thuốc có hoạt chất Oseltamivir phosphate phòng chống dịch cúm A/H5N1 hồi năm 2006.
Một “thương vụ”, thất thoát của Nhà nước 3,8 triệu USD
Trả lời báo chí, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng kiêm Người phát ngôn Bộ Công an, cho biết, căn cứ vào tài liệu điều tra, lời khai của các bị can và những người liên quan, C03 xác định một số người liên quan tại Bộ Y tế đã không thực hiện đầy đủ chức trách nhiệm vụ được giao trong việc ký kết, thực hiện hợp đồng đặt hàng sản xuất thuốc Oseltamivir với Cty Dược Cửu Long.
Kết quả điều tra ban đầu xác định các bị can đã không kiểm tra làm rõ việc Cty Dược Cửu Long chưa trả nhà cung cấp nguyên liệu số tiền 3,848 triệu USD. Đây là số tiền được giảm giá mua nguyên liệu có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước nhưng đã bị Cty giữ lại, sử dụng hết, không trả lại Bộ Y tế, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.
Bị can Liệu đã không kiểm tra, không đánh giá việc thực hiện điều khoản đàm phán giảm giá mua nguyên liệu khi thanh lý hợp đồng đặt hàng sản xuất thuốc Oseltamivir với Cty CP Dược phẩm Cửu Long. Do đó, cơ quan chức năng của Bộ Y tế đã không phát hiện ra việc Cty này được giảm giá mua nguyên liệu số tiền hơn 3,8 triệu USD để thu hồi về Bộ Y tế.
Về phía bị can Nguyễn Nam Liên, trước đó đã bị khởi tố, bắt tạm giam trong vụ Cty Việt Á “thổi giá” kit xét nghiệm COVID-19.
VKSNDTC đã phê chuẩn các quyết định và lệnh trên của C03.
Đây là diễn biến mới nhất trong quá trình Cơ quan CSĐT Bộ Công an điều tra mở rộng làm rõ sai phạm, trách nhiệm của những người liên quan trong vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", xảy ra tại Cty CP Dược phẩm Cửu Long và các đơn vị có liên quan theo Quyết định thay đổi Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 06 ngày 3/11/2021 của Cơ quan CSĐT Bộ Công an.
Liên quan vụ án này, trước đó C03 đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét với Lương Văn Hóa, nguyên TGĐ; Nguyễn Văn Thanh Hải, nguyên Kế toán trưởng Cty Cửu Long.
C03 cũng khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và lệnh khám xét với Nguyễn Thanh Tòng, nguyên Phó TGĐ Cty Cửu Long.
Ba đối tượng trên bị điều tra về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại Điều 356 BLHS.
Lợi dụng dịch cúm A/H5N1 để trục lợi
Bê bối của một số cơ quan, cá nhân ngành Y xung quanh việc mua nguyên liệu sản xuất thuốc Tamiflu và thuốc có hoạt chất Oseltamivir phosphate phòng chống dịch cúm A/H5N1 từng được Thanh tra Chính phủ (TTCP) kết luận năm 2014 và chuyển CQĐT.
Theo kết luận thanh tra, trong việc mua thuốc Tamiflu và thuốc có hoạt chất oseltamivir phosphate, Bộ Y tế không báo cáo và xin phép Thủ tướng trước khi đặt hàng sản xuất và cung cấp thuốc với bốn Cty trên là sai quy định tại quyết định của Thủ tướng về việc thực hiện kế hoạch dự trữ thuốc.
Thực tế giá mua nguyên liệu của các Cty cao hơn nhiều so với giá Bộ Y tế đề xuất. Giá của Bộ Y tế đề xuất là 12.000 USD/kg nguyên liệu từ Ấn Độ, trong khi các Cty Stada VN, Imexpharm, Pymepharco mua với giá 18.000 USD/kg thông qua Cty Stada Import/Export Hong Kong.
Sau khi trả tiền, ba Cty trên đã được nhận lại 2,846 triệu USD từ Cty Stada.
Riêng Cty Dược phẩm Cửu Long đã mua 520kg nguyên liệu từ Cty Mambo Overseas Limited Singapore với giá 17.500 USD/kg, thành tiền là 9,1 triệu USD. Cty Cửu Long đã trả 5,252 triệu USD, số còn lại 3,848 triệu USD giữ lại.
Trong khi đó, tháng 6/2006, Bộ Y tế đã thanh toán đủ cho Cty số tiền theo hợp đồng. Toàn bộ số tiền giữ lại này không được phản ánh trong báo cáo tài chính của Cty Dược phẩm Cửu Long từ 2006 đến thời điểm thanh tra năm 2010.
Cty này cũng báo cáo số tiền trên đã sử dụng vào trả nợ vay ngân hàng, mua nguyên liệu không liên quan đến hợp đồng trên với Bộ Y tế và được theo dõi theo sổ sách riêng của Cty. TTCP xác định Cty này đã vi phạm Luật Kế toán.
Cao Minh Quang còn liên quan vụ án VN Pharma
Mới đây, khi ban hành cáo trạng vụ án VN Pharma nhập hàng trăm ngàn hộp thuốc giả nhãn mác, VKS cho rằng cựu Thứ trưởng Y tế Cao Minh Quang có dấu hiệu tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng cần tiếp tục làm rõ.
Theo VKS, trong quá trình điều tra, Cao Minh Quang thừa nhận có trách nhiệm là người đứng đầu, chịu trách nhiệm cao nhất trong việc cấp số đăng ký thuốc nhưng để xảy ra sai phạm trong lĩnh vực mình quản lý.
Cao Minh Quang cũng thừa nhận việc ký ban hành Công văn 2970 có nội dung "các giấy tờ pháp lý trong hồ sơ thuốc không bắt buộc phải hợp pháp hóa lãnh sự" là trái quy định pháp luật.
"Hành vi của Cao Minh Quang có dấu hiệu tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", cáo trạng nêu.
Tuy nhiên theo VKS, do thời hạn điều tra đã hết nên trách nhiệm của Cao Minh Quang cần tiếp tục làm rõ để xem xét xử lý theo quy định.
Cao Minh Quang giữ cương vị Cục trưởng Quản lý Dược từ 2004 đến năm 2007, sau đó làm Thứ trưởng Bộ Y tế đến năm 2013 và nghỉ hưu. Cuối tháng 12/2021, Cao Minh Quang bị Ban Bí thư cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng do buông lỏng lãnh đạo, thiếu trách nhiệm, kiểm tra.
Dương Huy Liệu nghỉ hưu từ tháng 4/2009, sau nhiều năm công tác tại Bộ Y tế.