Vì sao Đà Nẵng – TP.HCM không có 'đường đắt nhất hành tinh?'
Đà Nẵng – TP.HCM là ví dụ điển hình của cách thức phát triển đô thị dựa chủ yếu vào nguồn lực đất đai.
LTS:Tuần Việt Nam giới thiệu Phần 2 bài viết của Gs. TsKh. Đặng Hùng Võ xung quanh câu chuyện "đường đắt nhất hành tinh" ở Hà Nội.
>> Xem lại Phần 1: Giấc mơ Việt về những con đường rẻ nhất hành tinh
Kinh nghiệm
Ở Việt Nam, cũng đã có một số thành phố áp dụng một số cách thức tốt để giảm được chi phí phát triển hạ tầng giao thông đô thị.
Đà Nẵng là một ví dụ điển hình của cách thức phát triển đô thị dựa chủ yếu vào nguồn lực đất đai. Đối với mọi con đường, thành phố không chỉ thu hồi diện tích đất đủ để làm đường mà thu hồi rộng hơn sang 2 bên đường.
Từ đó, Thành phố quy hoạch đất 2 bên đường, đưa đất ra đấu giá để các nhà đầu tư phát triển không gian đô thị 2 bên đường theo đúng quy hoạch. Cách phát triển như vậy đã được Chính phủ quy định cụ thể tại Nghị định số 181/2004/NĐ-CP, nhưng mới được áp dụng triệt để tại Đà Nẵng.
Chỉ với cách thức như vậy, thành phố Đà Nẵng đã từ một đô thị nhỏ, kém phát triển đã sớm trở thành một đô thị phát triển theo hướng hiện đại, một thành phố nhận được bình chọn là thành phố đáng sống, người dân rất hài lòng, và đang trở thành trung tâm thu hút lớn ở Miền Trung. Tất nhiên, nhiều người cũng không thực sự ưng ý với cách thức thu hồi đất rộng hơn con đường, tạo nên nhóm bị thiệt hại do phát triển lớn hơn mức cần thiết.
Cuối năm 2006, đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa dài 1,1 km khánh thành sau 12 tháng thi công. Ảnh: Zing.vn
TP.HCM cũng có cách thức phát triển hạ tầng khôn khéo. Thành phố thu hồi đất để mở rộng con đường hiện tại và thu hồi đất thuộc dải tiếp giáp mặt đường tương lai.
Trong hiện tại, dải đất tiếp giáp mặt đường tương lai lại là dải đất không tiếp giáp mặt đường, ở phía sau dải tiếp giáp mặt đường hiện tại. Như vậy, chi phí bồi thường, hỗ trợ sẽ thấp. Người sử dụng đất thuộc dải đất tiếp giáp mặt đường hiện tại sẽ được bố trí tái định cư tại chỗ, tại dải đất tiếp giáp mặt đường tương lai. Quá trình tái định cư tại chỗ như vậy cũng tạo cơ hội quy hoạch lại đất hai bên đường cho hợp lý với không gian đô thị mới.
Như vậy, giải pháp của TP.HCM, mặc dù chưa tạo ra được tính bình đẳng thực sự, nhưng đã tạo được tính bình đẳng tốt hơn trong phát triển.
Thứ nữa, cách làm này đã tạo cơ hội quy hoạch phù hợp hơn đối với đất hai bên đường sau khi con đường đã được mở rộng, nâng cấp. Ở nhiều nước khác trên thế giới, nhất là tại một số nước có tốc độ đô thị hóa nhanh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, v.v., người ta sử dụng cơ chế “Góp đất - Điều chỉnh lại đất đai” rất hiệu quả.
Việc nâng cấp hạ tầng hiện có hay xây dựng hạ tầng mới ở một khu vực nào đó được đưa vào cơ chế “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Người dân góp một phần đất hiện có, Nhà nước trợ giúp bằng đất công, tiền từ ngân sách để thực hiện dự án nâng cấp hạ tầng và bố trí lại dân cư theo quy hoạch. Tỷ lệ đất đóng góp thường được tính theo tỷ lệ tăng giá đất sau khi hạ tầng được nâng cấp. Đất mà người dân tại chỗ đóng góp được sử dụng để phát triển hạ tầng, tái định cư tại chỗ theo quy hoạch (điều chỉnh lại đất đai) và đấu giá để có tiền thực hiện dự án.
Sau khi khảo sát hiện trạng, phương án quy hoạch đô thị gắn với việc góp đất và điều chỉnh lại đất đai được đưa ra lấy ý kiến của cộng đồng dân cư. Khi thu được ý kiến đồng thuận của đại đa số thành viên của cộng đồng dân cư thì phương án đó được Nhà nước phê duyệt. Đại đa số ý kiến ở đây thường được xác định ít nhất là 2/3 tổng số thành viên của cộng đồng. Các trường hợp không đồng thuận chỉ có hai lựa chọn, một là tự nguyện thực hiện theo phương án, hai là bị Nhà nước thu hồi đất bắt buộc.
Thứ ba, kiểm soát tham nhũng chặt chẽ hơn trong quá trình phát triển đô thị với 3 yếu tố cốt yếu của quản trị công là công khai - minh bạch, có sự tham gia của người dân và trách nhiệm giải trình cao của cơ quan quản lý. Loại bỏ được các nguy cơ tham nhũng mới có cơ hội giảm được chi phí cho phát triển.
Việt Nam không phải là một nước giầu có.Tài nguyên thiên nhiên cũng có nhưng không phải là nhiều.Tìm ra cơ chế hợp lý cho đầu tư phát triển là nhiệm vụ quan trọng nhất. Một hình ảnh về kỷ lục con đường đắt nhất hành tinh ở Hà Nội liên tục bị xô đổ đang mang lại một cảm giác buồn chán. Một người bình thường cũng luôn có một giấc mơ bình thường về những con đường rẻ nhất hành tinh ở Việt Nam.
Cách làm thì đã có, đã được thử nghiệm, đã thành công ở khắp các nơi. Câu hỏi được đặt ra là tại sao các nhà quản lý đô thị ở ta không tiếp thu kinh nghiệm để làm hay không muốn làm?
Gs. TsKh. Đặng Hùng Võ